Đào tạo nghề cho nông dân theo hướng linh động, thiết thực
Nông dân xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) tham gia học nghề trồng hoa, cây cảnh. Ảnh: NGỌC HÂN
Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tốt với các ngành trong và ngoài tỉnh triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn. Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh vấn đề này, ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết:
- Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, việc đẩy mạnh dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là yêu cầu cấp thiết. Vì vậy, Hội Nông dân tỉnh xác định công tác dạy nghề cho hội viên, nông dân là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở địa bàn nông thôn, từng bước đáp ứng yêu cầu của quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn theo đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm qua, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh tổ chức chiêu sinh và đào tạo 6 lớp nghề về chăn nuôi phòng trị bệnh trên trâu bò cho 171 hội viên tại các xã: Sơn Hội, Krông Pa, Cà Lúi (huyện Sơn Hòa), Sông Hinh, Ea Bar (huyện Sông Hinh).
* Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được các cấp Hội Nông dân ở Phú Yên triển khai như thế nào, thưa ông?
- Những năm qua, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh đã thực hiện tốt chương trình phối hợp với Sở LĐ-TB-XH, Sở NN-PTNT, Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ, Trung tâm Giống - vật nuôi - cây trồng, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, Chi cục Thú y tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, các ban ngành và các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân trong độ tuổi lao động tham gia học nghề, trang bị cho lao động nông thôn những kiến thức cơ bản về khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới có chất lượng, sản phẩm có giá trị cao để áp dụng ngay tại hộ gia đình nhằm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Việc đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đã chuyển mạnh từ đào tạo theo năng lực sẵn có của các cơ sở dạy nghề sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của nông dân, gắn đào tạo nghề với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, từng bước gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho hội viên nông dân.
Trong quá trình đào tạo, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh đã thực hiện chương trình đào tạo nghề ngắn hạn theo đúng quy định của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB-XH), đảm bảo thời lượng dạy lý thuyết và thực hành cho học viên. Đặc biệt, trung tâm chú trọng đến nội dung và phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học viên theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Nhờ đó, sau mỗi khóa học, các học viên có kiến thức và kỹ năng để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
* Được biết nhu cầu học nghề của nông dân ngày càng tăng, nhưng vì sao công tác đào tạo nghề cho nông dân lại gặp khó khăn?
- Hiện nay, lao động nông thôn, nhất là lao động ở một số xã của huyện miền núi chưa có tay nghề còn khá cao, có nhu cầu học nghề để áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, đối tượng tham gia học nghề có sự chênh lệch về tuổi tác, trình độ học vấn, hoàn cảnh kinh tế; thêm vào đó, do tính chất học viên vừa học vừa lao động, thời gian kéo dài gần 3 tháng, nên một số học viên không theo học được hết chương trình, bỏ học giữa chừng, ảnh hưởng đến việc dạy và học nghề.
* Để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đào tạo nghề cho hội viên, nông dân, theo ông cần có những giải pháp, kế hoạch gì?
- Rút kinh nghiệm từ công tác đào tạo nghề trong các năm trước, năm 2020, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các địa phương khảo sát thật kỹ các đối tượng học nghề và dạy nghề theo nhu cầu để mở lớp mang lại hiệu quả cao. Trung tâm sẽ bố trí thời gian học nghề phù hợp, tránh tình trạng thời gian đào tạo nghề trúng vào mùa vụ; hướng dẫn học viên thành lập các tổ liên kết hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế hộ gia đình; tiếp cận các nguồn vốn vay, xây dựng thương hiệu và liên kết chuỗi sản xuất…
Bên cạnh đó, việc mở rộng đào tạo nghề theo “đặt hàng” của các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và nhu cầu học nghề của người dân cần được khuyến khích; chú trọng đào tạo cho đối tượng bị thu hồi đất ở các địa phương có các công trình trọng điểm phục vụ quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình đào tạo, chương trình, hình thức, phương thức cũng như phương pháp truyền đạt cần linh hoạt sao cho phù hợp, đạt hiệu quả cao nhất. Cụ thể dạy vào ban đêm thay vì ban ngày, dạy vào lúc thời vụ nông nhàn, dạy theo hình thức “cầm tay chỉ việc”… Mặt khác, công tác đào tạo nghề lao động nông thôn phải có hướng tiếp cận linh động, thiết thực thì chất lượng chắc chắn sẽ nâng cao.
* Xin cảm ơn ông!
THÁI NGỌC (thực hiện)