Dạo chơi vườn văn Mỹ [Kỳ 18]

Margaret Munnerlyn Mitchell (1900-1949) là tiểu thuyết gia và nhà báo người Mỹ, cả đời viết có một cuốn tiểu thuyết được xuất bản.

Nhà văn Margaret Munnerlyn Mitchell.

Nhà văn Margaret Munnerlyn Mitchell.

Cuốn theo chiều gió (1936) được viết trong một thời gian dài điều trị ở bệnh viện; bà đã dùng các kiến thức của mình về cuộc Nội chiến Nam - Bắc Mỹ cộng với những hoàn cảnh trắc trở trong cuộc đời của mình để viết. Tác phẩm đoạt Giải thưởng Pulitzer năm 1937, được dịch sang 30 thứ tiếng và bán được trên 20 triệu bản. Phim Cuốn theo chiều gió là tác phẩm của nhà sản xuất điện ảnh David O. Selznick (đạo diễn Victor Pleming, 1889-1949) “hái ra tiền” trong mấy chục năm, được chiếu lại ở nhiều nước trên thế giới.

Mitchell sinh ra trong một gia đình giàu có và có tiếng tăm về chính trị. Cha là luật sư theo đạo Tin lành và mẹ là người Công giáo. Hồi nhỏ, bà rất ham đọc sách, tác giả mà bà đã đọc và là người có ảnh hưởng lớn đến sự hiểu biết của bà về Nội chiến và Tái thiết là Thomas Dixon (1864-1946). Bà viết: “Tôi thực sự đã lớn lên nhờ những cuốn sách đó và tôi rất yêu thích chúng”.

Cuốn theo chiều gió nói lên nỗi đau khổ của con người bị số phận vùi dập, rất thích hợp với tâm trạng đau buồn của công chúng Mỹ vào những năm 1930 của cuộc Đại khủng hoảng kinh tế. Tác phẩm mang lại sự an ủi cần thiết đã khiến cho trong thập kỷ 30, công nghiệp điện ảnh Mỹ phát triển, không bị khủng hoảng như những ngành khác.

Truyện viết theo bút pháp hiện thực, nhưng nhiều chi tiết lịch sử bị bóp méo và có những đoạn trữ tình hơi “sướt mướt”; truyện chứa đựng rất nhiều sự kiện lịch sử, mô tả rõ ràng các ngày sụp đổ của thành phố Atlanta vào năm 1864 và sự tàn phá của chiến tranh.

Truyện kể về cuộc đời ba chìm bảy nổi của một cô gái thuộc giới điền chủ giàu sang miền Nam, trong bối cảnh Cuộc nội chiến Nam-Bắc (1860-1865) và công cuộc xây dựng lại sau chiến tranh. Scarlett đẹp sắc sảo, có cá tính, bướng bỉnh, thực tế, hay lợi dụng người khác, không bao giờ chịu khuất phục trước số mệnh. Cô yêu say đắm anh chàng đẹp trai hiền lành Ashley. Mối tình tuyệt vọng, vì Ashley lại lấy cô em gái dịu hiền của cô là Melanie mà cô rất thương mến, vả lại rồi Ashley cũng chết trận. Hai lần bị góa, Scarlett cuối cùng lấy Rhett, một người ngang tàng, vụ lợi nhưng cơ bản tốt bụng, tính tình gần giống như mình. Scarlett xây dựng lại cơ nghiệp, chứng kiến cái chết của đứa con gái yêu thương, hắt hủi chồng và cuối cùng yêu chồng, quên mối tình thời niên thiếu.

Ngẫm cho cùng, Cuốn theo chiều gió là tác phẩm “phản tiến bộ”, vì nó tô vẽ cho giới địa chủ miền Nam và bênh vực chế độ nô lệ. “Một huyền thoại trước Nội chiến, vẫn còn phổ biến mãi cho đến Cuốn theo chiều gió của Michell, miêu tả những người lao động bất đắc dĩ (nô lệ) ấy là được ăn mặc đầy đủ và đối đãi tử tế”.

