Đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên mới
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trở nên cấp bách. Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã mở các ngành học mới, gắn với yêu cầu thực tiễn của Thành phố Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên mới.

Đào tạo lao động tự động hóa tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong mùa tuyển sinh 2025, nhiều trường đại học tại thành phố đã công bố mở các ngành đào tạo mới theo mô hình đào tạo liên ngành, liên trường để đón xu hướng của thị trường lao động.
ĐÀO TẠO LIÊN NGÀNH, LIÊN TRƯỜNG
Từ mùa tuyển sinh năm nay, Trường đại học Khoa học Tự nhiên còn mở ngành Công nghệ giáo dục, đào tạo theo hình thức liên ngành, liên trường, đáp ứng yêu cầu của xã hội tri thức và phát triển bền vững.
Năm nay, lần đầu tại Việt Nam, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mở ngành Kinh tế đất đai bậc đại học, đánh dấu bước tiếp theo trong mô hình đào tạo liên ngành, liên trường nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngành học do Trường đại học Khoa học Tự nhiên chủ trì, phối hợp với Trường đại học Kinh tế-Luật tổ chức đào tạo, bắt đầu tuyển sinh từ năm 2025. Chương trình cung cấp kiến thức nền tảng về khoa học trái đất, kinh tế, pháp luật trong quản lý đất đai và bất động sản, cùng các môn chuyên sâu phục vụ phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Ngành này còn góp phần phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và giải quyết các vấn đề như đô thị hóa, phân bổ quyền sử dụng đất, tranh chấp đất đai...
Đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho nông nghiệp trong kỷ nguyên số, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vừa mở hai ngành đào tạo mới: Công nghệ nông nghiệp số và Kinh doanh nông nghiệp số. Đây là các ngành liên ngành, liên trường, nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp hiện đại. Ngành Công nghệ nông nghiệp số được đào tạo chính quy trong 4 năm, do Trường đại học An Giang phối hợp với Trường đại học Công nghệ Thông tin tổ chức. Ngành Kinh doanh nông nghiệp số do Trường đại học An Giang chủ trì, phối hợp với Trường đại học Kinh tế-Luật đào tạo.
Năm nay, Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh mở thêm các ngành đào tạo mới như Kinh doanh quốc tế và Tài chính-Ngân hàng. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Minh Trí, Trưởng khoa Quản trị, cho biết: trong bối cảnh kinh tế phát triển nhanh và hội nhập sâu rộng, nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực như kinh doanh quốc tế, quản trị tài chính công, thẩm định giá, quản trị tài sản… ngày càng tăng, trong khi nguồn lao động được đào tạo bài bản còn hạn chế. Việc mở thêm ngành sẽ tạo cơ hội nghề nghiệp lớn cho sinh viên theo đuổi các lĩnh vực này.
YÊU CẦU CẤP BÁCH
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo nguồn nhân lực cần thích ứng nhanh, đa kỹ năng và sẵn sàng học tập suốt đời.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cành (Trường đại học Kinh tế- Luật) cho rằng toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và đổi mới công nghệ đang diễn ra nhanh chóng, buộc lực lượng lao động phải liên tục nâng cao trình độ. “Học tập suốt đời” là yêu cầu thiết yếu để phát triển bền vững nguồn nhân lực, đáp ứng các thay đổi về công nghệ và kỹ năng trong kỷ nguyên mới.
Theo các chuyên gia, sau khi hợp nhất và hướng tới mục tiêu trở thành “siêu đô thị” tầm quốc tế, thành phố cần triển khai nhiều giải pháp chiến lược nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tiến sĩ Vũ Thị Mai Oanh (Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam-Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Thành phố đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nên nhu cầu nhân lực chất lượng cao sẽ ngày càng tăng. Để không bị động, cần nhanh chóng triển khai đồng bộ giải pháp nâng cao năng lực đào tạo, phục vụ cho các chương trình, dự án tái cơ cấu sắp tới. Thành phố cần hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho liên kết đào tạo trong và ngoài nước; tiếp tục thu hút nhân lực, nhân tài cho các lĩnh vực công nghệ lõi của kinh tế số mà hiện nay thành phố chưa đủ năng lực đào tạo.
Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất và chương trình đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học cần chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên, chuyên gia trong các ngành kinh tế số, công nghệ lõi. Đồng thời, cần bồi dưỡng giảng viên hiện có thông qua tập huấn, cập nhật kiến thức chuyên môn, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp giảng dạy hiện đại theo chuẩn quốc tế.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dao-tao-nguon-nhan-luc-trong-ky-nguyen-moi-post893685.html