Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Tận dụng tốt nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) ưu tiên đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Từ học nghề, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững.

Gia đình bà Thị Chương, ngụ ấp Tà Yểm, xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) không đất canh tác, thu nhập bấp bênh, cuộc sống khó khăn. Trước đây bà Chương biết đến nghề đan bằng tre nhưng chỉ làm đơn giản. Được tham gia học nghề đan sản phẩm từ tre, trúc, bà Chương có việc làm thường xuyên với thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng.

Bà Chương bộc bạch: “Nhờ được học nghề đan, tôi đan nhanh và biết thêm nhiều mẫu mã. Mỗi tháng, tôi làm khoảng 150 sản phẩm, bán từ 30.000-70.000 đồng/sản phẩm cho các tiểu thương ở chợ Bàn Tân Định.

Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) và đại diện chính quyền địa phương khảo sát tình hình sau học nghề đan sản phẩm từ tre, trúc tại nhà bà Thị Chương (giữa), ngụ ấp Tà Yểm, xã Bàn Thạch. Ảnh: BẢO TRÂN

Sau 1 tháng học lớp nghề trang điểm chị Dương Thị Si Phal, ngụ ấp Cái Đuốc Nhỏ, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng có thu nhập ổn định cuộc sống.

Chị Phal chia sẻ: “Nghề trang điểm phù hợp với tôi. Giờ tôi thường xuyên trang điểm cho khách dự tiệc với giá khoảng 50.000-80.000 đồng/lần. Tôi mong muốn học nâng cao tay nghề để mở tiệm trang điểm tại nhà”.

Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Giồng Riềng Phan Ngọc Minh, huyện có khoảng 170.000 lao động, trong đó khoảng 28% lao động chưa qua đào tạo, không có việc làm ổn định. Thời gian qua, huyện triển khai chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Huyện Giồng Riềng khảo sát, điều tra chất lượng nguồn nhân lực, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động và thị trường lao động; liên kết Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho người lao động.

Chị Dương Thị Si Phal (giữa) có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống nhờ học nghề trang điểm.

Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Giồng Riềng phối hợp tổ chức 23 lớp đào tạo nghề với 627 người tham gia; trong đó có 8 lớp nghề từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Lớp dạy nghề được tổ chức tại các xã, thị trấn để người dân thuận tiện theo học với các ngành, nghề phù hợp. 9 tháng năm 2023, huyện giải quyết việc làm cho gần 5.200 lao động.

Đồng chí Phan Ngọc Minh cho biết công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là giải pháp quan trọng giúp giảm nghèo bền vững. Với mục tiêu huyện không còn hộ nghèo, Giồng Riềng tích cực điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động và thị trường lao động; phân bổ, sử dụng tốt nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn...

Bài và ảnh: BẢO TRÂN

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chuyen-de/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-16794.html