'Đảo Đài Loan' giữa dòng sông Hậu
Cù lao Tân Lộc nằm giữa dòng sông Hậu, được mệnh danh là 'đảo Đài Loan' bởi có cả gần nghìn phụ nữ lấy chồng nước ngoài, trong đó chủ yếu là Đài Loan.
Theo Chủ tịch UBND phường Tân Lộc (quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) Nguyễn Trọng Ngọc, nhiều gia đình do cuộc sống khó khăn nên “bóp bụng” gả con nước ngoài. Sang đó, nhiều người có cuộc sống khá giả, hạnh phúc gửi tiền về giúp gia đình, xây nhà cửa khang trang đời sống khấm khá lên. Tuy nhiên, không ít cặp vợ Việt, chồng Đài truân chuyên, trắc trở.
Đổi thay
Ông Trần Văn Sử, 67 tuổi ở khu vực Tân Mỹ 2, phường Tân Lộc thảnh thơi xem ti vi trong căn nhà mới xây. Căn nhà rộng rãi, thoáng mát, bên trong đầy đủ tiện nghi, bên ngoài có mái che, sân tráng xi măng sạch sẽ với hàng rào chắc chắn dạng biệt thự. “Nhà mới cất được gần 2 năm, với số tiền gần 500 triệu đồng do con gái gửi về ”-ông Sử cho biết.
Ông Sử là một trong những gia đình đầu tiên ở cù lao này gả con gái lấy chồng Đài Loan. Ông Sử cho biết, vợ chồng ông có 8 người con, 4 trai 4 gái, trước đây nghèo, làm không đủ ăn nên hầu hết con đều học chưa hết cấp 2 là nghỉ để mưu sinh. Năm 1995, ông trồng dưa hấu bán Tết nhưng lỗ nặng nên phát sinh nợ nần.
Cùng đường, vợ chồng ông đồng ý cho con gái lấy chồng Đài Loan thông qua mai mối với hy vọng tương lai con được sáng sủa hơn. “Năm đó vì hoàn cảnh khó khăn mà “nhắm mắt” gả đại, không biết về bên đó xứ người sống chết ra sao. Ngày đám cưới con, vợ chồng tôi mừng nhưng trong lòng rầu đứt ruột vì sang bên đó lạ nước lạ cái, lại bất đồng ngôn ngữ…” - vợ ông Sử, bà Trần Thị Đấu góp chuyện.
Cũng may, vài hôm sau khi theo chồng về xứ, Tuyết Lan-con gái bà gọi điện về báo khỏe mạnh, được bên chồng yêu thương, khiến ông bà mừng hết biết. Vài năm sau, Tuyết Ngọc, em gái Lan tiếp tục nối gót chị lấy chồng Đài Loan. Đến nay cô chị đã có 3 con và cô em có 1 con. Ông Sử cho biết, mỗi ngày hoặc cách vài ba hôm là 2 con đều gọi điện về nói chuyện nên cũng đỡ nhớ. Cứ cách một hai năm là cả vợ chồng con cái đều về đây chơi vào dịp Tết gần cả tháng.
Trên con đường lát đá phẳng lỳ nhà cửa san sát, rợp bóng cây mát rượi, ông Phạm Văn Xuyễn (Tân Mỹ 2) mình trần ngồi trên hành lang căn nhà vừa mới xây hóng mát và phì phà thuốc lá. “Bây giờ cuộc sống khỏe rồi, khá lên nhờ con gái cả đấy”- ông Xuyễn nói, rồi cho biết căn nhà được xây dựng gần 300 triệu đồng từ tiền con gái ở Đài Loan gửi về.
Nói về con gái, ông kể: “Thương con vất vả, bên đó hai vợ chồng cùng đi làm thuê nhưng tiện tặn gửi về gia đình, bên này vợ chồng tôi cũng dành dụm được chút ít và tích góp thêm để xây nhà”.
Bà Dương Thị The, vợ ông Xuyễn kể, chục năm trước gia đình nghèo khổ, cả nhà 6 người phải đi gặt lúa mướn ăn gạo hằng ngày. Đến mùa lũ thì sống bằng nghề câu lưới. “Năm năm trước con gái tui tự nguyện lấy chồng Đài Loan thông qua mai mối để hy vọng có tiền gửi về quê nhà giúp cha mẹ”-bà The nói.
Đang chăm chú ngồi may trong nhà, thấy khách đến, bà Nguyễn Thị Mai (60 tuổi) dừng tay tiếp chuyện. Bà cho biết, năm năm trở về trước cuộc sống gia đình rất vất vả, nợ nần nhiều nên bà nhắm mắt gả con gái đi Đài Loan để mong có cơ hội đổi đời. Căn nhà tường, mái tôn cấp bốn rộng khoảng 60 m2 cất lên cách nay hơn một năm cũng từ tiền con gái gửi về. Tuy không bằng nhà của những gia đình khác, nhưng với bà đó là niềm mơ ước.
Bà Phạm Thị Đèo - Chi hội trưởng Nông dân khu vực Tân Mỹ 2 (phường Tân Lộc): “Dân xứ này hầu như nhà nào có con gả nước ngoài đều khá lên. Đời sống thay đổi rõ rệt, không còn phải lo vất vả như trước”.
“Mấy năm trước căn nhà dột nát, mỗi khi mưa xuống là mấy bà cháu ngồi co ro một góc. Cả nhà làm lụng vất vả đủ ăn là mừng nên lấy đâu ra tiền sửa chữa lại. Con gái bên Đài Loan cùng chồng đi làm thuê, dành dụm mấy năm trời gửi về mới đủ cất nhà này”- bà Mai kể. Đang cười rạng rỡ, bỗng dưng mắt bà Mai đỏ hoe, giọng buồn buồn: “Lúc nào cũng nghĩ về con, cháu nhiều lắm. Tụi nó bên đó cũng làm quần quật suốt ngày mới kiếm được đồng tiền chứ có sung sướng gì đâu”.
