Danh xưng và bản sắc

LTS: Sáp nhập đơn vị hành chính, đặc biệt là sáp nhập xã, phường là chủ trương cốt lõi nhằm tinh gọn bộ máy, tối ưu hóa nguồn lực và hướng tới phát triển bền vững. Trong quá trình này, nhiều danh xưng lâu đời sẽ không còn hiện diện trên bản đồ hành chính.

TP Huế sẽ có phường mới Phú Xuân sau khi sáp nhập sáu phường, nằm trên khu vực từng là thủ phủ Phú Xuân từ thời chúa Nguyễn

TP Huế sẽ có phường mới Phú Xuân sau khi sáp nhập sáu phường, nằm trên khu vực từng là thủ phủ Phú Xuân từ thời chúa Nguyễn

Cho dù vậy, những danh xưng ấy vẫn sẽ trường tồn. Mặt khác, việc sáp nhập, đặt tên cũng chính là mở ra cánh cửa mới để lan tỏa, làm giàu thêm bản sắc văn hóa trên những địa giới hành chính mới.

Tên gọi quê hương luôn là một miền nhớ thiêng liêng trong tiềm thức của mỗi người, không chỉ nhắc nhớ về cội nguồn mà còn là di sản, bản sắc văn hóa của mỗi vùng quê.

Trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính đang diễn ra, nhiều địa phương đã triển khai xin ý kiến, lắng nghe tiếng nói người dân như một kênh tham khảo quan trọng đối với việc đặt tên mới.

Bởi sâu trong tâm khảm của mỗi người, dù danh xưng của miền quê nơi “chôn rau cắt rốn” có còn hiện hữu trên bản đồ hành chính hay không thì vẫn chẳng ai có thể “nhổ được tên làng ra khỏi vùng ký ức”.

Cân nhắc, thấu đáo, thận trọng

Đi trên đường làng nhỏ hẹp, bao quanh là những bức tường đá ong nặng sắc thâm trầm, ông Kiều Quang Liệu, người dân xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) trò chuyện, tên gọi xã Đường Lâm sau sáp nhập vào đơn vị hành chính cơ sở Sơn Tây theo Nghị quyết vừa được thông qua sẽ không còn nữa.

“Tên gọi Đường Lâm gợi nhớ một làng cổ lâu đời với nhiều nét văn hóa đặc sắc. Giá trị nghệ thuật của ngôi làng cổ mang đến cho những người dân niềm tự hào không gì đánh đổi được. Sau sáp nhập đơn vị hành chính, tên gọi xã Đường Lâm sẽ không còn, nhưng làng cổ Đường Lâm với danh xưng “Kẻ Mía”, “một ấp hai vua” thì mãi tồn tại, với những bản sắc không thể phai nhòa”.

Ông Liệu cho rằng, việc đặt tên ba đơn vị hành chính cấp xã vừa được thông qua tại Nghị quyết của HĐND thị xã Sơn Tây, gồm Sơn Tây, Tùng Thiện, Đoài Phương nhận được sự đồng thuận của người dân bởi đây là những danh xưng tiêu biểu, gắn với truyền thống lâu đời của vùng văn hóa xứ Đoài.

Trong đó, thành lập đơn vị hành chính cơ sở Sơn Tây sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị văn hóa, lịch sử gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài, trọng tâm là thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, đền Và.

“Danh xưng Sơn Tây lưu giữ dấu ấn văn hóa, lịch sử của một vùng đất cổ với chiều dài trên 550 năm, khơi dậy niềm tự hào sâu sắc về mảnh đất xứ Đoài xưa. Người dân tin rằng, tên gọi Sơn Tây sau sáp nhập cũng đồng thời là thông điệp, định hướng tạo động lực cho sự phát triển, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống lâu đời trên những miền đất cổ…”, ông Liệu bày tỏ.

Ông Đỗ Vĩnh, nguyên cán bộ Thị ủy Sơn Tây cho hay, danh xưng của những miền quê, đặc biệt là những vùng đất cổ luôn mang một ý nghĩa thiêng liêng. Mỗi cái tên đều hàm chứa bản sắc văn hóa riêng có, là những di sản mà các thế hệ đã tiếp nối gìn giữ, bảo tồn.

Do vậy, việc lựa chọn, đặt tên rất cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo yêu cầu của quá trình sáp nhập cũng như giữ gìn được nhiều nhất giá trị cốt lõi về văn hóa, lịch sử. Tại Sơn Tây, ngoài danh xưng Sơn Tây thì hai tên gọi khác là Tùng Thiện, Đoài Phương cũng nhận được sự đồng thuận của cộng đồng.

“Mỗi cái tên đều toát lên bản sắc, truyền thống văn hóa lâu đời. Đây là vấn đề căn cốt mà những nhà làm chính sách, người quản lý ở cơ sở cần chú trọng, tránh để xảy ra những điều đáng tiếc”, ông Vĩnh nhấn mạnh.

