Đạo diễn - NSND Hoàng Quỳnh Mai: 'Xuân Hương nữ sĩ' đặc biệt quyến rũ

Đoàn Cải lương Hoa Mai (Nhà hát Cải lương Hà Nội) vừa khởi công vở diễn 'Xuân Hương nữ sĩ' (Kịch bản văn học: Nguyễn Đức Minh, chuyển thể cải lương: Diệu Hạnh) do NSND Hoàng Quỳnh Mai - một cái tên thân thuộc của làng kịch hát Việt Nam - làm đạo diễn.

Nữ sĩ Xuân Hương là một nhân vật nổi tiếng và trở thành nguồn cảm hứng của nhiều bộ môn nghệ thuật như hội họa, văn học, sân khấu, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên hình tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương được tái hiện trên sân khấu cải lương. Nhân dịp này, phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với NSND Hoàng Quỳnh Mai.

- Thưa đạo diễn - NSND Hoàng Quỳnh Mai, trong văn chương Việt Nam trung đại, nữ sĩ Hồ Xuân Hương là một nhân vật vô cùng đặc biệt. Khi cầm trên tay kịch bản “Xuân Hương nữ sĩ”, chị có cảm xúc như thế nào?

+ Khi được Đoàn Cải lương Hoa Mai - Nhà hát Cải lương Hà Nội mời tôi dựng vở “Xuân Hương nữ sĩ”, tôi rất vui và nhận lời ngay. Tôi vốn học văn nên đã mê nữ sĩ Hồ Xuân Hương từ khi còn nhỏ và thuộc nhiều thơ của bà. Tính cách, hồn thơ và những khát vọng của bà cũng chính là khát vọng của những người phụ nữ mọi thời đại, trong đó có tôi. Thêm nữa, tôi cũng là người Nghệ An - quê hương của nữ sĩ. Có một cái duyên nữa là cùng tên: nữ sĩ Hồ Xuân Hương có tên thật là Hồ Phi Mai, là con gái của ông đồ xứ Nghệ Hồ Phi Diễn; đoàn cải lương dựng vở là Đoàn Hoa Mai và tôi là đạo diễn của vở cũng tên Mai, nên bọn tôi cứ đùa là “Tam Mai hội tụ”. Tôi cảm thấy Hồ Xuân Hương là một nhân vật đặc biệt quyến rũ, nhưng có lẽ đến giờ mới “đủ duyên” để làm vở diễn về bà.

- Nhân vật Hồ Xuân Hương đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều bộ môn nghệ thuật như hội họa, văn học, sân khấu, nhưng đây có phải là lần đầu tiên hình tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương được tái hiện trên sân khấu cải lương?

Đạo diễn - NSND Hoàng Quỳnh Mai.

Đạo diễn - NSND Hoàng Quỳnh Mai.

+ Đối với loại hình nghệ thuật sân khấu, Hồ Xuân Hương cũng đã vài lần xuất hiện trên sân khấu Chèo, nhưng nếu không nhầm, với cải lương thì vẫn chưa có. Hồ Xuân Hương có tính cách điển hình của người đàn bà xứ Nghệ: đằm thắm, mặn mòi nhưng cũng mạnh mẽ và vô cùng quyết liệt. Nhân vật nữ sĩ Hồ Xuân Hương thật ra rất hợp với cải lương, vì cải lương vốn lãng mạn bay bổng nhưng mà phải có kịch tính nên hợp với chất thơ và cuộc đời khốc liệt của bà. Đâu đó trong những vần thơ của bà, người phụ nữ thời nào đọc cũng có thể thấy mình, thấy khát vọng của mình trong đó. Cho nên tôi cho rằng, dựng về Hồ Xuân Hương rất là khó, bởi vì làm sao từ hồn thơ, ý thơ của bà phải trở thành hành động của nhân vật. Làm kịch thơ không cẩn thận sẽ trở thành “minh họa cho thơ”, thiếu đi sự hấp dẫn vốn có của nhân vật ấy.

- NSND Hoàng Quỳnh Mai là nữ đạo diễn đã từng dàn dựng nhiều vở diễn với nhân vật nữ chính có số phận đặc biệt, Hồ Xuân Hương có là nhân vật nữ mà chị dành nhiều tâm tư, trăn trở?

+ Trước đây tôi đã làm về Kiều với vở “Nguyễn cầm ca” tại Liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2021 và đoạt Huy chương Vàng, rồi “Cung phi Điểm Bích”, An Tư Công chúa, Trần Huyền Trân…, đều là những nhân vật nữ có số phận đặc biệt. Với mỗi nhân vật, tôi đều tìm ra “chìa khóa” riêng để mở cửa vào thế giới nội tâm nhân vật của mình. Đối với tôi, Hồ Xuân Hương là một nhân vật nữ lạ lùng, nếu không muốn nói là kỳ lạ. Và tôi có một nỗi trăn trở khác nữa, đó là tôi muốn khắc họa nhân vật Hồ Xuân Hương khi tôi bắt gặp chính mình trong đó, bởi vì tôi cũng là một người dám làm những công việc của một người đàn ông - đó là công việc đạo diễn.