Đến nhà của bà Phạm Thị E vào giữa trưa nắng, đúng lúc bà E từ ngoài vườn bước vào nhà. Nói về chuyện con gái gả chồng nước ngoài. Bà E kể: “Năm đó cũng vì hoàn cảnh khó khăn, nợ nần nhiều, con gái thấy khổ quá nên ưng chồng Đài Loan, tôi đành chiều theo ý con.
Ban đầu con về bên đó thân gái dặm trường vợ chồng tôi đứng ngồi không yên. Mỗi đêm nằm cầu nguyện mong con bình an nhưng lúc nào trong lòng cũng phập phòng lo sợ không biết có chuyện gì không. Cũng may khoảng 2 tháng sau con gọi về nói là bình an vô sự, cha mẹ không cần phải lo. Từ đó vợ chồng tôi mới thở phào nhẹ nhõm”.
Bồi đắp
Hơn 10 năm trước, phong trào gả con nước ngoài ở cù lao Tân Lộc rộ lên nhộn nhịp. Tuy nhiên, trong số những chị em lấy chồng nước ngoài không phải ai cũng được may mắn, hạnh phúc. Bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Tân Lộc cho biết, hầu hết các cô gái lấy chồng nước ngoài khi “gãy gánh” là đem con về bên này cho ông bà ngoại nuôi. Sau đó, họ quay sang bên đó để làm thuê hoặc đi xứ khác mưu sinh.
Sáu năm trước, bà T. gả con gái tên P.T.B.L vừa tròn 20 tuổi cho một người Hàn Quốc. Do hoàn cảnh nghèo khó, không ruộng đất, bà T. sống trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ cặp mé sông và ngày ngày làm thuê. Tình duyên đầu trắc trở, bà T. quyết định gả con gái cho một người Đài Loan để mong đổi đời. Nào ngờ, sau khi sinh đứa con gái đầu lòng, L. tiếp tục mang thai đứa con gái thứ hai.
Gia đình chồng muốn con trai để nối dõi nên ra điều kiện L. phải phá thai. Vì sợ gia đình ép phá, L. lẳng lặng ôm con về Việt Nam khi bụng mang dạ chửa. Hiện tại, đứa lớn lên 5, đứa nhỏ lên 3 đang sống cùng ông bà ngoại. “Về bên này, cuộc sống gia đình túng quẫn, L. tiếp tục lấy chồng Đài Loan, cả hai hiện đang ở Malaysia làm thuê nhưng vẫn chưa làm giấy tờ được do người chồng cũ chưa chịu làm thủ tục ly hôn”-bà T. tâm sự.
Ông Phan Văn Bách, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phường Tân Lộc cho biết, toàn phường có gần hai chục trường hợp trẻ em có cha là người nước ngoài theo mẹ về đây sống. Địa phương đã tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu được đến trường, không có trường hợp nào vì rắc rối thủ tục mà không được học.
Ngoài ra, ông Bách còn cho biết, đối với những trường hợp chị em sau khi từ bên nhà chồng ở nước ngoài về muốn lấy chồng khác thì địa phương hướng dẫn đến tòa án làm thủ tục ly hôn. Sau đó tòa gửi công văn sang nước sở tại và tiếp đến tòa ra quyết định ly hôn hoặc hủy hôn. Từ đó, đứa trẻ mới làm khai sinh hoặc cô dâu mới được đăng ký kết hôn mới.
Theo lời giới thiệu của ông Bách, chúng tôi tìm đến nhà của em Lê Trần Chí H. ở khu vực Trường Thọ 2. H. đi học vắng nhà. Bà Võ Thị Nguyệt, bà ngoại của H. cho biết, năm nay cháu 16 tuổi, đang học lớp 10 trường THPT Tân Lộc. Mẹ của H. lấy chồng Đài Loan cách nay 18 năm. Năm H. lên 4 tuổi thì cha mẹ “gãy gánh”.
Sau đó, Hào được mẹ đưa về đây cho ông bà ngoại nuôi rồi tiếp tục sang Đài Loan sinh sống và có chồng mới, cũng là người Đài Loan. “Khi về đây, tôi cho cháu đi học mẫu giáo. Ban đầu khó hòa nhập với bạn bè, chậm hiểu do bất đồng ngôn ngữ. Tuy nhiên, cháu rất cần cù, chịu khó. Đến nay, mỗi năm cháu lên lớp đều đặn”- bà Nguyệt bộc bạch.
Bà Nguyệt cũng cho biết, sắp tới cả hai vợ chồng bà sang Đài Loan thăm con cháu. Vợ chồng bà được con gái thường xuyên bảo lãnh sang Đài Loan. Tuy nhiên, “xứ đó nhà ai nấy ở, ban ngày mọi người đều ra đồng, đi làm… đến tối về quây quần bên nhau. Hơn nữa, ít có chuyện hàng xóm sang nhà trò chuyện qua lại. Cách sống khác với bên mình…”- bà Nguyệt chép miệng.
Cù lao Tân Lộc có diện tích 3.268 ha với 31.151 nhân khẩu. Trong đó, có 387 hộ nghèo và 95 cận nghèo. Đến nay, toàn phường có 832 phụ nữ lấy chồng nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan. Trong đó, trên 80% có cuộc sống ổn định, hạnh phúc gửi tiền về cho gia đình.
(Nguồn: UBND phường Tân Lộc)
Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/dao-dai-loan-giua-dong-song-hau-1051233.tpo