Đạo học Phật giáo trên mạng xã hội – Im lặng cũng là hành động?

Đứng trước những vấn nạn của Phật giáo trên không gian mạng, đã xuất hiện rất nhiều ý kiến, quan điểm, trong đó có hai quan điểm cho rằng: Thứ nhứt, bày tỏ thái độ giữ 'im lặng', cầu toàn, kiên nhẫn, yên tu rồi mọi việc sẽ qua theo thời gian; Thứ hai, đó là thái độ kêu gọi hãy 'hành động' để ngăn ngừa, cảm hóa, làm cho cái xấu ác chưa phát sinh thì không phát sinh, cái xấu ác đã phát sinh thì dập tắt, dừng lại. Mặc dù, Phật giáo vốn chủ thuyết từ bi, nhẫn nhục; người Phật tử vốn ôn hòa và bền gan chịu đựng.

Đứng trước những vấn nạn của Phật giáo trên không gian mạng, đã xuất hiện rất nhiều ý kiến, quan điểm, trong đó có hai quan điểm cho rằng: Thứ nhất, bày tỏ thái độ giữ “im lặng”, cầu toàn, kiên nhẫn, yên tu rồi mọi việc sẽ qua theo thời gian; Thứ hai, đó là thái độ kêu gọi hãy “hành động” để ngăn ngừa, cảm hóa, làm cho cái xấu ác chưa phát sinh thì không phát sinh, cái xấu ác đã phát sinh thì dập tắt, dừng lại. Mặc dù, Phật giáo vốn chủ thuyết từ bi, nhẫn nhục; người phật tử vốn ôn hòa và bền gan chịu đựng.

Tác giả: TT. TS. Thích Lệ Quang
Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, TP.HCM.

Tóm tắt: Không gian mạng ngày nay đã trở thành một sân chơi đa dạng, phức tạp của con người; là nơi con người thực hiện các hành vi tương tác xã hội như trao đổi ý kiến, chia sẻ thông tin, phát triển kinh doanh, nghề nghiệp, trao dồi kiến thức, đạo đức, vui chơi trò chuyện, khoa học, nghệ thuật, thảo luận chính trị… không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Cùng với đó, là sự xuất hiện những hành vi mang tính chất lệch lạc, bôi nhọ, phá hoại đối với cá nhân, tổ chức, tôn giáo, đặc biệt là sự tập kích tu sĩ, Phật giáo Việt Nam bằng truyền thông bẩn. Đứng trước thực trạng đó, một số ý kiến cho rằng chúng ta nên giữ sự im lặng, kiên nhẫn, chịu đựng trước thử thách của cuộc sống đầy phức tạp.

Tuy nhiên, có những quan điểm mới cho rằng cần phải hành động để xóa bỏ quan điểm lệch lạc, sai sự thật, cần nhận thức đúng về tu sĩ Phật giáo nói riêng, giá trị của Phật giáo Việt Nam nói chung. Bài viết tập trung trình bày quan điểm về sự im lặng trước sự công kích của Phật giáo trên không gian mạng; quan điểm về sự cần thiết phải hành động đối với những vấn đề trên không gian mạng hiện nay.

Từ khóa: Im lặng, hành động, không gian mạng, Phật giáo.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nhân loại về các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, kĩ thuật số, hệ thống điện toán, thông tin liên lạc và sự bùng nổ của mạng internet toàn cầu.

Không gian mạng ngày nay đã trở thành một sân chơi đa dạng, phức tạp của con người; là nơi con người thực hiện các hành vi tương tác xã hội như trao đổi ý kiến, chia sẻ thông tin, phát triển kinh doanh, nghề nghiệp, trao dồi kiến thức, đạo đức, vui chơi trò chuyện, khoa học, nghệ thuật, thảo luận chính trị không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Cùng với đó, là sự xuất hiện những hành vi mang tính chất lệch lạc, bôi nhọ, phá hoại đối với cá nhân, tổ chức, tôn giáo, đặc biệt là sự tập kích tu sĩ Phật giáo nói riêng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung bằng những công cụ truyền thông bẩn, có khuynh hướng ngày càng tăng.

