Đào, phở… và tình yêu Tổ quốc
Chiều 26-2-2024 bị tác động bởi 'cơn sốt' phim Đào, phở và piano, cơ quan tôi rủ nhau đi xem. Lâu rồi, tôi không mấy khi đi xem phim chiếu rạp, càng hiếm khi… rơi nước mắt khi xem phim. Vậy mà suốt chiều dài bộ phim, nước mắt tôi cứ tự động ứa ra vì nhiều phân cảnh gây xúc động…
Đào, phở và piano lấy bối cảnh Hà Nội năm 1946-1947, khi thực dân Pháp đánh chiếm thủ đô và người Hà Nội thực hiện tiêu thổ kháng chiến, dựng chiến lũy ngay trên phố, nhiều gia đình gồng gánh đi sơ tán tránh bom đạn. Cặp đôi Dân và Hương đứng trước sự lựa chọn nghiệt ngã: theo dòng người sơ tán hay ở lại. Hương nói: ở lại để chết à? Nhưng Dân chọn ở lại, vì anh khẳng định, chỗ của anh là ở chiến lũy, quyết sống mái với thực dân Pháp. Cuối cùng Hương ở lại thủ đô cùng Dân và chính cô đã tham gia sơ cứu thương binh. Cả hai cưới nhau trong cảnh hoang tàn vì bom pháo, chỉ có hai người chứng hôn: linh mục làm phép cưới và ông họa sĩ đại diện cho chính quyền.
Dân ôm bom ba càng quyết tử với địch và trúng đạn, bị mù mắt và hy sinh quả cảm. Quá đau đớn trước cái chết bi tráng của người chồng mới cưới, cô tiểu thư khuê các đã lao bom ba càng vào xe tăng địch… Kết phim là hình ảnh gợi cảm: hai mảnh áo trắng của cô dâu mới bay liệng trên không trung, như hai cánh chim bồ câu tượng trưng cho khát vọng hòa bình không chỉ của người Hà Nội mà của dân tộc Việt Nam...
Giữa cảnh bom rơi đạn nổ, đôi vợ chồng trẻ yêu nhau thắm thiết với ước mơ vô cùng giản dị: được sống suốt đời bên nhau, không phải phấp phỏng lo âu, không sợ chia lìa…
Phim do đạo diễn Phi Tiến Sơn viết kịch bản kiêm đạo diễn, ông đã ấp ủ, thu thập tư liệu lịch sử từ hàng chục năm trước. Vì vậy dễ thấy phần biên kịch và đạo diễn khá hoàn hảo, độ dài phim vừa phải, kết cấu chặt chẽ, gọn gàng, tránh được lối mòn ta thắng địch thua, lời thoại chắt lọc, thi thoảng có vài câu triết lý hóm hỉnh làm giảm tính chất “bi “ của hoàn cảnh, gia tăng phần thi vị và không “lên gân lên cốt”, gây khó chịu cho khán giả.
Phim làm bối cảnh chiến tranh tốt, ấn tượng về sự khốc liệt đến ngay từ những phút đầu tiên, nhiều tình tiết, hình ảnh cảm động, giàu ý nghĩa nhân văn đồng thời toát lên nét hào hoa rất riêng của người Hà Nội: cây đàn piano của Hương bị dính đạn khi đang được các chiến sĩ tự vệ vòng dây đưa xuống từ tầng ba ngôi nhà đổ.
Trước đó, Hương đã kịp đàn cho anh em tự vệ nghe một bản nhạc trữ tình da diết, cành đào đẹp được Dân mang về nở hoa trên đống đổ nát, vợ chồng ông hàng phở nhất định đợi cọng hành thơm để bát phở chuẩn vị Hà Nội. Cậu bé đánh giày mơ ước có chiếc mũ ca lô, luôn thèm thuồng và tưởng tượng ra bát phở bốc khói nhưng khi bị ông hàng phở chạm lòng tự trọng đã bỏ đi thẳng không thèm ăn, ông họa sĩ dùng hết màu vẽ để nhuộm cờ, trong đêm mất điện ông đã vẽ tranh với sự trợ giúp của vị linh mục cắm những cây nến trắng trên vành mũ.
Thành công của bộ phim còn đến từ sự diễn xuất hoàn hảo của dàn diễn viên hầu hết là những gương mặt quen thuộc: Doãn Quốc Đam (Dân), NSND Trung Hiếu (linh mục), NSND Trần Lực (ông họa sĩ), nghệ sĩ Nguyệt Hằng - Tuấn Anh (vợ chồng ông bán phở), ca sĩ Tuấn Hưng (chàng công tử nhà giàu)…
Ngoài vai Hương còn có chút non nớt, có thể nói, các nghệ sĩ đều nhập vai một cách xuất sắc, lột tả chân thực văn hóa, cốt cách, nếp sinh hoạt, lời ăn tiếng nói của người Hà Nội xưa, vừa giản dị, vừa sâu sắc, có chút châm biếm nhẹ nhàng. Nhân vật trong phim từ vai chính đến vai phụ đều có lòng yêu nước nồng nàn, gần như cuối cùng ai cũng chết nhưng kết phim bi mà không lụy, người ta vẫn thấy hy vọng bừng lên bởi không gì khuất phục được một dân tộc ngoan cường, với những con người bình dị “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Đào, phở và piano là bộ phim nghệ thuật, chú trọng khắc họa trạng thái tinh thần, cảm xúc của nhân vật, không chạy theo những tình tiết câu khách rẻ tiền, đôi ba cảnh nóng được sử dụng chỉ nhằm làm nổi bật hơn chủ đề tư tưởng của phim. Nhạc phim của nhạc sĩ Trọng Đài tinh tế, âm thanh của trống phách, đàn đáy, màn hát ả đào của các ca nương làm đậm thêm văn hóa Hà Nội và chất lãng mạn trong tính cách người thủ đô.
Với một bộ phim lịch sử được làm một cách công phu, cẩn trọng, hẳn sẽ có nhiều khán giả khen hay, đồng thời nhiều người sẽ hụt hẫng nếu trước đó bị tác động bởi những lời quảng bá thái quá trên mạng xã hội. Với riêng tôi, bộ phim đã thành công, tôi tin rằng xem phim, người ta sẽ tăng thêm lòng tự hào dân tộc, căm ghét chiến tranh, yêu Tổ quốc và yêu nhân dân mình hơn…