Đào tạo nhân lực nghệ thuật biểu diễn gặp khó

Mục tiêu đến năm 2030 nước ta sẽ có 930 người được cử đi đào tạo để hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho văn hóa, nghệ thuật dường như đang là thách thức lớn với ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đặt câu hỏi về dẫn chứng, theo Báo cáo 136 của Bộ thì đến hết năm 2023, chỉ mới có 56 trường hợp trúng tuyển. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho các cơ sở đào tạo chuyên sâu về văn hóa nghệ thuật trong nước, khi mà lực lượng có chuyên môn và trình độ cao đang dần thưa vắng, có thể dẫn đến sự khủng hoảng về nhân lực trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận.

"Đề nghị Bộ trưởng đánh giá về tình hình thực hiện của đề án hiện nay ra sao và Bộ trưởng có những giải pháp gì để đạt được mục tiêu vào năm 2030?”, đại biểu Trình Lam Sinh đặt câu hỏi.

Các đại biểu đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Các đại biểu đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trình Lam Sinh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay: "Nguyên nhân là đối tượng rộng, đầu vào tuyển khó khăn về ngoại ngữ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tham mưu Thủ tướng sớm ban hành chỉ thị, hiện đang lấy ý kiến bộ, ngành và địa phương, với tinh thần tập trung phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh và bền vững. Hy vọng đến năm 2030, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đội ngũ văn nghệ sĩ, công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP như mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra”.

Bộ trưởng cũng khẳng định, để đạt được mục tiêu này, các giải pháp cần được tiến hành đồng bộ, trong đó du lịch văn hóa được coi là một trong những sản phẩm chiếm tỷ trọng nhiều hơn. Thời gian tới tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực, công nghiệp văn hóa, bởi nếu không đào tạo thì sẽ không thành công.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/dao-tao-nhan-luc-nghe-thuat-bieu-dien-gap-kho-241987.htm