Đào mận Trung Quốc núp bóng nông sản Việt Nam
Những ngày đầu tháng 7, mặc dù trong nước đã gần hết mùa thu hoạch mận, đào nhưng trên thị trường những loại hoa quả này do Trung Quốc sản xuất, gắn mác Việt Nam vẫn đang bán tràn lan trên thị trường.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như: Thành Công, Kim Liên, chợ Hôm - Đức Viên… cho thấy, các tiểu thương đang bầy bán la liệt các loại mận, đào Trung Quốc dưới mác nông sản Việt.
Hiện loại mận cơm quả nhỏ màu xanh nhạt ăn dóc hạt giá 40.000 - 45.000 đồng/kg; mận có vỏ màu vàng bóng đẹp mắt, khi chín sẽ chuyển dần sang màu đỏ ăn hơi chua, chát được bán với giá 50.000 - 55.000 đồng/kg. Tương tự, loại đào mỏ quạ vỏ nhẵn màu đỏ hoặc xanh đang được bán với giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, riêng loại đặc biệt chỉ 3-4 quả/1kg được rao bán lên đến 100.000-110.000 đồng/kg.
Thực tế tại chợ chuyên kinh doanh hoa quả Long Biên và trên mạng xã hội Facebook cho thấy, hiện nhiều tiểu thương rao bán một lượng lớn mận, đào đựng trong những thùng carton in chữ Trung Quốc. Trong đó, mận xanh có hình dáng tương tự mận Mộc Châu được bán với giá từ 300.000 - 320.000 đồng/thùng 15kg. Đào xanh, đỏ có mẫu mã giống đào mỏ quạ trồng tại Lào Cai, Sơn La được bán với mức giá từ 180.000 - 200.000 đồng/thùng 5kg.

Đào mận Trung Quốc bán tại hệ thống chợ truyền thống. Ảnh: Hoài Nam
Khi được hỏi về nguồn gốc các loại đào và mận này, người bán “quảng cáo” đó là giống đào, mận cuối vụ được trồng trên Sa Pa (Lào Cai) hoặc Mộc Châu (Sơn La)... chứ không phải hàng nhập từ Trung Quốc. "Đào và mận này là trồng ở Sa Pa, khoảng tháng 7 là lúc vào vụ. Sa Pa cũng trồng nhiều giống đào, mận gối vụ nhau nên yên tâm là đào, mận của Việt Nam” - một tiểu thương bán 2 loại đào và mận này tại chợ Kim Liên, Hà Nội nói.
Mặc dù người bán “quảng bá” đào, mận là đặc sản vùng Tây Bắc nhưng thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lào Cai cho thấy, mận và giống đào Pháp trồng ở Sa Pa đã thu hoạch từ hồi tháng 5 và hầu như kết thúc vụ thu hoạch vào cuối tháng 6 nên sản lượng hiện còn rất ít.

Rao bán mận Trung Quốc trên mạng xã hội Facebook. Ảnh: Hoài Nam
Theo Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh, mùa đào, mận ở Sa Pa (Lào Cai) thường kết thúc vụ vào cuối tháng 6 đầu tháng 7. Do vậy, các sản phẩm hiện nay đang gắn mác “Sa Pa” là không đúng. Bởi lẽ, số lượng đào và mận tại Lào Cai rất ít, mẫu mã không được đẹp như những sản phẩm đang bán ở Hà Nội. "Hiện giống mận Bắc Hà và Tam Hoa đã cuối vụ thu hoạch. Vì thế, đào và mận được bán tràn ngập ở Hà Nội chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc" - ông Đào Thế Anh khẳng định.
Tổng Giám đốc hệ thống cửa hàng trái cây Klever Fruit Nguyễn Xuân Hải chia sẻ, cách phân biệt mận, đào Việt Nam với hàng Trung Quốc. Cụ thể, các giống mận Việt Nam như mận Mộc Châu (Sơn La), mận Sapa (Lào Cai) khi chín thường có màu đỏ tươi và thường có lớp phấn trắng tự nhiên bên ngoài; hình dáng kích cỡ thường to nhỏ, không đều, không quá bắt mắt và thường còn cuống và lá tươi đính cùng quả mận. Mận Việt Nam thường có vị chua thanh, khi chín thì vị ngọt đậm đà, lớp vỏ vẫn còn vị chua nhẹ.

Đào và mận Trung Quốc bầy bán tại cửa hàng kinh doanh hoa quả. Ảnh: Hoài Nam
Trong khi đó mận Trung Quốc thường có quả to, đều, khi chín thường có màu vàng nhạt, tím đen hoặc màu đỏ nhưng không có lớp phấn trắng như mận Việt Nam. Mận Trung Quốc thường có vị nhạt, ruột mềm, riêng giống mận xanh, mận cơm Trung Quốc mặc dù kích thước tương đương mận cơm Việt Nam, khi ăn có vị giòn ngọt, dóc hạt, trong khi mận Việt Nam không dóc hạt. Đặc biệt, mận tím Trung Quốc quả to gấp 2 - 3 lần mận hậu Mộc Châu, vỏ màu tím đen, thịt mận vàng ươm, dày thịt, vị hơi chua, khi chín kỹ sẽ chuyển sang vị ngọt.
Bên cạnh đó, cách nhận biết đào Việt Nam với đào Trung Quốc cũng rất dễ vì Sapa chỉ có giống đào mỏ quạ có vỏ màu xanh, nhiều lông, ăn giòn, ngọt, có vị hơi chua. Đào Trung Quốc nhập về Việt Nam hiện nay vỏ nhẵn nhụi không có lông, thường có mầu đỏ hoặc vàng ăn ngọt nhưng không giòn...
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dao-man-trung-quoc-nup-bong-nong-san-viet-nam.763266.html