Đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động

Những năm qua, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động luôn được các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm, chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng và hiệu quả đào tạo. Trên địa bàn tỉnh hiện có 38 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Những năm qua, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động luôn được các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm, chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Học sinh Trung tâm hướng nghiệp kỹ thuật và Giáo dục thường xuyên huyện Trực Ninh trong giờ thực hành hàn điện.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 38 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 15 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 12 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở hiện đào tạo trên 110 ngành nghề với quy mô đào tạo bình quân 34 nghìn người/năm; trong đó các ngành, lĩnh vực: Nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 36,54%; Công nghiệp chiếm 39,82%; Thương mại - du lịch chiếm 23,64%. Ngoài ra có 9 cơ sở dạy nghề ngoài công lập với quy mô đào tạo hơn 4.000 người/năm, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, các cơ sở dạy nghề đã đổi mới công tác đào tạo, xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Trong đó, các đơn vị đã chủ động mở thêm các ngành nghề xã hội đang cần; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo và giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp; từng bước đào tạo nghề hướng vào phục vụ theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, nhất là khối các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đòi hỏi lao động trực tiếp, tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Đồng thời chú trọng đổi mới phương pháp đào tạo cho phù hợp với đối tượng người học, tăng cường các giờ giảng thực hành, tích hợp; tổ chức đưa học sinh, sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp nhằm giảm chi phí đào tạo, học sinh tiếp cận được với công nghệ, máy móc hiện đại. Chú trọng gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm thông qua hình thức hợp tác xây dựng chương trình đào tạo, nơi thực tập sản xuất cho học sinh, sinh viên, nhà giáo; tham gia vào quá trình giảng dạy, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên và hỗ trợ trang, thiết bị cho các cơ sở đào tạo và tuyển dụng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp… Trên địa bàn tỉnh bình quân mỗi năm có khoảng trên 60 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh thường xuyên phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho lao động và cam kết nhận học viên sau tốt nghiệp vào làm tại doanh nghiệp phù hợp với ngành, nghề được đào tạo, mức lương bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng. Tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm đạt từ 85-90%. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm ngay đạt trên 90%, có ngành nghề đạt 100%... Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh, tư vấn nghề cho người học được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ và có cam kết 3 bên giữa người học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ với từng địa phương để điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tích cực triển khai công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, dự báo việc làm và xác định cụ thể nhu cầu, ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn. Thông qua các chương trình đào tạo nghề phi nông nghiệp đã cung cấp nguồn lao động có tay nghề, kỹ thuật cho các khu, cụm công nghiệp, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo vùng. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 23 nghìn lao động nông thôn (trong đó năm 2020 là 1.940 người, bằng 62,5% kế hoạch). Số lao động đã hoàn thành nội dung khóa học và được cấp chứng chỉ đạt 21.132/23.082 người, chiếm 91,6% trong tổng số học viên tham gia học nghề, trong đó có 18.717 học viên là nữ (chiếm 88,6%). Sau đào tạo có 627 lao động được các doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất, dịch vụ tuyển dụng ngay; 20.505 lao động (chiếm 97%) tự tạo việc làm hoặc vận dụng tốt kiến thức được đào tạo vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp, ngành nghề, dịch vụ; tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản để tăng thu nhập; tham gia các nhóm, tổ, đội sản xuất hàng hóa. Nhiều lao động thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách sau khi được đào tạo nghề đã có việc làm và thu nhập giúp gia đình thoát nghèo. Trong quá trình triển khai các lớp dạy nghề, công tác kiểm tra, giám sát được các đơn vị, cơ sở đào tạo nghề thực hiện thường xuyên nên đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong công tác dạy nghề và quản lý dạy nghề của các cơ sở đào tạo, các địa phương. Nhiều danh mục nghề mới, nhất là nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quản lý trang trại và định mức hỗ trợ lao động nông thôn học nghề bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, chất lượng đào tạo. Các đơn vị đào tạo cũng kết hợp lồng ghép các mô hình khuyến nông, khuyến ngư, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các lớp dạy nghề nhằm tạo điều kiện cho các học viên vừa học vừa vận dụng làm mô hình thực tế. Đồng thời cập nhật kiến thức để cải tiến nội dung chương trình và chất lượng giáo trình dạy nghề ở tất cả các cơ sở dạy nghề.

Để tiếp tục tạo ra bước chuyển tích cực trong đào tạo nghề trong tình hình mới, các cấp, các ngành, đơn vị đào tạo cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và sự đồng hành của doanh nghiệp về phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Trong đó, việc gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp cần được đẩy mạnh với các hình thức hợp tác như: Cùng xây dựng chương trình đào tạo; tham gia vào quá trình giảng dạy; sắp xếp, bố trí nơi thực tập cho học sinh, sinh viên, nhà giáo; hỗ trợ trang, thiết bị cho các cơ sở đào tạo và tuyển dụng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp… Tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên cho lao động, bảo đảm thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Tăng cường cải tiến phương pháp giảng dạy, học thực hành, áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy và học nghề. Thực hiện tốt việc rà soát, đánh giá nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động trong xã hội, làm cơ sở xây dựng kế hoạch tuyển sinh và đào tạo đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi địa phương. Đối với công tác đào tạo nghề cho lao độngg nông thôn, huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và phổ biến các chế độ, chính sách đối với lao động học nghề; xác định rõ nội dung, hình thức tuyên truyền về vai trò, vị trí của công tác đào tạo nghề nông nghiệp nhằm giải quyết việc làm, giúp người lao động xác định rõ việc học nghề vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của mình, từ đó chủ động và tích cực tham gia học nghề để có cơ hội việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh làm giàu cho bản thân, gia đình, xã hội./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202109/dao-tao-nghe-gan-voi-nhu-cau-su-dung-lao-dong-2546659/