Sự khai thác một số yếu tố hành vi thiếu chuẩn mực của tu sĩ rồi quy chụp cho Tăng, Ni Phật giáo không thật sự tu hành, bôi nhọ Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên không gian mạng, với mục đích mượn bàn tay của truyền thông tàn phá Phật giáo, bằng sự kêu gọi mọi người quay lưng với chùa chiền.

Đứng trước thực trạng đó, một số ý kiến cho rằng chúng ta nên giữ sự im lặng, kiên nhẫn, chịu đựng trước thử thách của cuộc sống đầy phức tạp. Tuy nhiên có những quan điểm mới, tiến bộ, cho rằng cần phải hành động để xóa bỏ quan điểm lệch lạc, sai sự thật, cần nhận thức đúng về tu sĩ Phật giáo nói riêng, giá trị của Phật giáo Việt Nam nói chung trong thời đại ngày nay.

1. Giữ sự im lặng trước sự công kích Phật giáo trên không gian mạng

Trong thời đại xã hội hóa ngày càng trở nên phức tạp, con người khó kiểm soát được suy nghĩ, lời nói, hành vi, hành động của chính mình trong cuộc sống hằng ngày, nhất là sự thiếu kiểm soát đó được bộc lộ trên không gian mạng càng lúc càng phức tạp, nguy hiểm, không những đối với các cá nhân, gia đình, mà còn có tác hại xấu đến tổ chức, tôn giáo, đất nước đến mức đáng báo động.

Trong quá trình đi tìm cầu sự mưu sinh, các cá nhân, nhóm người, tổ chức, tôn giáo vì sự bình yên, cầu toàn, giữ thể diện, danh dự, không muốn phiền phức trước những thông tin bất lợi, sai sự thật, ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân, nhóm người, tổ chức, tôn giáo. Cho nên, họ đã chọn cách tốt nhất là giữ một thái độ “im lặng” trước những thông tin trên không gian mạng để đổi lấy sự bình yên trong cuộc sống. Im lặng có nghĩa là:

“1. Lặng lẽ không nói năng gì: hai người im lặng nhìn nhau. Mọi người đều im lặng không nói năng gì với nhau. 2. Không phản ứng, không hành động gì: không thể im lặng được trước sự ngang ngược của kẻ thù” .

Trước những diễn biến xảy ra trên không gian mạng, trong cuộc sống, trong quá trình lao động sản xuất, một số người nghĩ rằng thông tin dù tốt hay xấu, họ không cần quan tâm đến và luôn luôn giữ thái độ không phản ứng, không hành động, vì họ cho rằng sự “im lặng” là cách tốt nhất để sống sót, cầu toàn cho bản thân.

Song, sự “im lặng” là một trong những đức tính tốt, nó có thể đưa đến những kết quả tốt đẹp ở một số trường hợp trong cuộc sống của con người. Có những trường hợp sự im lặng đã làm thay đổi quan điểm, thái độ sống, lối sống của một số người trong xã hội, làm họ quay đầu hướng thiện, trở nên hữu ích đối với gia đình, người thân, bạn bè, xã hội.

Trong tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, sự im lặng của Phật giáo có khả năng cảm hóa, chuyển đổi những hành vi tham, sân, si của một số đối tượng, quay đầu hướng thiện, từ bỏ những việc ác, hướng về các việc lành, đặc biệt là sự im lặng của đức Phật đã chuyển hóa được tâm trạng mâu thuẫn của các Tỳ kheo đệ tử của Ngài.

Đó là câu chuyện thời đức Phật còn tại thế, vào mùa hạ năm thứ 10, tại rừng Pàrileyyaka – Kosambi, sau khi đức Thế Tôn khuyên răn hai nhóm Tỳ kheo đang mâu thuẫn nhau, nhưng không thành, Ngài đã quyết định đi vào rừng nhập hạ ba tháng và giữ thái độ im lặng.

Sự im lặng của Ngài đã cảm hóa được hai nhóm Tỳ kheo còn tham, sân, si, chất chứa trong lòng; sau đó các nhóm Tỳ kheo đã hướng về đức Thế Tôn xin sám hối tội lỗi của mình. Cho nên sự “im lặng của bậc Thánh” đóng một vai trò hết sức to lớn và có ý nghĩa hết sức sâu sắc đối với hội chúng.

