Đạo diễn Quang Thảo: Làm nên một tác phẩm chính kịch tầm vóc
Để có được kịch bản 'Dưới bóng giai nhân', đạo diễn Quang Thảo mất đến 5 năm để nghiên cứu, nghiền ngẫm, sửa chữa nhiều lần. Với cá nhân Quang Thảo, đây là vở kịch hết sức quan trọng trong sự nghiệp, cũng là mốc đánh dấu cho sự chuyển biến lớn của anh trên con đường nghệ thuật.
“Dưới bóng giai nhân” ngay từ buổi diễn đầu tiên, đã đánh dấu bước tiến mới cho sân khấu kịch. Đây là một vở diễn được chăm chút công phu về nghệ thuật, với hơn 50 diễn viên, trong đó có nhiều gương mặt nổi tiếng, tài năng, đạt nhiều giải thưởng cao quý, huy chương vàng từ các Liên hoan điện ảnh, sân khấu lớn… như diễn viên Hồng Ánh, Thanh Thủy, Hoàng Trinh, NSƯT Mỹ Duyên, Nhà giáo Ưu tú Diệu Đức, Tuyền Mập, NSƯT Bạch Long, Đình Toàn, NSƯT Đại Nghĩa, Công Danh… Bên cạnh đó, là khoản đầu tư tài chính lớn, như một số nhà chuyên môn nhận định, là vở kịch hiếm hoi với quy mô hoành tráng trong vài năm trở lại đây. Hơn 200 bộ trang phục cổ trang được thiết kế và sản xuất dành riêng cho “Dưới bóng giai nhân”. Theo mong muốn của đạo diễn Quang Thảo, nhạc sĩ Văn Tứ Quý được mời đảm nhận vai trò giám đốc âm nhạc cho dự án. Tất cả, cho mong muốn sau cùng tạo nên một tác phẩm chính kịch tầm vóc.
Với hơn hai mươi năm trong nghề, nghệ sĩ Quang Thảo được công chúng yêu nghệ thuật biết tới chủ yếu với vai trò diễn viên, còn với các nhà chuyên môn, anh được đánh giá cao khi làm đạo diễn vở kịch “Giấc mộng vàng son”, tổng đạo diễn chương trình: “Cải lương- trăm năm nguồn cội”. Bên cạnh đó, Quang Thảo còn là tác giả của nhiều vở kịch nổi tiếng như: “Quan Thích thích làm quan”, “Chiếc vòng gia bảo”, cùng các vở trong chuỗi “Ngày xửa ngày xưa”: “Chuyện thần tiên xứ Phù Tang”, “Chúa tể muôn loài”, “Tề thiên đại thánh”, “Hoàng tử gấu và hạt đậu thần”, “An Ly và Thần băng giá”, “Huyền thoại mắt thần”…
Là người có ngoại hình nhỏ nhắn, khuôn mặt thanh tú khó đoán được tuổi, nụ cười hiền lành, trò chuyện hòa nhã, nhưng ẩn giấu bên trong Quang Thảo là ngọn lửa nồng nhiệt đam mê, tinh thần trách nhiệm, và hết mình ở mỗi vai trò: "Mọi thứ đều sẽ chuyển mình. Tôi bây giờ cũng không chỉ là Quang Thảo của kịch thiếu nhi. Những trải nghiệm và lăn lộn trên khắp các sân khấu kịch Sài Gòn, đặc biệt là tại chính Idecaf này, đã cho tôi nhiều sự trưởng thành trong nghệ thuật cũng như vốn sống nghệ sĩ”, Đạo diễn Quang Thảo chia sẻ.
