Đường Tăng thật trong lịch sử khác nhân vật của 'Tây du ký' thế nào?

Đường Tăng trong 'Tây du ký' từ bi nhưng thiếu lý trí, dễ bị lừa, hay dựa dẫm, yếu đuối, khác hẳn với nguyên mẫu của nhân vật, người đi lấy kinh trong lịch sử.

Nhắc đến Đường Tăng, hầu hết người Việt đều nhớ ngay đến hình ảnh một nhà sư áo cà sa, dáng người nho nhã, cưỡi ngựa trắng dẫn đầu đoàn thỉnh kinh gồm Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng trong tác phẩm Tây du ký nổi tiếng của Ngô Thừa Ân. Không phải ai cũng biết rằng nhân vật Đường Tăng trong tiểu thuyết này được xây dựng dựa trên một nhân vật có thật: Ngài Huyền Trang, một vị cao tăng của Trung Quốc vào thời nhà Đường.

Đường Tăng yếu đuối, dễ lừa trong "Tây du ký"

Tây du ký được viết vào thế kỷ 16 dưới thời nhà Minh, là một trong “Tứ đại danh tác” của văn học Trung Hoa. Trong tác phẩm, Đường Tăng được khắc họa như một vị sư có dung mạo khôi ngô, tâm hồn trong sáng, rất mực từ bi, yêu thương chúng sinh, ghét sát sinh. Tuy nhiên, ông lại thiếu thực tế, cả tin, nhiều khi dễ bị yêu quái lợi dụng, dẫn đến những tình huống “dở khóc dở cười”, đặc biệt là trong mối quan hệ với đệ tử Tôn Ngộ Không – người thường bị hiểu lầm và suýt bị trục xuất vì “ra tay quá đà”.

Dưới ngòi bút của Ngô Thừa Ân, Đường Tăng không còn là một vị cao tăng bản lĩnh thép mà giống như một phép ẩn dụ tôn giáo, là người đại diện cho lòng tin, lòng từ bi tuyệt đối, và cũng là nhân vật làm nổi bật sự mâu thuẫn giữa lý tưởng đạo đức và hiện thực trần thế.

Đường Tăng trong phim "Tây du ký".

Đường Tăng trong phim "Tây du ký".

Huyền Trang – Đường Tăng trong lịch sử

Ông là một học giả, nhà truyền giáo xuất sắc. Tên thật của Đường Tăng trong lịch sử là Trần Huy, sau khi xuất gia lấy pháp danh là Huyền Trang. Ông sinh năm 602 và mất năm 664, là người sống dưới triều đại nhà Đường.

Huyền Trang là một học giả kiệt xuất, có kiến thức sâu rộng về Phật giáo, Hán học và ngoại ngữ, là người góp phần rất lớn vào việc phát triển và hệ thống hóa Phật giáo Trung Quốc. Hành trình thỉnh kinh sang Ấn Độ của ông bắt đầu năm 627, kéo dài 17 năm ròng, vượt qua bao hiểm nguy, thời tiết khắc nghiệt, chiến tranh, sa mạc khô cằn và các vùng đất xa lạ.

Hành trình của Huyền Trang đi qua hơn 100 vương quốc, trong đó nổi bật nhất là thời gian ở lại đại học Nalanda – trung tâm Phật học lớn nhất thời bấy giờ ở Ấn Độ – trong nhiều năm để nghiên cứu kinh điển. Sau khi trở về Trung Quốc, ông mang theo 657 bộ kinh Phật, và dành trọn đời mình để dịch kinh, giảng dạy, biên soạn và truyền bá giáo lý. Những bản dịch của ông có giá trị to lớn, không chỉ về mặt tôn giáo mà còn về ngôn ngữ học, lịch sử, và văn hóa.

Trong lịch sử, nhà sư Huyền Trang không thỉnh kinh theo lệnh của Đường Thái Tông mà tự nguyện rời Trung Hoa để tìm chân lý Phật giáo. Không có các đồ đệ thần thông quảng đại hộ tống nên hành trình thỉnh kinh đương nhiên rất gian nan, vì thế ông chắc chắn không thể nhu nhược, thiếu lý trí và có tính dựa dẫm như sư phụ trong truyện mà là người kiên cường, quyết đoán, dũng cảm, uyên bác.

Hành trình của Huyền Trang được ghi lại trong bộ Đại Đường Tây Vực ký do chính ông kể lại và được biên soạn lại bởi học trò của ông. Những câu chuyện trong sách hoàn toàn thực tế, có ghi chép chi tiết về địa lý, phong tục, tôn giáo, văn hóa và xã hội của từng vùng đất ông đi qua. Đó là tư liệu quý giá để nghiên cứu lịch sử giao lưu văn hóa giữa Trung Hoa và Ấn Độ, đồng thời cũng là minh chứng cho tinh thần học hỏi, nghiên cứu không mệt mỏi của Huyền Trang.

Còn Tây du ký ra đời gần 900 năm sau hành trình thực sự của Huyền Trang. Tác phẩm này mượn hình ảnh thỉnh kinh để chuyển tải thông điệp tôn giáo, đạo đức và chính trị thời Minh, đồng thời thêu dệt thêm yếu tố kỳ ảo để hấp dẫn độc giả. Các nhân vật chính đều mang tính biểu tượng.

Nếu Đường Tăng trong Tây du ký là một nhân vật được thần thoại hóa để phục vụ mục tiêu nghệ thuật và tôn giáo, thì Huyền Trang – Đường Tăng thật – là một biểu tượng của tri thức, lòng dũng cảm và tinh thần phụng sự chân lý. Huyền Trang không chỉ là một nhà sư mà còn là một nhà văn hóa, nhà giáo dục, nhà ngoại giao, và học giả tầm cỡ quốc tế.

Nhật Minh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/duong-tang-that-trong-lich-su-khac-nhan-vat-cua-tay-du-ky-the-nao-ar953412.html