Thật vậy, sự im lặng có thể giúp chúng ta bình tâm, tĩnh trí, suy nghĩ sâu sắc hơn để phân tích những tình huống phức tạp trong cuộc sống, giải quyết những vấn đề một cách tốt hơn. Sự im lặng giúp chúng ta tôn trọng ý kiến và những cảm xúc của đối phương, nó có thể giúp chúng ta xây dựng nên mối quan hệ tốt đẹp hơn, hiểu nhau hơn và thuận lợi hơn trong giải quyết những xung đột, mâu thuẫn của con người, tránh làm trầm trọng thêm những vấn đề phát sinh không đáng có đối với chúng ta.

Có thể nói, thái độ im lặng ở một số trường hợp trong cuộc sống là giải pháp hiệu quả, giúp con người thoát khỏi những cuộc tranh đấu, mâu thuẫn, xung đột, hận thù, tránh làm tổn thương nhau, mang đến cho con người một cuộc sống bình an, tôn trọng, thân thiện và đoàn kết yêu thương nhau.

Tuy nhiên, sự im lặng không phải là “mẫu số chung” để giải quyết tất cả các bài toán của xã hội, không thể áp dụng rộng rãi trong một xã hội rộng lớn và đầy phức tạp như hiện nay. Do đó, có những quan điểm cho rằng sự im lặng còn đồng nghĩa với sự nhu nhược, an phận, không cầu tiến. Im lặng trước những hành vi, hành động của đối tượng gây ra cái ác, cái bất thiện, hủy hoại nhân phẩm, danh dự đối với con người, tổ chức, tôn giáo, xã hội, thì sự im lặng đó là sự “im lặng vô trách nhiệm”; sự “im lặng đáng xấu hổ”.

Đứng trước thực trạng hỗn loạn, khó kiểm soát như hiện nay, nhất là “lỗ hổng bảo mật của Phật giáo” đang bị những “kẻ thủ ác” tìm cách công kích, phá hoại, âm mưu chia rẽ sự đoàn kết của tín đồ Phật giáo bằng những hành vi không thân thiện, nhằm trục lợi, kiếm tiền hiện nay trên không gian mạng.

Thậm chí còn xuất hiện một số đối tượng giả danh người đi chùa đến hỏi chuyện, quay phim, chụp ảnh, cố ý gặn hỏi những điều khó xử và kích động cảm xúc của chư Tăng, Ni, Phật tử trong chùa…với mục đích khai thác “lỗ hổng ngôn ngữ” để tạo các video clip tung lên mạng xã hội.

Có người tự hỏi, nếu một ngày nào đó, bạn thấy một người cầm bó đuốc đốt nhà bạn, bạn có thể bỏ qua, vì nghĩ rằng vật chất là vô thường, bạn có thể im lặng, bỏ qua lỗi lầm của người đó, như bạn có nghĩ rằng sự đau khổ của hàng trăm con người khi nhìn thấy hàng chục căn nhà hàng xóm bị thiêu rụi, chỉ còn lại đống tro tàn, bao nhiêu tiền bạc, của cải mà họ làm ra để nuôi sống cha mẹ, vợ con, dòng họ…thì liệu rằng bạn có vô cảm, im lặng trước hành động đó chăng?

Câu hỏi được đặt ra là sự im lặng trong giai đoạn hiện nay trước sự lộng hành của “kẻ thủ ác”, có giúp ích gì cho chúng ta chăng? Tăng, Ni, tín đồ Phật tử, có nên ngồi im lặng, vô tư để thỏa mãn những video clip bôi nhọ Phật giáo chăng? Hay chúng ta cần thể hiện một hành động nào đó để “vô hiện hóa” nó. Điều đó, cũng chính là quan niệm của một số người trên không gian mạng cho rằng, chúng ta cần phải thể hiện một “hành động” cụ thể để bảo vệ chính mình trước sự xâm lấn của các đối tượng bên ngoài.

2. Quan điểm về sự cần thiết phải hành động

Thay vì đứng trước sự im lặng cầu toàn do một số đối tượng “không thân thiện” gây ra cho cộng đồng Phật giáo, một số người trên không gian mạng đã thể hiện quan điểm của mình bằng sự kêu gọi thực hiện hành động cụ thể trước những cử chỉ, hành vi của những đối tượng xấu. Tuy nhiên, hành động có nghĩa là gì? Đối với Phật giáo, hành động có phải là đấu tranh hay không? Theo Đại từ điển tiếng Việt, hành động có nghĩa là:

Làm việc gì để đạt được mục đích, ý nguyện: ra tay hành động. Hành động cho phải lẽ.2. Dt. Việc làm có mục đích: có hành động quả cảm, một hành động cao cả” .