* * *

Peal Buck (1892-1973) là nhà văn nữ Mỹ đầu tiên được Giải thưởng Nobel (năm 1938). Bà là con một gia đình cả bố lẫn mẹ đều làm mục sư ở Trung Quốc. Sinh ra ở Mỹ và từ nhỏ, khi mới được ba tháng bà đã theo bố mẹ sang Trung Quốc và sống thời thơ ấu ở đó. Bà kể về bố mẹ trong Thiên thần chiến đấu (1936) và Lưu đày (1936). Bà về Mỹ học đại học, đi dạy tâm lý học ở Mỹ rồi trở lại Trung Quốc, dạy tiếng Anh ở Nam Kinh (1921-1931).

Ngay từ năm 31 tuổi, bà đã viết bài và truyện ngắn đăng báo ở Mỹ. Gió Đông, gió Tây (1929) là cuốn tiểu thuyết đầu tay của bà. Ba năm sau, bà viết tiểu thuyết Đất tốt (1931) được giải thưởng văn học Mỹ Pulitzer; đó là cuốn đầu trong bộ ba mà hai cuốn sau là Những đứa con trai (1932) và Gia đình phân tán (1935). Cuốn Nhà đất (1935) đã được dựng thành kịch và quay thành phim. Vấn đề phụ nữ được nêu lên hàng đầu trong các tiểu thuyết lấy cốt truyện ở Trung Quốc và ở Mỹ. Lòng tự hào (1938); Những thần minh khác (1940); Chân dung một cuộc hôn nhân (1945). Nhân con gái bị bệnh thần kinh, bà sáng tác cuốn Đứa trẻ không lớn lên được (1950). Năm 1959, bà viết vở kịch Một sự kiện ở sa mạc, nhiều truyện ngắn và bài báo. Bà còn viết tự truyện, sách trẻ em, dịch Thủy Hử sang tiếng Anh (lấy tên là All Men are Brother=Tứ hải gia huynh đệ).

Peal Buck viết 85 tác phẩm lớn nhỏ. Trong số đó, mảng đề tài về Trung Quốc cổ truyền, đặc biệt về nông dân, là đóng góp có giá trị nhất.

Đất tốt được đánh giá là kiệt tác của Pearl Buck. Tiểu thuyết kể lại cuộc sống của Wang Lung, bần nông ở một tỉnh gần Thượng Hải. Tác giả miêu tả rất chính xác phong tục, tập quán của người nông dân Trung Quốc, nỗi gian lao vất vả của họ để đối phó với cơ cực, đói kém, những cuộc chiến tranh tương tàn trước cách mạng. Tâm hồn Trung Quốc thể hiện qua tính cách của Wang Lung, đất được coi như máu thịt. Cuốn sách kết thúc với cuộc tình duyên chớm nở giữa Yuan và một cô sinh viên Trung Quốc. Bố anh, tướng quân phiệt về già, bị nông dân nổi dậy giết chết.

Gió Đông, gió Tây miêu tả cuộc xung đột giữa cũ và mới, Đông và Tây. Trong một gia đình quý tộc giàu có, các cụ nệ cổ cố ngăn cản mà không được, các thanh niên hăm hở theo cuộc sống phương Tây với sự tôn trọng tự do cá nhân. Con trai bà mẹ du học ở Mỹ về và lấy vợ Mỹ đi ở riêng. Con gái, theo lời hứa hôn đã lâu, được gả cho một thanh niên tốt nghiệp bác sĩ ở Mỹ về. Chàng chấp nhận việc đã rồi nhưng mong muốn vợ thay đổi. Nàng yêu chồng, cố gắng trở thành phụ nữ tân tiến để hợp với chồng.

Hữu Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dao-choi-vuon-van-my-ky-18-281939.html