Khắc phục tình trạng di cư tự do ở vùng biên giới Sơn La

Nhẹ dạ, cả tin, ảo tưởng về cuộc sống giàu sang nơi xứ người... một bộ phận người dân vùng biên giới Sơn La đã tự do di cư. Các ngành chức năng và địa phương đang nỗ lực vừa ngăn chặn tình trạng này, vừa giúp người dân yên tâm lao động sản xuất trên mảnh đất quê hương, xây dựng và bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Cuộc sống nghèo khó nơi quê nhà cùng viễn cảnh về nơi ở mới tốt hơn bên nước bạn đã khiến vợ chồng anh Giàng A Sị, bản Huổi Men, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, Sơn La quyết định di cư. Thế nhưng, điều anh Sị có được sau 7 năm rời xa quê hương không hề như mong đợi: “Năm 2016, sau khi 2 vợ chồng bàn bạc, đã cùng nhau đi làm thuê, trông vườn chuối ở tỉnh Bò Kẹo (Lào). Đi làm thuê vô cùng vất vả, không giống như mình nghĩ, làm không đủ ăn. Trông vườn chuối được 6 năm tôi thấy vất vả quá, không có anh em họ hàng, không có trưởng bản, công an ở đây, không có giấy tờ, hộ khẩu ở đây... nên rất là khổ, 2 vợ chồng lại bàn bạc cùng nhau quay về Việt Nam. Đến Tết, khoảng tháng 2/2024 chúng tôi quay về Việt Nam”.

Gia đình anh Giàng A Sị trở về quê hương.

Gia đình anh Giàng A Sị trở về quê hương.

Anh Giàng A Sị rất hối hận vì đã nghe và tin theo những lời “người ta” nói, rằng đi nước ngoài làm thuê sẽ thu nhập từ 30-40 triệu/ tháng, nhưng thực tế gia đình anh chỉ có khoảng 15 – 16 triệu/ năm, không đủ ăn, đủ mặc. Thậm chí, con cái cũng không được đi học như bạn bè cùng trang lứa: “Nhà tôi 1 đứa 6 tuổi, 1 đứa 9 tuổi vẫn chưa được đi học. Tôi cũng rất muốn cho con đi học, con cũng muốn đi học nhưng ở bên đó không có giấy tờ gì nên không đi học được. Nếu ngày đó tôi không sang Lào, giống như trưởng bản vẫn nói rằng 2 vợ chồng vốn chăm chỉ rồi nếu chịu khó làm ăn ở đây thì bây giờ đã khá giả rồi. Nhưng ngày đó tôi không nghĩ được vậy, nhà cửa mọi thứ mất hết. Bây giờ quay về tôi không còn theo kịp bà con, bạn bè nữa, rất vất vả...".

May mắn khi trở về quê hương, gia đình anh Giàng A Sị đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng bản để ổn định cuộc sống. Ông Thào A Hua, Bí thư chi bộ, trưởng bản Huổi Men, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp cho biết, câu chuyện của gia đình anh Sị cũng là minh chứng để bản tuyên truyền, vận động bà con không di dịch cư tự do, xuất cảnh trái phép: "Trong thời gian gia đình về, chính quyền bản cũng đã họp dân và bố trí nền nhà cho hộ gia đình để ổn định cuộc sống, đồng thời cũng vận động bà con nhân dân hỗ trợ công lao động để giúp gia đình dựng nhà. Chính quyền bản đã mở hội nghị tuyên truyền cho bà con nhân dân để tránh tình trạng là di dịch cư tự do, không vượt biên trái phép sang nước bạn Lào".

Các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương, chính sách.

Các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương, chính sách.

Đây chỉ là một trong số 37 hộ với hơn 180 nhân khẩu di cư tự do theo thống kê của cơ quan chức năng huyện Sốp Cộp từ năm 2020 đến nay. Tình trạng này chủ yếu diễn ra ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn của huyện Sốp Cộp như các xã Mường Lèo, Mường Lạn, Nậm Lạnh, Sam Kha...

Trung tá Quàng Văn Soạn, Phó trưởng Công an huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cho biết: "Về nguyên nhân người dân di cư, bước đầu Công an huyện xác định do một bộ phận người dân bị tuyên truyền, tác động với nội dung ở nước ngoài đất đai rộng, dễ làm ăn, làm thuê được nhiều tiền hơn... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc ra nước ngoài, không dễ làm ăn như lời tuyên truyền. Thời gian gần đây đã có các hộ di cư đi nước ngoài trở về địa phương. Qua gặp gỡ các hộ quay trở về, cuộc sống người dân di cư ra nước ngoài rất khó khăn".

Là địa bàn biên giới, điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Sốp Cộp đã nỗ lực quan tâm, triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho vùng dân tộc thiểu số; từng bước cải thiện cuộc sống của nhân dân... hạn chế tình trạng di cư tự do, xuất cảnh trái phép trên địa bàn.

Bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng như quân sự, lực lượng Biên phòng và Công an huyện, UBND các xã nắm chắc tình hình địa bàn, nắm chắc tình hình đời sống của nhân dân để kịp thời phát hiện các vấn đề phức tạp và xử lý các vấn đề đó ngay tại cơ sở. Đồng thời, tạo mọi điều kiện để đón nhận, cũng như là bố trí nơi ở để cho những người dân hồi cư, trở về sớm ổn định cuộc sống".

Thực trạng trên cũng đòi hỏi sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và cộng đồng làng bản để tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về những rủi ro và hệ lụy của việc di cư tự do và xuất cảnh trái phép. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, kết nối và tạo cơ hội việc làm cho người dân tại địa phương... góp phần giữ vững an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới Sơn La.

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khac-phuc-tinh-trang-di-cu-tu-do-o-vung-bien-gioi-son-la-post1138554.vov