Đánh thức 'Tứ giác du lịch' của miền Tây

Với tài nguyên du lịch đa dạng, TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau đang tạo ra 'Tứ giác du lịch miền Tây' với nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, từ sông nước, miệt vườn, biển đảo, hệ sinh thái rừng núi cho tới rừng ngập mặn ven biển hấp dẫn.

Du lịch sông nước là sản phẩm đặc trưng của miền Tây.

Du lịch sông nước là sản phẩm đặc trưng của miền Tây.

ĐBSCL thu nhỏ

“Tứ giác du lịch miền Tây” được hình thành gồm TP Cần Thơ và các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Cà Mau. Đây là những địa phương có vị trí chiến lược, được xác định là "Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL" theo Quyết định 492/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Khu vực này đóng vai trò quan trọng trong các quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội vùng, tiếp tục được khẳng định trong các quy hoạch tích hợp, quy hoạch phát triển du lịch và đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của vùng ĐBSCL.

Với tổng lượng khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán 2025 đạt trên 2 triệu lượt, các địa phương này chiếm hơn 60% tổng lượng khách du lịch của cả vùng ĐBSCL. Doanh thu dịch vụ du lịch tại Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ và Cà Mau cũng đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu du lịch của vùng.

Trong đó, Kiên Giang đạt doanh thu 1.886 tỷ đồng, đưa mức tăng trưởng lên gần 50% so với cùng kỳ và thuộc nhóm 8 địa phương cả nước có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó riêng Phú Quốc đóng góp gần 70% lượng khách và doanh thu.

Trong năm 2024, “Tứ giác du lịch” này đã thu hút hơn 27,35 triệu lượt khách, chiếm 52,5%; tổng doanh thu du lịch đạt hơn 44.697 tỷ đồng, chiếm gần 72% tổng doanh thu du lịch toàn vùng ĐBSCL.

Trong đó, Kiên Giang thu hút 9,8 triệu lượt khách, doanh thu du lịch 25.141 tỷ đồng và An Giang thu hút 9,1 triệu lượt khách, đạt doanh thu 10.250 tỷ đồng, gia nhập nhóm các địa phương thu hút 9 triệu lượt khách và doanh thu dịch vụ du lịch từ 10.000 tỷ đồng trở lên của cả nước.

Về tài nguyên du lịch, “Tứ giác du lịch” phản ánh rõ nét bức tranh tổng thể của du lịch ĐBSCL. Đơn cử như Kiên Giang sở hữu quần đảo Phú Quốc với du lịch biển, đảo cao cấp; An Giang phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái rừng núi; Cần Thơ nổi bật với du lịch sông nước, miệt vườn, văn hóa chợ nổi Cái Răng; Cà Mau là điểm đến cuối trời Nam với hệ sinh thái rừng ngập mặn đặc trưng.

Sự kết hợp này tạo thành một bức tranh du lịch miền Tây thu nhỏ, với đầy đủ các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp, biển đảo, rừng núi.

Các tour tiêu biểu kết nối 4 địa phương này có thể kể đến như: tour "Hành trình sông nước Miền Tây" (Cần Thơ - Châu Đốc - Hà Tiên - Phú Quốc - Cà Mau), tour "Khám phá thiên nhiên và văn hóa Nam Bộ" (Rừng U Minh - Đất Mũi - Núi Sam - Phú Quốc), hay các tuyến du lịch đường sông từ TP Cần Thơ đi An Giang, Kiên Giang.

Chuyển đổi xanh để tăng giá trị

Tuy nhiên, “Tứ giác du lịch” này vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Hạ tầng giao thông và dịch vụ công cộng mặc dù đã được đầu tư, cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đồng bộ. Một số tuyến đường quan trọng chưa được mở rộng hoặc xuống cấp, gây khó khăn cho việc di chuyển giữa các điểm du lịch.