Tôi có niềm tin rằng, cứ đào sâu về nhân vật, cứ đi rồi sẽ đến! Và với Hồ Xuân Hương, tôi tin rằng, tinh thần thơ và phía tầng sâu ngôn ngữ là khát vọng bay lên, khát vọng được giải phóng và vươn tới hạnh phúc chính là chìa khóa để tôi khắc họa thế giới nội tâm của bà: “Đó là tiếng kêu xé màn đêm!”, dữ dội và táo bạo trong bối cảnh xã hội cách đây hơn 200 năm. Bà dám yêu, dám lên án những thói hư tật xấu của quan lại đương thời, dám đấu tranh cho bình đẳng nữ quyền, dám bảo vệ cho những gì mình thương yêu nhất…

- Thời gian gần đây, thấy chị khá bận rộn và “bén duyên” với một số vở diễn về đề tài người chiến sĩ CAND. Chị có thể chia sẻ về điều này?

+ Vừa qua, Ðoàn Cải lương Hải Phòng đã công diễn vở cải lương "Lời thề trên núi Cột Cờ" với hình tượng nhân vật chính là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Trần Thành Ngọ. Vở diễn được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng vào đúng dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Vở diễn "Lời thề trên núi Cột Cờ" (Kịch bản: Ngọc Chi chuyển thể cải lương từ tác phẩm cùng tên của tác giả Trần Tuấn Tiến). Tôi rất vinh dự được đảm nhận vai trò đạo diễn của vở diễn về tấm gương người anh hùng kiên trung và bất khuất của lực lượng CAND với lời tuyên thệ nổi tiếng: “Trần Thành Ngọ còn thì Kiến An còn, nếu Kiến An mất thì Trần Thành Ngọ sẽ mất theo!”.

Nhất là khi tìm hiểu thực tế, gặp gỡ người thân của Anh hùng Liệt sĩ Trần Thành Ngọ để tìm thêm các chất liệu cho vở diễn sinh động, chân thực hơn, tôi càng cảm thấy sự thôi thúc, quyết tâm nỗ lực hết sức mình để vở diễn thành công. Sắp tới, tôi sẽ có một dự án mới là vở “Không gục ngã” của nhà biên kịch Đăng Chương, cũng là hợp tác với Ðoàn Cải lương Hải Phòng.

- Xưa nay, loại hình cải lương nói riêng và kịch hát nói chung vẫn phù hợp hơn cả với đề tài lịch sử, dã sử. Vậy khi chị dàn dựng vở diễn cải lương đề tài về hình tượng người chiến sĩ Công an, chị cảm thấy mình gặp phải khó khăn gì?

+ Tôi cho là không! Vì thực tế, chất liệu để xây dựng những vở diễn cải lương về hình tượng người chiến sĩ CAND vốn dĩ rất đời. Và bản thân tôi vốn là người luôn cảm thấy mang ơn những người chiến sĩ Công an đã hy sinh cả những hạnh phúc riêng tư vì cuộc sống bình yên, vì sự bình yên của tâm hồn con người. Thế nên, khi bắt đầu dựng vở "Lời thề trên núi Cột Cờ" tôi nhiều lần cảm thấy xúc động. Và khi chuẩn bị cho vở mới “Không gục ngã”, tôi đã có thêm nhiều kinh nghiệm, chất liệu để bắt tay vào việc một cách đầy cảm hứng!

Một cảnh trong vở "Chiếc áo thiên nga" (Kịch bản: Lê Duy Hạnh) do NSND Hoàng Quỳnh Mai làm đạo diễn.

Một cảnh trong vở "Chiếc áo thiên nga" (Kịch bản: Lê Duy Hạnh) do NSND Hoàng Quỳnh Mai làm đạo diễn.

- Vở diễn “Mặt trời đêm thế kỷ” của cố tác giả Lê Duy Hạnh về Hoàng đế Quang Trung của Nhà hát Cải lương Việt Nam mà chị dàn dựng cũng đang chuẩn bị ra mắt. Chị nghĩ sao về việc đến nay sân khấu chưa tìm ra cách để những vở diễn kịch sử như thế này đến được với công chúng trẻ, học sinh sinh viên?

+ Đây là mong muốn không chỉ của riêng tôi mà của nhiều đoàn, nhiều nghệ sĩ từ rất lâu rồi. Có một số nơi làm được như Nam Định, Quảng Ninh, còn nhiều nơi chưa làm được và để làm được điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ của liên ngành Văn hóa với Giáo dục. Tôi mong những vở diễn của mình thuyết phục được khán giả trẻ, được khán giả trẻ đón nhận bởi đó là lực lượng khán giả hùng hậu và lâu dài của sân khấu. Tôi rất thích những kịch bản về đề tài lịch sử của tác giả Lê Duy Hạnh và đã dàn dựng một số vở của chú ấy như “Chiếc áo thiên nga”, “Vua thánh triều Lê”. Tôi cũng hy vọng một lần nữa vở kịch của tác giả Lê Duy Hạnh do tôi dàn dựng sẽ được khán giả yêu thích.

- Hàng chục năm nay lúc nào cũng thấy Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai bận rộn. Chị có suy nghĩ như thế nào về đội ngũ tác giả kịch bản sân khấu trẻ hiện nay?

+ Có thể thấy, lực lượng sáng tác kịch bản sân khấu đang vơi đi, mỏng đi nhiều sau sự ra đi của một số “cây đa, cây đề” trong giới biên kịch trong những năm qua. Nhưng vẫn đang có những cây bút mới, cây bút trẻ tham gia tích cực, bổ sung vào lực lượng sáng tạo kịch bản đấy chứ. Và tôi cho rằng, chúng ta cũng phải có niềm tin vào họ, khích lệ và trao cho họ những cơ hội thì mới tạo ra động lực cho đội ngũ sáng tạo trẻ.

- Xin cảm ơn Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai!

Nguyệt Hà (thực hiện)

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/dao-dien-nsnd-hoang-quynh-mai-xuan-huong-nu-si-dac-biet-quyen-ru-i739997/