Đào tạo nghề phải nâng tầm chất lượng

Năm 2020, thành phố Hà Nội tiếp tục tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường lao động.

Ngày 25/12, tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020 do Bộ Lao động - Thương binh và xã hội tổ chức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã tham luận về công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.

Đào tạo nghề ở Trường cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Đào tạo nghề ở Trường cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

“Đối với Thủ đô Hà Nội, công tác đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ tìm, ổn định việc làm cho người lao động vẫn đang và sẽ là những mục tiêu hàng đầu, mục tiêu có mối quan hệ biện chứng không thể tách rời, vì dạy nghề không chỉ bảo đảm nhân lực lao động kỹ thuật cho nền kinh tế mà còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho người dân, giúp chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và nâng cao năng suất lao động”- Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý khẳng định.

Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố Hà Nội có 370 đơn vị trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó: Công lập là 123 cơ sở, ngoài công lập là 247 cơ sở. Trong năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh và đào tạo cho 205.000/205.000 người, đạt 100% kế hoạch năm (trong đó: trình độ cao đẳng là 28.700 người, trung cấp là 38.900 người; sơ cấp, dưới 03 tháng là 137.400 người với gần 15.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề).

Tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật cuối năm 2019 đạt 67,51% (trong đó, khu vực thành thị đạt 79,6; khu vực nông thôn đạt 54,77%). Thành phố giải quyết việc làm cho 192.000/154.00 lao động, đạt 124,6% kế hoạch năm. Tỷ lệ thất nghiệp chung của Thành phố giảm còn 1,7% (trong đó, khu vực thành thị là 2,22%, khu vực nông thôn là 1,16%).

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cho biết, nhằm phát triển nguồn lao động có trình độ chuyên môn, có năng lực nghề nghiệp, thành thạo kỹ năng đáp ứng ngay quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động, đồng thời để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, việc xây dựng và phát triển mô hình gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo địa chỉ sử dụng là một trong những giải pháp quan trọng đã được thành phố Hà Nội tích cực triển khai thực hiện với sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Năm 2017, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 15/3/2017 về việc thí điểm đào tạo gắn với doanh nghiệp của các trường dạy nghề công lập thuộc Thành phố, theo đó hàng năm Thành phố giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tích cực thực hiện công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cơ hội việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp.

Trong năm 2019, Thành phố đã có 538 doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tổ chức đào tạo với nhiều nội dung, hình thức liên kết, trong đó có 107 doanh nghiệp đặt hàng đào tạo và tuyển dụng 16.190 học sinh- sinh viên; 34.200 học sinh- sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp.

Tháng 5/2019 vừa qua, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tổ chức thành công hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động. Tại Hội nghị đã thu hút được hơn 5.000 học sinh, sinh viên tham gia, với 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia tư vấn tuyển sinh và trình diễn kỹ năng nghề, 24 doanh nghiệp tham gia ký kết hợp tác, 25 đơn vị tham gia tuyển dụng với hơn 1.000 chỉ tiêu lao động.

Tại Hội nghị, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp cũng tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho gần 2.000 học sinh các trường phổ thông nhằm tăng hiệu quả công tác phân luồng học sinh phổ thông vào học nghề, giúp các em hiểu và thay đổi tư duy, tâm lý “vào học đại học là con đường duy nhất để lập nghiệp”.

Đến nay, Hà Nội đã có 100% các cơ sở giáo dục công lập thuộc Thành phố thực hiện đào tạo gắn với doanh nghiệp và hầu hết học sinh-sinh viên ra trường đều có việc làm sau khi tốt nghiệp. Tỷ lệ học sinh-sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt 90%.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý cũng chỉ rõ, công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, phát triển thị trường lao động, thành phố Hà Nội hiện còn gặp một số khó khăn, nhất là đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn chưa thực sự gắn với đào tạo tại các doanh nghiệp, gắn với quy hoạch phát triển vùng chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng có dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới; chất lượng đào tạo chưa như mong muốn... nên tỷ lệ lao động được doanh nghiệp tuyển dụng sau học nghề còn thấp, không lâu dài.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý cho biết, để phát huy những kết quả đã đạt được và giải quyết, khắc phục khó khăn, tồn tại Hà Nội đang gặp phải trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, năm 2020, thành phố Hà Nội tiếp tục tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường lao động. Thành phố sẽ triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, chú trọng hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động; triển khai phương thức đặt hàng dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2017-2020 và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẵn sàng thực hiện cơ chế tự chủ từ năm 2021, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu lao động qua đào tạo cuối năm 2020 đạt từ 70-75% theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân Thành phố đã đề ra.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dao-tao-nghe-phai-nang-tam-chat-luong-101455.html