Đảo chính ở Niger: Cộng đồng quốc tế lên án, Tổng thống Bazoum vẫn bị giam giữ
Tổng thống Niger Mohamed Bazoum vẫn bị giam giữ tại Dinh Tổng thống vào chiều thứ Năm (27/7), sau khi các binh sĩ tiến hành một cuộc đảo chính quân sự vào tối thứ Tư và khiến cộng đồng quốc tế lên án.
Pháp, cường quốc từng thuộc địa Niger, và khối khu vực Tây Phi ECOWAS kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông Bazoum và quay trở lại trật tự hiến pháp. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho rằng trật tự hiến pháp cần được khôi phục.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết sự hợp tác với Niger phụ thuộc vào "cam kết tiếp tục tuân theo các tiêu chuẩn dân chủ" của nước này. Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống Bazoum và rằng ông vẫn ổn.
Những người ủng hộ cuộc đảo chính đã lục soát và phóng hỏa trụ sở của đảng cầm quyền ở thủ đô Niamey vào hôm thứ Năm, sau khi bộ chỉ huy quân đội Niger tuyên bố ủng hộ cuộc đảo chính.
Đám đông tương tự trước đó đã tập trung trước Quốc hội Niger. Một số hô vang các khẩu hiệu chống Pháp, phản ánh sự ảnh hưởng của nước này ở khu vực Sahel. Niger giành được độc lập từ Pháp vào năm 1960.
Cuộc đảo chính bắt đầu bởi lực lượng bảo vệ Tổng thống Niger, được rút ra từ các lực lượng vũ trang và thường bảo vệ Tổng thống và đoàn tùy tùng, do Tướng Omar Tchiani đứng đầu. Nhưng ông này không nằm trong số những người lính tuyên bố đảo chính trên truyền hình vào cuối ngày thứ Tư.
Cuộc đảo chính ở Niger là cuộc đảo chính thứ bảy ở Tây và Trung Phi kể từ năm 2020. Nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền hòa bình và nỗ lực chống lại cuộc nổi dậy của các chiến binh thánh chiến trong khu vực, nơi Niger là một đồng minh chủ chốt của phương Tây.
Kể từ khi quan hệ với Burkina Faso và chính quyền của Mali trở nên xấu đi, vai trò của Niger ngày càng trở nên quan trọng đối với các cường quốc phương Tây trong nỗ lực chống lại cuộc nổi dậy ở khu vực Sahel. Pháp đã chuyển quân đến Niger từ Mali vào năm ngoái.
Đại tá Amadou Abdramane, người thông báo về cuộc đảo chính trên truyền hình nhà nước, cho biết các lực lượng quốc phòng và an ninh đã hành động để đối phó với tình trạng an ninh ngày càng xấu đi và sự quản lý yếu kém của chính quyền.
Tình trạng mất an ninh vẫn là một vấn đề kể từ khi ông Bazoum được bầu vào năm 2021. Bất ổn đã khiến hàng nghìn người Niger thiệt mạng và khiến hơn 6 triệu người phải di dời trên khắp khu vực Sahel.
Huy Hoàng (theo Reuters)