Với dự án “Dưới Bóng Giai Nhân”, Quang Thảo là tác giả kịch bản kiêm đạo diễn. “Truyện Kiều là một tác phẩm tuyệt vời, có quá nhiều chất liệu để khai thác, về văn học cũng như về cuộc sống và con người. Cái khó ở đây là Truyện Kiều đã quá quen thuộc với người Việt, ngay từ khi còn trên ghế nhà trường và cũng không xa lạ gì với những vị trưởng bối trong các ngành học thuật. Vì thế, tôi đã chọn con đường riêng cho kịch bản của mình, đó là cảm tác từ chính Truyện Kiều để có những sáng tạo mới. Bản thân tôi cũng đã phải mất nhiều công sức và thời gian để thuyết phục ban lãnh đạo Idecaf cho thực thi dự án nghệ thuật tầm vóc này”, đạo diễn Quang Thảo bày tỏ. “Tôi đã làm việc rất công tâm, tôi đã thử vai với một số nghệ sĩ nữ để vào vai Thúy Kiều. Khi ấy, dự án này rất có thể dừng vì không tìm được ai phù hợp. Tôi nghĩ tới diễn viên Hồng Ánh, dù nghĩ rằng Hồng Ánh rất khó nhận một vai nặng gánh, diễn xuyên suốt cả vở như thế. Nhưng Hồng Ánh đã đồng ý. Chúng tôi đã tiến hành thử vai, và cho đến bây giờ thì sự lựa chọn Hồng Ánh cho vai diễn này thật đúng đắn với tôi, chúng ta đã có một nàng Kiều đúng như tính chất của kịch bản và đúng như mong muốn của cá nhân tôi.”.
Kịch bản “Dưới Bóng Giai Nhân” được Quang Thảo cảm tác từ tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, sáng tạo thêm nhiều tình tiết mới, phía sâu bên trong là những vấn đề nhân văn còn nguyên giá trị trong thời đại này.
“Chúng ta thấy nhân vật Từ Hải, Tú Bà, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Kiều, Thúy Vân, Đạm Tiên ở trong tác phẩm nguyên bản, đôi khi chỉ là những lát cắt rất nhỏ, và không có nguồn cơn, không có nguyên nhân. Chẳng hạn như vai Đạm Tiên, chúng ta chỉ biết được đây là một ca kĩ với một nấm mồ không có mộ bia, và chỉ dừng lại ở đó. Tôi muốn đi ngược lại, tự mình, cứ cho là suy diễn, cô Đạm Tiên này là ai? Tại sao cụ Nguyễn Du chỉ dừng lại ở đây mà không biết gốc gác cô ở đâu, tại sao cô lại chết với mồ hoang mả lạnh như vậy, thì phải chăng người xưa đặt ngôi mộ vậy, với lời răn dạy đời sau, nếu chúng ta sống thiếu ý thức, sống chưa đúng với đạo đức, luân thường đạo lý thì khi chúng ta chết sẽ trong cô đơn như thế. Tôi luôn trăn trở với điều này. Hay Hoạn Thư cũng vậy, tôi tự hỏi, tại sao Hoạn Thư và Thúc Sinh sống với nhau như thế lại không có con. Và tôi nghĩ, họ phải có một cái gì đó trắc trở trong hôn nhân này. Rồi tôi lại ngẫm tiếp, Thúy Kiều lăn lộn trên đường tình bao nhiêu năm, mà rồi cũng không có con, vì sao Thúy Kiều trầm luân như thế mà lại chết ở sông Tiền Đường?… Phải chăng cụ Nguyễn Du chỉ mượn hình ảnh nàng Kiều để nói về nhân sinh quan trong cuộc đời này? Từ đó tôi tự tin rằng, tôi được chút ân sủng từ tác phẩm “Truyện Kiều” của cụ Nguyễn Du, để tôi được một lần lý giải những thắc mắc của mình mà không làm giảm đi giá trị của tác phẩm.”.
Bằng phong cách dàn dựng hiện đại, “Dưới bóng giai nhân” là một cách kể khác về Kiều và những cái tên tưởng chừng như đã rất quen thuộc. Nghệ thuật Chầu văn và Ngâm Kiều được sử dụng, mang lại tinh thần đậm chất dân tộc trong vở diễn. 14 màn trong vở kịch với thời gian khoảng 3 tiếng, sẽ cho thấy các thủ pháp nghệ thuật chuyển màn được đạo diễn Quang Thảo áp dụng: “Cách làm mới trong “Dưới bóng giai nhân” là kể chuyện. Khi khán giả vào rạp xem, sẽ hiểu rõ cách kể chuyện là như thế nào. Tôi mong và tin là chúng tôi sẽ làm nên một Kiều rất khác, rất mới và đầy bất ngờ, một bữa tiệc nghệ thuật dâng tặng công chúng.”