Đặt tên sáp nhập đang là câu chuyện thời sự được quan tâm ở nhiều địa phương, vùng miền. Tại TP Huế, vùng đất in đậm dấu ấn của di sản, giá trị văn hóa lâu đời, khát khao giữ gìn nét đẹp truyền thống qua những danh xưng được nhiều người dân bày tỏ.

Sau sắp xếp đơn vị hành chính, nhiều tên phường, xã mới ở TP Huế đã được đặt tên gắn liền với vùng đất văn hóa, di sản của xứ Thuận Hóa xưa, Kinh đô Huế sau này. 133 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp còn 40 đơn vị, gồm 21 phường và 19 xã.

Điều đáng mừng là ngoài những cái tên cũ của những vùng đất cổ được giữ lại, còn những cái tên tưởng chừng như “ngủ quên”, nay được đề xuất. Như vậy, Huế vẫn còn những địa danh gợi nhớ các giá trị văn hóa, lịch sử qua những tên gọi như Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông, Quảng Điền, Phú Xuân, Thuận Hóa...

Bên cạnh đó, những cái tên Hóa Châu, Đan Điền, Kim Trà… đã từng được đặt hơn 500 năm trước nay được đề xuất sử dụng. Xã mới được đặt tên là Đan Điền trên cơ sở sáp nhập bốn xã của huyện Quảng Điền.

Đan Điền là địa danh từng xuất hiện từ thời nhà Lê. Theo Ô Châu cận lục của Lê Quý Đôn, huyện Đan Điền lúc đó có 52 làng, xã. Thời chúa Nguyễn Hoàng vào xứ Đàng Trong thì Đan Điền đổi tên thành Quảng Điền.

Trong đề án, ngoài việc đặt tên xã mới Đan Điền thì TP Huế cũng giữ lại tên Quảng Điền cho một xã mới khác sau khi sắp xếp, sáp nhập các xã Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thọ và thị trấn Sịa.

Người dân Huế cũng “nức lòng” khi tên Kim Trà được đặt cho phường mới sau khi sáp nhập ba phường của thị xã Hương Trà. Kim Trà đã xuất hiện từ rất sớm dưới thời Lê, là tên gọi cũ của thị xã Hương Trà hiện nay, gắn với yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời.

Trong cuốn “Dư địa chí” năm 1435 của Nguyễn Trãi đã có tên huyện Kim Trà, cho đến đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên

đổi tên thành huyện Hương Trà. Việc đặt tên Kim Trà để “nhắc” lại địa danh đầu tiên của vùng đất, giúp các thế hệ sau này nhớ về vùng đất mà các bậc tiền nhân đã lập nên.

Tên gọi Hóa Châu được đặt cho phường mới trên cơ sở sáp nhập phường Hương Phong, Hương Vinh và xã Quảng Thành cũng được hoan nghênh bởi phù hợp với văn hóa, lịch sử của địa phương. Nơi đây từng tồn tại thành Hóa Châu mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa Chămpa.

Xã Đường Lâm sẽ sáp nhập vào đơn vị hành chính cơ sở Sơn Tây

Xã Đường Lâm sẽ sáp nhập vào đơn vị hành chính cơ sở Sơn Tây

“Căn cước” văn hóa cho một vùng đất

Nhiều tên mới theo đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính của TP Huế gắn liền với địa danh có bề dày lịch sử hơn 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, ngoài lấy lại tên huyện, thị xã hiện tại, hay tên gắn với lịch sử lâu đời của vùng đất thì nhiều địa danh nổi tiếng của Huế cũng đã được giữ lại đặt tên cho phường mới như Vỹ Dạ, Kim Long, Thanh Thủy…

Ông nhấn mạnh, khi việc đặt tên được nghiên cứu kỹ càng, phù hợp với văn hóa, lịch sử chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận của cộng đồng.

Một số ý kiến lại bày tỏ tiếc nuối đối với việc đặt tên ở huyện miền núi A Lưới, vùng đất nổi tiếng trong lịch sử hào hùng của TP Huế. Từ 18 xã, thị trấn sắp xếp còn năm xã và giữ tên gọi A Lưới có đánh số từ 1 - 5.

Theo ông Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP Huế, một số văn nghệ sĩ cũng băn khoăn với cách đặt tên ở huyện A Lưới, việc đánh số là chưa thấu đáo, chưa chú ý và bỏ qua hồn cốt di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

TP Huế đang xây dựng và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng di sản văn hóa, vì vậy các tên gọi cần phải mang hàm lượng văn hóa cao. Đó chính là căn cước văn hóa cho một vùng đất và sẽ gắn bó nhiều thế hệ.

Lắng nghe cộng đồng đang là phương án gợi mở thiết thực. Bởi hơn ai hết, người dân sẽ am hiểu, nắm giữ và nâng niu nhiều nhất giá trị, bản sắc văn hóa quê hương, trong đó có những danh xưng.

Tại tỉnh vùng cao Đông Bắc - Lạng Sơn, người dân bày tỏ mong muốn giữ lại những tên gọi truyền thống sau sáp nhập, bởi những cái tên đã gắn bó với lịch sử và bản sắc quê hương.

Những tên gọi “gắn số” khô khan, đại trà được dự kiến đặt tên cho những miền quê vốn giàu bản sắc văn hóa như Hữu Lũng 1, Hữu Lũng 2, Bắc Sơn 1, Bắc Sơn 2, Văn Lãng 1, Văn Lãng 2... ít nhiều dẫn đến băn khoăn, bởi số đếm thì vô hồn, sẽ không đủ sức “gánh vác” sứ mệnh thể hiện dấu ấn bản sắc, hay những giá trị lịch sử, văn hóa.

TP Vinh (Nghệ An) cũng đã quyết định đổi tên phường đặt theo số thứ tự sang phương án đều có chữ “Vinh”. Sau khi nghe ý kiến từ dư luận, địa phương này dự kiến điều chỉnh và đặt tên các đơn vị hành chính mới gồm các phường Trường Vinh, Thành Vinh, Vinh Hưng, Vinh Phú, Vinh Lộc, cùng với phường Cửa Lò giữ nguyên như đề xuất ban đầu.

Cách đặt tên này được nhìn nhận là sự kế thừa lịch sử, chuyển tiếp từ những cái tên đã ăn sâu vào tiềm thức văn hóa. 13/20 huyện, thành phố và thị xã ở Nghệ An cũng đang nghiên cứu, đổi tên các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập không còn đánh số thứ tự như trước để lấy ý kiến cử tri.

… Mỗi danh xưng gắn với bản sắc cũng là một cách thức giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử, để các thế hệ mai sau luôn trân trọng, gìn giữ và phát huy. Đó chính là tinh thần hướng đến sự lan tỏa, làm giàu bản sắc văn hóa và phát triển bền vững từ việc triển khai chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính đang diễn ra trong cả nước.

(GS.TS TỪ THỊ LOAN)

GS.TS Từ Thị Loan, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long nhìn nhận, việc sáp nhập đơn vị hành chính, đặc biệt là sáp nhập xã, phường chắc chắn sẽ dẫn đến những thay đổi.

Trong đó, sẽ không còn nữa nhiều cái tên vốn được mỗi người con khi xa quê vẫn luôn “gánh” theo trong mỗi hành trình, và cả trong tiềm thức của họ. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các địa phương trong quá trình sáp nhập rất cần nỗ lực để chọn lựa, giữ gìn được những cái tên mang tính biểu tượng, có bề dày lịch sử, chứa đựng những lớp trầm tích văn hóa sâu xa, gắn bó cội rễ với vùng đất đó.

Những cái tên được nhiều địa phương chọn giai đoạn sau này như Thắng Lợi, Đoàn Kết… thì có thể sắp xếp vào những danh xưng cổ, mang tính bao trùm và gắn với bản sắc văn hóa vùng miền nhiều hơn.

“Những cái tên đi sâu vào lịch sử, tâm thức và niềm tự hào của người dân rất cần được giữ lại, bởi đó chính là những di sản văn hóa ngàn đời. Đơn cử như tại Hà Nội, những cái tên như Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng…, hay những địa danh như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ô Chợ Dừa, Ngọc Hà là những tên gọi chứa đựng bề dày truyền thống, đều cần thiết gìn giữ”, GS.TS Từ Thị Loan chia sẻ.

Bà Loan cũng bày tỏ tiếc nuối khi “ngân hàng” tên gọi gắn liền với bản sắc văn hóa, lịch sử của nhiều vùng đất vốn rất giàu có, thế nhưng nhiều địa phương lại lựa chọn cách đặt tên đánh số, hoặc ghép tên cơ học.

“Những cách đặt tên này không chỉ thể hiện sự máy móc, vô cảm mà phần nào còn lãng phí cơ hội lưu giữ được những danh xưng lịch sử. Điều này rất quý giá bởi mỗi hầu hết tên gọi của những địa danh lâu đời đều thể hiện bản sắc văn hóa Việt, rất khác biệt với cách đặt tên cơ học tại một số thủ đô của nhiều quốc gia như Pháp, Mỹ… Chưa kể, mỗi danh xưng gắn với bản sắc cũng là một cách thức giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử, để các thế hệ mai sau luôn trân trọng, gìn giữ và phát huy. Đó chính là tinh thần hướng đến sự lan tỏa, làm giàu bản sắc văn hóa và phát triển bền vững từ việc triển khai chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính đang diễn ra trong cả nước”, GS.TS Từ Thị Loan lưu ý.

(Còn tiếp)

PHƯƠNG ANH - SƠN THÙY - ĐINH AN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/danh-xung-va-ban-sac-130913.html