Đặng Dung (1373-1414) là vị tướng nổi tiếng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, tham gia đánh giặc Minh xâm lược. Dù sự nghiệp không thành, Đặng Dung đã để lại tấm gương sáng về tinh thần chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Đặng Dung là danh tướng của nhà Hậu Trần. Nhà Hậu Trần tồn tại từ năm 1407 đến năm 1413, trải qua hai đời vua là Trùng Quang Đế và Giản Định Đế.
Đặng Dung là con trai Đặng Tất - tướng hàng đầu của nhà Hậu Trần, có nhiều công lao trong kháng chiến chống quân Minh, nhưng cuối cùng bị Giản Định Đế giết oan năm 1409.
Đặng Dung là con trai Đặng Tất - tướng hàng đầu của nhà Hậu Trần, có nhiều công lao trong kháng chiến chống quân Minh, nhưng cuối cùng bị Giản Định Đế giết oan năm 1409.
Tháng 9/1413, quân của Trương Phụ vào đến Thuận châu, Nguyễn Súy và Đặng Dung giữ sông Thái Gia, đặt phục binh, nhân đêm đánh úp dinh Trương Phụ. Đặng Dung nhảy lên thuyền Trương Phụ toan bắt sống, nhưng không biết mặt. Trương Phụ nhảy xuống sông lấy thuyền nhỏ chạy thoát.
Theo Khâm định việt sử thông giám cương mục, Đặng Tất và Đặng Dung người làng Tả Thiên Lộc, huyện Thiên Lộc, Nghệ An, nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Từ cuối năm 1413, quân Hậu Trần ngày càng suy yếu, không thể chống lại quân Minh, Đặng Dung rơi vào tay giặc. Trên đường bị chúng giải về Trung Quốc, ông đã tuẫn tiết. Trước khi qua đời, ông để lại bài thơ Thuật hoài được khắc trên mạn thuyền, sau được nhiều người truyền tụng, trong đó có 2 câu cuối: Thù trả chưa xong đầu đã bạc / Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.
Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư dành cho Đặng Dung lời nhận xét: "Tuy thất bại, cũng vẫn vinh quang. Trong khoảng 5 năm, kiên trì chiến đấu với giặc, dẫu có bất lợi, nhưng ý chí không núng, khí thế càng hăng, đến kiệt sức mới chịu thôi. Lòng trung vì nước của người bề tôi, dẫu trăm đời sau vẫn còn tưởng thấy được!".
Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing