Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ở vùng đồng bào DTTS

Thời gian qua, chính sách đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động đồng bào dân tộc thiếu số (DTTS) được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện ngày càng hiệu quả. Đây là một trong những giải pháp bền vững trong công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, chỉ có 10,3% lao động DTTS có việc làm đã qua đào tạo, còn lại đến 89,7% không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Tỷ trọng lao động DTTS có việc làm không có chuyên môn kỹ thuật ở khu vực nông thôn cao gấp 1,2 lần ở khu vực thành thị, tương ứng là 91,2% và 76,8%. Các dân tộc La Hủ, Xinh Mun, Xtiêng, Brâu, Ba Na có tỷ lệ lao động có việc làm không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật cao nhất với khoảng 98,0% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, trong khi tỷ lệ này thấp nhất là ở dân tộc Pu Péo, Chơ Ro, Ngái, Tày, Bố Y.

Đào đạo nghề cho thanh niên có nhiều chuyển biến

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) cho biết, hiện nay, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm nói chung và cho thanh niên DTTS nói riêng luôn được quan tâm.

Từ năm 2018 – 2019, Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra chỉ tiêu hết sức cụ thể: đến năm 2025 có khoảng 80% người DTTS trong độ tuổi lao động được hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp.

"Hiện có gần 10 triệu người DTTS trong độ tuổi lao động, đây là chỉ tiêu rất lớn", ông Độ thông tin.

Việc làm của đồng bào DTTS có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Việc làm của đồng bào DTTS có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, với nguồn kinh phí tương đối lớn.

Trong Chương trình có dự án hỗ trợ đào tạo nghề cho đồng bào DTTS. Song song đó, hai chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng đều có dự án cho đào tạo nghề.

"Dự án đào tạo nghề cho thanh niên vùng đồng bào DTTS và miền núi có thành công hay không cần có sự hỗ trợ kỹ thuật, cũng như các hoạt động của các tổ chức hỗ trợ tham gia, để cùng phát hiện những vấn đề bất cập, nhằm xây dựng những mô hình cụ thể, điều này sẽ có vai trò hết sức quan trọng", ông Độ nói.

Tạo sinh kế để giảm nghèo bền vững

Tại Bắc Kạn, một trong những mô hình hiệu quả có thể kể đến là đào tạo nghề vỗ béo trâu, bò cho đồng bào DTTS vùng cao huyện Pác Nặm. Nhờ được đào tạo kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đại gia súc, người dân đã thay đổi tập quán chăn thả sang nuôi nhốt, trồng cỏ vỗ béo.

Tại xã Nghiên Loan, người dân đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò. Giá mua đầu vào khoảng 10 - 15 triệu đồng/con trâu bò, sau khi nuôi vỗ béo từ khoảng 5 - 7 tháng có thể bán được từ 20 - 25 triệu đồng/con. Trong một năm, nhà nào có kinh nghiệm và chịu khó có thể nuôi được 3 lứa vỗ béo, số lượng phụ thuộc vào thức ăn, cỏ của người nuôi. Quan trọng là người dân không phải đi xa bán vì chợ trâu, bò Nghiên Loan là một trong những chợ đầu mối đại gia súc lớn nhất phía Bắc.

Điểm đặc biệt của mô hình đào tạo nghề ở Bắc Kạn là thay vì đào tạo theo những gì mình có, tỉnh đã chuyển hướng sang đào tạo theo địa chỉ và những gì người dân cần. Nhờ đó, người dân được học nghề gắn với thế mạnh, khả năng của gia đình, địa phương, giúp phát triển các mô hình kinh tế. Đồng thời gắn đào tạo nghề với chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển các mô hình kinh tế tập thể, HTX, từ đó giúp người nông dân có công ăn việc làm ổn định.

Tại huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn , nhiều HTX trên địa bàn xã Quảng Chu được thành lập đã và đang tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân địa phương. Mặc dù mới đi vào hoạt động từ năm 2019, nhưng HTX An Hòa Phát tại thôn Đèo Vai 2, xã Quảng Chu được đánh giá là một trong những HTX hoạt động có hiệu quả. Ngành nghề kinh doanh chính của HTX là chế biến gỗ. Từ khi đi vào hoạt động, HTX đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 – 20 lao động tại địa phương.

Anh Ngô Văn Phòng, thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu chia sẻ: Từ khi HTX thành lập, anh cùng một số bà con trong thôn đã được nhận vào làm việc. Mọi người rất vui và phấn khởi vì có thu nhập ổn định, bình quân thu nhập từ 5 – 10 triệu đồng/tháng. Đối với nông dân như anh thì đây là khoản thu lớn, giúp gia đình có tiền trang trải trong cuộc sống.

Theo lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Chợ Mới, thời gian qua, các đơn vị dạy nghề của huyện, trong đó có các HTX, đã chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, giảm thời gian học lý thuyết và tăng thời lượng thực hành.

Nhiều HTX trên địa bàn vùng DTTS được thành lập đã và đang tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.

Nhiều HTX trên địa bàn vùng DTTS được thành lập đã và đang tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.

Hiệu quả của công tác dạy nghề theo nhu cầu thị trường, đặc biệt là sự kết nối đào tạo nghề giữa địa phương, HTX và doanh nghiệp đang góp phần giúp huyện Chợ Mới nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, có việc làm, thu nhập ổn định năm sau luôn cao hơn năm trước.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề vùng DTTS

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm là giải pháp căn bản để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS. Đây cũng là “chìa khóa” để các địa phương mở những nút thắt lâu nay trong việc thực hiện mục tiêu ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.

Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ, hiện cả nước có trên 100 nghìn hộ nghèo có người tham gia học nghề đã thoát nghèo (chiếm 24,3% tổng số người thuộc hộ nghèo tham gia học nghề), trên 165 nghìn hộ có người tham gia học nghề, có việc làm và thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương (trở thành hộ khá), chiếm 2,3% tổng số lao động nông thôn tham gia học nghề.

Tuy đạt được những kết quả nhất định, nhưng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động DTTS, còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Đáng chú ý là, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước.

Đơn cử như tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên có số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề thấp hơn các vùng khác. Trong khi đó, kinh phí Trung ương hỗ trợ bình quân cho các vùng này luôn bằng hoặc cao hơn mức hỗ trợ bình quân chung của các vùng khác trong cả nước.

Để khắc phục những hạn chế trên, các địa phương trên cả nước cần đồng lòng thực hiện đồng bộ các giải pháp, thực hiện có hiệu quả Luật Giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mở rộng các hình thức đào tạo, đào tạo lại, hướng đến xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, liên thông; Hệ thống chính sách hỗ trợ đào tạo cho các đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có nhu cầu đều có chương trình học, nơi đào tạo và được học nghề tại nhà trường, học tại doanh nghiệp, HTX, tại nơi làm việc, vừa làm vừa học, học trực tuyến, học từ xa, học liên tục, học suốt đời gắn với phong trào xây dựng xã hội học tập.

Đoàn Huyền

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/dao-tao-nghe-gan-voi-giai-quyet-viec-lam-o-vung-dong-bao-dtts-1093947.html