Do đó, sự kêu gọi ở đây, mà cụ thể là kêu gọi hành động của Phật giáo trước những vấn nạn xã hội đang diễn ra, không phải là sự đấu tranh hiểu theo nghĩa “bạo lực”, Phật giáo chủ trương lấy lòng Từ bi để thực hiện vai trò hoằng hóa lợi sinh, kêu gọi mọi người yêu thương, đoàn kết nhau, kêu gọi mọi người chia sẻ tình yêu với mọi người trong cuộc sống, tranh đấu không phải là cách tốt nhất để giải quyết mọi vấn đề của thực tại.

Mặc dù vậy, tinh thần “Từ bi” của Phật giáo luôn luôn đồng hành cùng với “Trí tuệ”, mà nếu như thiếu nó, thì Phật giáo không còn gọi là đạo giác ngộ, giải thoát. Chính vì thế, hành động theo Phật giáo nhằm mục đích cảm hóa, làm thay đổi quan điểm nhận thức của các đối tượng xấu và một số người vô tình hay cố ý, cổ xúy cho các hành động xấu quay trở về chính đạo, nhận ra cái sự thật và thể hiện một tâm hồn tốt đẹp đối với mọi người trong xã hội.

Một số đối tượng vì kiếm tiền, sự hấp dẫn của lợi nhuận, cũng như vì mục đích khác, mà bất chấp những hậu quả, khiến cho cộng đồng, xã hội trở nên mất ổn định, quyền cá nhân của con người bị xâm phạm đến mức báo động như hiện nay.

Nhiều người nghĩ rằng “có tiền có thể khiến quỷ đẩy cối xay”, điều đó chỉ đúng một phần, nhưng đó không phải là đúng cho tất cả mọi người trong xã hội. Nếu vì tiền mà phạm pháp, hủy hoại đạo đức, bôi nhọ quyền cá nhân con người, tổ chức, tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng thì cũng bị trừng trị theo pháp luật và tiền cũng không thể thay đổi được bản án tù đày.

Cho nên, xét ở góc độ xã hội, quan điểm của một số người chân chính kêu gọi cần phải hành động, vì sự ổn định xã hội, vì sự thiêng liêng của tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng như hiện nay, được xem là đúng thời và cần thiết. Vấn đề được đặt ra là hành động như thế nào? Ai là chủ thể của hành động? Cá nhân, nhóm người, tổ chức Phật giáo?

Theo quan điểm cá nhân, tất cả những tín đồ của Phật giáo, không loại trừ Phật tử nam, Phật tử nữ, thiện nam, tín nữ, Tăng, Ni, tổ chức Giáo hội đều cần phải hành động để phản ứng trước những động thái “vô duyên, vô cứ”, nhằm tàn phá Phật giáo Việt Nam của những đối tượng xấu.

Chúng ta cần thể hiện hành động của chúng ta được bộc lộ qua những cách phản kháng cụ thể trên không gian mạng và cuộc sống như hành động tẩy chay các video clip, các youtuber, tiktoker bôi nhọ, dựng chuyện, nói xấu Phật giáo; không xem hoặc chia chẻ những clip xấu, không bình luận, không tiếp tay, không cổ xúy các hiện tượng mang tính không đúng chuẩn mực đạo đức khi thấy những đối tượng xấu có biểu hiện quay phim, chụp ảnh với ý đồ xấu.

Chúng ta cần ngăn cản, tố giác những hành vi đó với cơ quan công an, an ninh hoặc có thể khởi kiện họ ra tòa. Chúng tôi nghĩ rằng với hệ thống pháp luật công minh, mạng lưới an ninh chặt chẽ như hiện nay, thì không có cách nào bảo vệ được Phật giáo hay sao?

Nhất là những công lao đóng góp của Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc trong suốt những chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc. Những người có “vai trò và trách nhiệm” cần phải làm gì trước sự chuyển biến phức tạp ảnh hưởng đến Phật giáo? Hay chúng ta để nó theo quy luật “tự sinh, tự diệt” của tạo hóa?

Nếu chúng ta không tỏ rõ thái độ hành động của chính mình vì lợi ích chung của đạo pháp, thì “khả năng sinh tồn” của Phật giáo Việt Nam trong tương lai, sẽ gặp nguy biến trước tác động xâm lấn từng giây, từng phút, từng giờ, từng năm của những đối tượng xấu trên không gian mạng, dù ý đồ của họ thể hiện với mục tiêu nào đi chăng nữa, làm phương hại đến hình ảnh Phật giáo là không thể chấp nhận được.

Đặc biệt là chúng ta có “tội” với những kỳ vọng, sự hy sinh to lớn của Bồ tát Thích Quảng Đức. Ngài đã đốt lên “ngọn lửa thiêng” để sưởi ấm tâm hồn của Tăng, Ni, tín đồ Phật giáo, một “trái tim bất diệt” vẫn còn nhịp đập trong lòng Tăng, Ni, tín đồ của mỗi thế hệ Phật giáo ngày nay.

Nhưng, liệu rằng “trái tim bất diệt” có chết, “ngọn lửa thiêng” có tắt, trước những “cuồng phong xã hội”, mà chính những người “trong cuộc” cần phải hiểu rõ hơn ai hết, tính chất nghiêm trọng của vấn đề và tìm ra giải pháp hữu hiện để “ngọn lửa thiêng” là hình tượng biểu trưng thiêng liêng bất diệt của Tăng, Ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam, là động lực thúc đẩy cho sự phấn đấu vươn lên của Tăng, Ni, nhằm duy trì sự tồn vong của Phật giáo.

Tóm lại, đứng trước những vấn nạn của Phật giáo trên không gian mạng, đã xuất hiện rất nhiều ý kiến, quan điểm, trong đó có hai quan điểm cho rằng: Thứ nhất, bày tỏ thái độ giữ “im lặng”, cầu toàn, kiên nhẫn, yên tu…rồi mọi việc sẽ qua theo thời gian; quan điểm thứ hai, đó là thái độ kêu gọi hãy “hành động” để ngăn ngừa, cảm hóa, làm cho cái xấu ác chưa phát sinh thì không phát sinh, cái xấu ác đã phát sinh thì dập tắt, dừng lại. Mặc dù, Phật giáo vốn chủ thuyết từ bi, nhẫn nhục; người Phật tử vốn ôn hòa và bền gan chịu đựng.

Tuy nhiên, việc phải đến đã đến, việc phải hành động, thì cần phải hành động, để bảo vệ lợi ích chính đáng của Tăng, Ni Phật giáo. Đó cũng là lời kêu gọi thiết tha của Bồ tát Thích Quảng Đức đến Tăng, Ni Phật giáo trong những tình huống khó khăn, pháp nạn của Phật giáo: “Tôi thiết tha kêu gọi chư Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí, hy sinh để bảo tồn Phật giáo” .

Do đó, mỗi người chúng ta cần phải nên làm gì, để bảo vệ sự bình yên trong cuộc sống tu hành, để không phụ lòng kỳ vọng của các bậc tiền bối đã hy sinh vì đạo pháp và dân tộc. Đặc biệt, là đối với các “chủ thể Giáo hội” khi đứng trước nguy biến của Phật giáo hiện nay như thế nào?

Tác giả: TT. TS. Thích Lệ Quang
Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, TP.HCM.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Lê Mạnh Thát, Một số tư liệu mới về Bồ tát Quảng Đức, NXB. Tổng hợp TP.HCM, 2005.

2.Nguyễn Như ý (chủ biên), Nguyễn Văn Khang, Vũ Quang Hào, Phan Xuân Thành, Đại từ điển tiếng Việt, NXB. Đại học Quốc gia TP. HCM, 2011.

3.Nhiều tác giả, Lửa thiêng nhiệm mầu, NXB. Giáo hội Phật giáo TP. HCM, 2013.

4.Thích Minh Châu, Trước sự nô lệ của con người, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1970.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/dao-hoc-phat-giao-co-khi-im-lang-cung-la-hanh-dong-co-hieu-qua-tren-mang-xa-hoi.html