Đào tạo nghề cho người cai nghiện ma túy: Trao cơ hội, gieo niềm tin

Không chỉ dừng lại ở việc điều trị, giúp học viên cai nghiện ma túy để thoát khỏi cơn nghiện, cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh Lai Châu còn mở ra cánh cửa niềm tin và cơ hội cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Từng có gia đình hạnh phúc với người vợ hiền và 2 đứa con ở khu 6, thị trấn Than Uyên, tỉnh Lai Châu, những ngày không công ăn việc làm, anh Phan Văn H. đã bị bạn bè lôi kéo thử ma túy như một cách "cho biết", đua đòi cho bằng bạn, bằng bè. Thế rồi anh H. đã trở thành con nghiện lúc nào không hay. Mái tóc rối bù, ánh mắt vô hồn, người gầy rộc sau những cơn vật vã, anh H. đã từng khiến bố mẹ, vợ con bán tài sản có giá trị để chạy chữa nhưng không thành.

Tháng 10/2024, anh H. được đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lai Châu, khi gần như đã mất hết niềm tin vào bản thân. Nhưng rồi sau những ngày trị liệu cắt cơn, anh được làm quen với những buổi học nghề đầu tiên. Khi đôi tay gầy guộc được cầm kìm, dây đồng để làm quen với nghề gia công linh kiện điện tử, anh H. mới nhận ra rằng mình vẫn có thể tìm được việc làm sau khi cai nghiện.

Lớp học nghề tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lai Châu.

Lớp học nghề tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lai Châu.

“Trong quá trình học tập tôi đã được cán bộ công an và cán bộ kỹ thuật của công ty lên hướng dẫn rất tận tình. Quá trình học tập tôi thấy công việc này rất phù hợp với bản thân. Tôi sẽ cố gắng học tập để sau này khi về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng tôi sẽ biết thêm một cái nghề. Tôi sẽ đăng ký tham gia để đi làm các công ty, để có việc làm và từ bỏ ma túy” – anh H chia sẻ.

Để học viên sau khi hoàn thành cai nghiện trở về với gia đình có công việc và thu nhập ổn định, trước khi mở các lớp lao động trị liệu học nghề, cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lai Châu đã khảo sát, lấy ý kiến từng học viên. Vì vậy, lớp dạy nghề được mở ra được đảm bảo phù hợp với lứa tuổi, giới tính và nhu cầu việc làm của từng học viên sau khi tái hòa nhập cộng đồng.

Học viên được lấy ý kiến, lựa chọn để phù hợp với lứa tuổi, giới tính trước khi tham gia các lớp đào tạo nghề.

Học viên được lấy ý kiến, lựa chọn để phù hợp với lứa tuổi, giới tính trước khi tham gia các lớp đào tạo nghề.

Tại phòng học nghề, cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lai Châu những ngày này đều đặn 5 tiếng/ngày, 130 học viên có mặt, bận rộn học nghề gia công linh kiện điện tử. Những ánh mắt học viên tập trung, bàn tay thoăn thoắt đưa theo từng sợi dây đồng, dưới sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật đến từ Công ty Cổ phần thiết bị điện Vcoils Hà Nội.

Anh Dương Văn Huy, cán bộ kỹ thuật, Công ty Cổ phần thiết bị điện Vcoils Hà Nội cho biết: “Tôi được công ty cử lên đây hướng dẫn kỹ thuật cho học viên để sản xuất linh kiện điện tử. Quá trình truyền đạt kỹ thuật cho anh em học viên cai nghiện, tôi thấy anh em tiếp thu rất nhanh và tạo ra được sản phẩm đạt yêu cầu”.

Lớp học nghề sản xuất linh kiện điện tử tại Cơ sở cai nghiện tỉnh Lai Châu hiện có 130 học viên.

Lớp học nghề sản xuất linh kiện điện tử tại Cơ sở cai nghiện tỉnh Lai Châu hiện có 130 học viên.

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lai Châu được bàn giao từ Sở Lao động, Thương binh & Xã hội sang Công an tỉnh Lai Châu quản lý từ cuối tháng 02/2025 và đến nay đang có 238 học viên. Việc đào tạo nghề cho học viên cai nghiện ma túy nằm trong quy trình lao động trị liệu học nghề, để cho học viên chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Lớp đào tạo nghề sản xuất linh kiện điện tử đang hoạt động cũng là lớp nghề bài bản đầu tiên được Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lai Châu ký kết với Công ty Cổ phần thiết bị điện Vcoils Hà Nội và bắt đầu thực hiện từ tháng 3 vừa qua.

Thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu, đến hết năm 2024, toàn tỉnh Lai Châu có hơn 5.700 người liên quan đến ma túy; trong đó có hơn 2.500 người nghiện các chất ma túy, 859 người sử dụng trái phép chất ma túy… Tỷ lệ tái nghiện của học viên được học nghề sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện trở lại tái hòa nhập cộng đồng giảm đáng kể. Điều đó cho thấy, bên cạnh việc điều trị cai nghiện, trang bị kỹ năng nghề là hướng đi thiết thực và nhân văn, giúp những người từng lầm lỡ có cơ hội đứng dậy và làm lại cuộc đời.

Lớp học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp gắn với tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn cho học viên.

Lớp học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp gắn với tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn cho học viên.

Thiếu tá Bùi Văn Tường, Trưởng cơ sở cai nghiện ma túy, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lai Châu cho biết: “Việc đào tạo nghề nằm trong quy trình cai nghiện, thuộc giai đoạn 3, với nội dung hướng dẫn học nghề cho học viên. Sau này học viên có ra tái hòa nhập cộng đồng thì học viên cũng có công việc để làm và có thu nhập để trang trải cuộc sống.

Vì vậy, trước khi làm việc với các công ty chúng tôi cũng nói rõ và trong hợp đồng có nội dung là sau này nếu học viên đào tạo ra, được tái hòa nhập cộng đồng, các công ty có khả năng đủ điều kiện, đáp ứng được yêu cầu thì sẽ tuyển các học viên về làm việc cho các công ty”.

Đào tạo nghề không chỉ là cách trao cho người cai nghiện một cái nghề, mà còn là cách trao lại cho họ niềm tin vào bản thân, sự tin tưởng của gia đình và cơ hội được làm lại cuộc đời. Tại Lai Châu, những lớp học nghề ở cơ sở cai nghiện đang âm thầm gieo niềm hy vọng, giúp những con người từng lạc lối bước ra ánh sáng, tự tin tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dao-tao-nghe-cho-nguoi-cai-nghien-ma-tuy-trao-co-hoi-gieo-niem-tin-post1199473.vov