Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Ưu tiên lao động yếu thế

100% lao động nông thôn (LĐNT) có nhu cầu đều được học nghề, đối tượng yếu thế được ưu tiên vay vốn; đào tạo nghề gắn với việc làm đã góp phần nâng thu nhập cho người dân huyện Mê Linh.

Chị Nguyễn Thị Hảo (thứ 2, từ trái qua) đang phấn khởi cho biết đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã giúp gia đình mở rộng chăn nuôi, tăng thu nhập. Ảnh: Oanh Trần

Trên 80% lao động có việc làm

Khi biết thông tin có đoàn cán bộ TP Hà Nội đến kiểm tra hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, chị Nguyễn Thị Hảo (thôn Thanh Vân, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh) đang làm việc ngoài đồng tất tả chạy về. Người phụ nữ 49 tuổi, thuộc hộ cận nghèo phấn khởi khoe: “Tôi đã áp dụng những kiến thức được học ở lớp kỹ thuật chăn nuôi gia cầm vào nuôi gà, ngan, vịt cho hiệu quả cao. Mới đây, tôi đã bán 500 con vịt được 70 triệu đồng, trừ chi phí lãi trên 20 triệu đồng. Gia đình tôi đã thuê thêm đất trang trại để nuôi tăng đàn”.

Chúng tôi tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác tổ chức đào tạo nghề. Cứ mỗi tuần lại có 4 buổi đi kiểm tra đột xuất, khi thấy có gì chưa ổn thì chấn chỉnh luôn.

Trưởng phòng LĐTB&XH Mê Linh Nguyễn Thị Thanh Tám

Chị Hảo là một trong số 1.150 nông dân huyện Mê Linh được tham gia lớp đào tạo nghề cho LĐNT năm 2018. Bà Nguyễn Thị Thanh Tám – Trưởng phòng LĐTB&XH Mê Linh cho hay: Năm 2018 huyện Mê linh đã tổ chức 35 lớp đào tạo nghề cho 1.150 LĐNT. Trong đó có 506 đối tượng thuộc nhóm 1 (người nghèo, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, người hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng...) và 516 học viên nhóm 2 thuộc hộ cận nghèo. Đã có trên 86% học viên được giải quyết việc làm sau đào tạo nghề. Năm 2019, huyện Mê Linh đặt mục tiêu tổ chức đào tạo 13 lớp dạy nghề cho 455 LĐNT.

Đến nay, công tác tổ chức đào tạo đã kết thúc, tỷ lệ lao động được tạo việc làm đạt trên 80%. Để công tác đào tạo nghề theo Quyết định 1956 mang lại kết quả cao, huyện Mê Linh chỉ đạo các xã làm tốt công tác định hướng, tư vấn ngành nghề phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Học xong, có việc làm ngay

Để tạo điều kiện cho các lao động, nhất là những đối tượng yếu thế có việc làm, phát triển sản xuất sau khi học nghề, UBND huyện Mê Linh đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thường xuyên phối hợp với Phòng LĐTB&XH, Phòng Kinh tế và UBND các xã, thị trấn triển khai cho vay vốn đối với LĐNT sau khi học nghề theo Quyết định 1956 của Chính phủ. Hiện đã có 183 học viên sau khi học nghề xong được hỗ trợ vay vốn với số tiền 9,15 tỷ đồng. “Các hộ sau khi được vay vốn cùng với kiến thức được bồi dưỡng đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo nguồn thu nhập nâng cao đời sống” – Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mê Linh Quang Mạnh Hà nhận định.

Đồng thời, trước khi tổ chức các lớp học theo từng nghề, huyện Mê Linh đã khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, DN, hợp tác xã trên địa bàn huyện để có biện pháp can thiệp giúp người lao động giải quyết được việc làm ổn định. Bà Nguyễn Thị Kim Liên – Phó Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Mê Linh thông tin: Năm 2019, Trung tâm đảm nhiệm dạy 2 lớp điện dân dụng, 2 lớp trồng rau an toàn, trồng rau hữu cơ và 3 lớp chăn nuôi thú y. Chúng tôi đang kết nối với các công ty có giấy chứng nhận thực phẩm an toàn để giới thiệu đầu ra cho học viên trồng rau an toàn. Đối với các học viên lớp điện dân dụng khi đã có chứng chỉ học nghề được giới thiệu vào các công ty ở Khu công nghiệp Quang Minh với mức lương thử việc 4 - 5 triệu đồng/tháng. Sau thời gian một tháng, NLĐ làm tốt, thu nhập tháng tăng lên 5,5 – 6 – 7 triệu đồng, tùy theo tay nghề.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-uu-tien-lao-dong-yeu-the-356455.html