Danh tính 'nữ hoàng hạt nhân' từng góp phần chế tạo bom nguyên tử
TRUNG QUỐC - Là người có đóng góp quan trọng cho việc phát triển bom nguyên tử của Mỹ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra, bà Ngô Kiện Hùng được mệnh danh là 'đệ nhất phu nhân Vật lý' và 'nữ hoàng hạt nhân'.
Bà Ngô Kiện Hùng sinh năm 1912, trong một gia đình trí thức ở Lưu Hà, Giang Tô (Trung Quốc). Từ nhỏ, bà sớm bộc lộ năng khiếu về Toán học và Khoa học tự nhiên. Bà từng học Trường Sư phạm nữ giới 2 ở Tô Châu thuộc Đại học quốc lập Trung ương Nam Kinh (nay là Đại học Nam Kinh).
Năm 1934, bà tốt nghiệp thủ khoa ngành Vật lý tại Đại học quốc lập Trung ương Nam Kinh. Đến năm 1936, được chú hỗ trợ tài chính, bà sang Mỹ du học. Tại đây, bà đăng ký vào Đại học California, Berkeley (Mỹ) ngành Vật lý hạt nhân. Năm 1940, bà xuất bản thành công một bài nghiên cứu về phân hạch hạt nhân và phóng xạ, trên tạp chí Vật lý uy tín ở Mỹ.

Nhà Vật lý giúp Mỹ chế tạo bom nguyên tử trong Chiến tranh Thế giới thứ hai - Ngô Kiện Hùng. Ảnh: Baidu
Để tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực đang theo đuổi, năm 1942, bà nộp đơn xin ở lại Đại học California làm trợ lý giảng dạy. Đến năm 1944, bà xin nghỉ việc để gia nhập Đại học Columbia (1944-1980). Thời điểm này, giới Vật lý ở Mỹ truyền tai nhau, nếu thí nghiệm được bà thực hiện sẽ tuyệt đối chính xác. Do đó, năm 1944, bà được mời tham gia vào Dự án Manhattan. Đây là một dự án tuyệt mật phát triển bom nguyên tử của Mỹ. Tại đây, nhiệm vụ của bà là cải tiến bộ đếm Geiger để phát hiện bức xạ và làm giàu uranium với số lượng lớn. Thông qua quá trình khuếch tán khí, bà đã phát triển phương pháp phân tách các nguyên tử uranium thành các đồng vị uranium-235 và uranium-238 tích điện.
Chính nghiên cứu này của bà đã góp phần phát triển bom nguyên tử của Mỹ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, bà tiếp tục quay lại Đại học Columbia giảng dạy. Đến năm 1958, bà chính thức được nhà trường bổ nhiệm chức danh giáo sư ở tuổi 46. Một trong những đóng góp khác của bà phải kể đến nghiên cứu quá trình phân rã phóng xạ.
Để thực hiện nghiên cứu này, năm 1950, bà đã bắt tay vào một thí nghiệm để kiểm tra định luật bảo toàn tính chẵn lẻ. Ngoài bà, nghiên cứu còn có sự tham gia của 2 cộng sự là nhà Vật lý Lý Chính Đạo (Đại học Columbia) và Dương Chấn Ninh (Viện Nghiên cứu Cao cấp tại Princeton).
Sau thời gian dài thử nghiệm, năm 1956, bà đã đưa ra kết luận cuối cùng, hạt nhân tinh thể coban phát ra electron ở một bên nhưng không phát ra bên kia. Điều này đồng nghĩa với việc bà đã chứng minh thành công định luật bảo toàn tính chẵn lẻ hoàn toàn sai.
Bước đột phá lớn này đã giúp 2 nhà Vật lý Lý Chính Đạo và Dương Chấn Ninh đạt giải Nobel Vật lý năm 1957, với công trình Lý thuyết về sự vi phạm bảo toàn chẵn lẻ, dựa trên nền tảng Thí nghiệm Ngô Kiện Hùng. Vì 2 cộng sự đều nhận được giải Nobel nhưng bà thì không, điều này đã gây nhiều tranh cãi và bất bình trong giới khoa học.
Song song với nghiên cứu về định luật chẵn lẻ, bà tiến hành loạt thí nghiệm quan trọng trong Vật lý hạt nhân và Lượng tử. Cụ thể, năm 1949, bà là người đầu tiên xác nhận lý thuyết về sự suy giảm beta của nhà vật lý Enrico Fermi năm 1933 (tìm ra cách làm thế nào để các nguyên tử ổn định hơn và bớt phóng xạ).
Dù không nhận được giải Nobel, bà vẫn được công nhận là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Với những nghiên cứu mang tính cách mạng cho khoa học thế giới, bà còn được mệnh danh là "nữ hoàng hạt nhân".
Trong suốt quá trình nghiên cứu, bà từng nhận đạt một số giải thưởng danh giá sau: Giải Vật lý Comstock (1964), Giải Tom W. Bonner về Vật lý hạt nhân (1975), Huân chương Khoa học Quốc gia Mỹ (1975) và Giải Wolf Vật lý (1978).
Năm 1997, bà qua đời tại Mỹ vì bạo bệnh. Trong những năm tháng cuối đời, mong muốn duy nhất của bà là trở về quê hương nhưng không thực hiện được. Vì vậy, sau khi bà rời xa thế giới, người chồng đã mang tro cốt của bà trở về quê hương, chôn dưới gốc cây sim trong sân Trường Minh Đức - ngôi trường do bố bà thành lập dành cho nữ sinh đầu tiên ở Trung Quốc - cũng là nơi bà theo học thời thiếu nữ.
Thực hiện di nguyện cuối cùng của bà, trên bia mộ được khắc dòng chữ: "Ngô Kiện Hùng là một công dân xuất sắc của thế giới và mãi mãi là người Trung Quốc".