Chất lượng dịch vụ chưa đồng đều, thiếu nhân lực du lịch chuyên nghiệp. Một số cơ sở lưu trú, dịch vụ vẫn chưa đạt chuẩn quốc tế, xảy ra tình trạng tăng giá vào mùa cao điểm nhưng chưa tương xứng với chất lượng phục vụ. Ô nhiễm môi trường và áp lực từ phát triển du lịch ồ ạt.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giỏi ngoại ngữ, có kỹ năng giao tiếp và hiểu biết về du lịch bền vững sẽ giúp nâng tầm chất lượng dịch vụ, tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài cho ngành du lịch ĐBSCL.

Từ thực tế này, có thể nói, việc phát triển du lịch tại “Tứ giác du lịch” miền Tây không chỉ dừng lại ở việc khai thác tài nguyên sẵn có mà cần hướng đến chuyển đổi xanh để gia tăng giá trị và đảm bảo tính bền vững.

Chuyển đổi xanh trong ngành du lịch là quá trình thay đổi từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức sang sử dụng các giải pháp thân thiện với môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái.

Chuyển đổi xanh cần lồng ghép vào chiến lược quy hoạch, chính sách phát triển và cơ chế liên kết vùng. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững.

Du lịch xanh không chỉ là các sản phẩm như du lịch sinh thái, mà còn cần tích hợp vào chuỗi giá trị ngành du lịch, từ lữ hành, vận tải, lưu trú đến văn hóa, ẩm thực, thương mại.

Thí dụ, phát triển các mô hình farmstay, homestay gắn với bảo tồn sinh thái ở An Giang và Cà Mau, hay khai thác du lịch biển đảo có trách nhiệm tại Phú Quốc và Hà Tiên. Chuyển đổi xanh không thể thực hiện riêng lẻ mà cần sự phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và du khách.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào du lịch bền vững, tạo cơ chế ưu đãi cho các đơn vị thực hiện mô hình du lịch xanh sẽ là yếu tố quan trọng giúp ngành du lịch ĐBSCL phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.

Mở rộng kết nối toàn vùng

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có thêm nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL gia nhập nhóm địa phương Top du khách và doanh thu du lịch của cả nước? Đây là câu hỏi đặt ra đối với ngành du lịch của các địa phương và vùng ĐBSCL. Để đạt được mục tiêu này, các địa phương cần đa dạng hóa và nâng cấp sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm đặc thù có sức cạnh tranh cao.

Chẳng hạn, An Giang có thể khai thác mạnh hơn du lịch tâm linh kết hợp sinh thái, Cà Mau phát triển du lịch khám phá rừng ngập mặn và cộng đồng, trong khi Kiên Giang nâng tầm du lịch biển đảo với mô hình nghỉ dưỡng cao cấp.

Sự phát triển này cần có sự đầu tư bài bản về hạ tầng, dịch vụ nhằm tạo ra những trải nghiệm độc đáo, hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, việc tăng cường liên kết vùng là yếu tố then chốt để tối ưu hóa tài nguyên du lịch. Không chỉ giới hạn trong “Tứ giác du lịch”, các địa phương cần mở rộng kết nối trên toàn vùng ĐBSCL.

Việc xây dựng những tuyến du lịch như "Một hành trình - nhiều điểm đến" sẽ giúp kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách. Điều này đòi hỏi sự phối hợp giữa các tỉnh, cùng nhau xây dựng sản phẩm du lịch trọn gói và có tính liên kết chặt chẽ.

Ngoài ra, đầu tư vào hạ tầng, ứng dụng công nghệ số và nâng cao chất lượng nhân lực cũng là những yếu tố không thể thiếu. Các địa phương cần cải thiện giao thông, nâng cấp điểm du lịch và đẩy mạnh số hóa trong ngành, từ bản đồ du lịch số, vé điện tử đến hướng dẫn viên ảo bên cạnh nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, chuyên nghiệp của đội ngũ hướng dẫn viên.

TS. TRẦN HỮU HIỆP, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/danh-thuc-tu-giac-du-lich-cua-mien-tay-post120462.html