Đào tạo kiến thức pháp lý cho hoạt động tín dụng ngân hàng

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp và Tòa án Nhân dân Tối vừa tổ chức khóa đào tạo trực tuyến với chủ đề: 'Kiến thức pháp lý liên quan đến Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp và kỹ năng giải quyết tranh chấp tại Tòa án trong hoạt động ngân hàng'.

Hiệp hội Ngân hàng đào tạo kiến thức pháp lý liên quan đến hợp đồng tín dụng

Theo thông tin từ đại diện Hiệp hội Ngân hàng, thời gian qua, Hiệp hội nhận được nhiều phản ánh của các tổ chức tín dụng về các tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, trong đó những thỏa thuận chung đã tuân thủ 14 nội dung theo quy định nhưng các thỏa thuận riêng chưa phù hợp dẫn đến khi giải quyết tại Tòa án có nguy cơ vô hiệu một phần hoặc vô hiệu toàn phần.

Đặc biệt, các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng cần hết sức chặt chẽ, có khả năng thực hiện được, không trái với quy định pháp luật nhằm đảm bảo khi ra tòa, hợp đồng tín dụng và hợp đồng tài sản bảo đảm được giải quyết đồng bộ cùng nhau, tránh trường hợp bị tách riêng để giải quyết dẫn đến khó khăn khi xử lý tài sản bảo đảm.

Vì vậy, khóa đào tạo với chủ đề "Kiến thức pháp lý liên quan đến Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp và kỹ năng giải quyết tranh chấp tại Tòa án trong hoạt động ngân hàng" được tổ chức nhằm trang bị và nâng cao kiến thức pháp lý về hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, cùng với cơ chế và kỹ năng giải quyết tranh chấp tại tòa án cho các cán bộ thuộc các tổ chức tín dụng.

Khóa đào tạo "Kiến thức pháp lý liên quan đến Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp và kỹ năng giải quyết tranh chấp tại Tòa án trong hoạt động ngân hàng" để cung cấp kiến thức về cách nhận diện vi phạm pháp luật hình sự trong lĩnh vực tín dụng, các quy định pháp luật liên quan và các bài học kinh nghiệm để phòng ngừa vi phạm.

Diễn giả tham gia: Ông Nguyễn Hồng Hải – Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia Giao dịch bảo đảm – Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Huyền Cường – Thẩm phán cấp cao – Tòa án Nhân dân Tối cao.

Đồng thời, cung cấp kiến thức về cách nhận diện vi phạm pháp luật hình sự trong lĩnh vực tín dụng, các quy định pháp luật liên quan và các bài học kinh nghiệm để phòng ngừa vi phạm.

Theo chuyên gia, hợp đồng tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng phải lập bằng văn bản và phải có tối thiểu 14 nội dung theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, hợp đồng còn có những nội dung thỏa thuận riêng tùy thuộc vào tổ chức tín dụng và khách hàng. Vì vậy, hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng thường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, để hạn chế rủi ro có thể xảy ra dẫn đến các tranh chấp phát sinh trong quá trình thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm, khâu soạn thảo Hợp đồng có vai trò hết sức quan trọng.

Theo chuyên gia Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm đào tạo (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) chia sẻ, thực tế, có 3 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc soạn thảo hợp đồng, gồm: Một là, quy định pháp lý từ các luật chung, luật chuyên ngành, đến các nghị định, thông tư…; Hai là, yếu tố kinh doanh phải phù hợp với thực tiễn; Ba là, khi soạn thảo hợp đồng mẫu thì phải đảm bảo yếu tố công khai, giải thích hợp đồng, tuân thủ quy định về bảo vệ người tiêu dùng theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, tránh trường hợp hợp đồng vô hiệu.

Các chuyên gia cũng lưu ý về một số kỹ năng trong giao kết hợp đồng tín dụng, như: Một là, lưu ý liên quan đến thời hiệu, thỏa thuận lãi, làm sao để hợp đồng không bị vô hiệu; Hai là, chủ thể giao kết hợp đồng cùng những lưu ý với từng đối tượng cụ thể như: Cá nhân, doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân; Ba là những Hợp đồng tín dụng bị vô hiệu và hướng xử lý Hợp đồng tín dụng vô hiệu.

Đối với việc ký kết Hợp đồng thế chấp với tài sản bảo đảm như: Bất động sản (Xem xét vấn đề thẩm định, định giá tài sản thế chấp, hợp đồng công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm…); Động sản; Kỹ năng xây dựng hồ sơ và giải quyết tranh chấp; Hồ sơ khởi kiện bao gồm những giấy tờ, tài liệu, chứng từ gì?; Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng; Các loại phí tố tụng Ngân hàng phải chịu; Cùng kháng cáo, nội dung ủy quyền kháng cáo, rút đơn khởi kiện…các chuyên gia cũng đưa ra các tình huống cụ thể, giúp học viên có thể xem xét và xử lý trong giao kết hợp đồng tín dụng.

Cùng đồng hành đào tạo, đại diện Tòa án Nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Huyền Cường – Thẩm phán cấp cao – đã chia sẻ, trao đổi với các học viên về những vấn đề thực tiễn nhất liên quan đến tranh chấp trong các vụ án kinh doanh thương mại, tín dụng, ngân hàng. Đồng thời, nêu ra những quan điểm khác nhau giữa Tòa án và các ngân hàng, cùng các vấn đề pháp lý dẫn đến mâu thuẫn trong xử lý tranh chấp tín dụng trong thời gian qua…

Ngoài ra, các chuyên gia, giảng viên cũng chia sẻ kinh nghiệm về việc xử lý các vụ án liên quan đến hoạt động ngân hàng cùng bài học kinh nghiệm và các biện pháp phòng tránh cho các ngân hàng. Đặc biệt là các gợi ý cho các ngân hàng khi xác lập hợp đồng, các vấn đề cần lưu ý để từ đó, xem xét đề xuất Tòa án Nhân dân Tối cao phát triển các bản án, quyết định trong lĩnh vực ngân hàng phát triển thành án lệ và ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực ngân hàng.

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/dao-tao-kien-thuc-phap-ly-cho-hoat-dong-tin-dung-ngan-hang-179240804224717395.htm