Đào tạo nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật, thể thao: cần cơ chế đặc thù
Sau 4 năm thực hiện Luật giáo dục nghề nghiệp, những thực tế đặt ra đòi hỏi có cơ chế đào tạo đặc thù cho lĩnh vực năng khiếu nghệ thuật, thể dục thể thao.
Bất cập 1 trường 3 Bộ quản lý
Bộ VHTTDL quản lý trực tiếp 28 cơ sở đào tạo, trong đó có 16 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật (VHNT) gồm 11 trường đại học, 1 học viện, 1 viện nghiên cứu, 3 trường cao đẳng và 2 trường trung cấp; 4 cơ sở đào tạo thể dục thể thao và 8 cơ sở đào tạo du lịch. Các cơ sở đào tạo trình độ đại học thực hiện theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; các cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp thực hiện theo các quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Như vậy, một trường Đại học có đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp, sẽ phải thực hiện theo quy định của ba Bộ.
Theo Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL), khi hai Bộ (GD&ĐT, LĐTBXH) cùng quản lý nhà nước đối với 1 cơ sở giáo dục (như Học viện Âm nhạc quốc gia, Học viện Âm nhạc Huế, NHạc Viện TP HCM, Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội, Đại học Sân khấu- Điện ảnh TP HCM) dễ dẫn tới sự chồng chéo về thực hiện chính sách và các quy định về quy trình đào tạo; chương trình đào tạo; mục tiêu đào tạo; chuẩn đầu ra; về đội ngũ giảng viên, giáo viên; chế độ làm việc, chế độ chính sách ưu đãi đối với giảng viên, sinh viên, học sinh; việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh; vấn đề đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp… Bên cạnh đó còn có vấn đề về tổ chức hoạt động, quản lý của Nhà trường chưa được rõ theo sự điều chỉnh đồng thời của các Luật: Giáo dục Đại học và Giáo dục nghề nghiệp.
Năm học 2018 - 2019, các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL được giao trên 16.600 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển sinh được hơn 13.600 thí sinh, chiếm 82%. Trong đó, ngành du lịch khả quan nhất với 105%, khối VHNT đạt 74%, khối ngành TDTT thấp nhất với 52%. Dự báo là công tác tuyển sinh năm 2019 đối với các cơ sở VHNT và TDTT sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm 2018, vì đều là các trường thuộc nhóm ít được thí sinh và phụ huynh quan tâm.
Theo nhiều chuyên gia, lĩnh vực đào tạo VHNT, TDTT đang gặp nhiều khó khăn bởi áp dụng quy định theo Luật giáo dục nghề nghiệp hiện nay, không có đặc thù cho lĩnh vực này.
Những bất cập được chỉ ra như Quy định về thời gian tổ chức đào tạo đối với các lĩnh vực đào tạo năng khiếu; Vấn đề đồng thời tổ chức đào tạo bậc đại học và các bậc thấp hơn trong lĩnh vực nghệ thuật, triển khai cấp giấy phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với cơ sở giáo dục đại học có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Quy định về giảng dạy và chế độ đối với giáo viên, giảng viên tham gia giảng dạy cả hai cấp học…
Đơn cử như trong công tác tuyển sinh. Với các trường đào tạo năng khiếu nghệ thuật, thể dục thể thao, việc tuyển sinh có đặc thù riêng. Các trường luôn song song tồn tại hai bộ môn tuyển sinh là văn hóa và năng khiếu. Bộ môn văn hóa có thể áp dụng thi tuyển theo quy định hiện hành, còn với các môn năng khiếu phụ thuộc vào từng trường, thậm chí, trong một trường, tùy thuộc vào từng chuyên ngành đào tạo, yêu cầu cũng khác nhau.
Cần cơ chế đặc thù
Ông Hoàng Minh Khánh- Hiệu trưởng trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho biết: "Quy mô và hình thức đào tạo của chuyên ngành nghệ thuật rất đặc thù, không thể áp dụng đại trà như với các cơ sở đào tạo nghề khác. Như với chúng tôi, mỗi năm chỉ tiêu chỉ tuyển sinh 35 em; trong khi các cơ sở đào tạo nghề khác phải 300- 400 chỉ tiêu. Nhưng để tuyển được 35 chỉ tiêu này, chúng tôi cũng rất khó khăn, phải đi hết cả miền Bắc, đến từng trường tìm nguồn. Việc đầu tư cho trang thiết bị cũng đặc thù. Mỗi thể loại một trang thiết bị khác nhau, thậm chí, mỗi chiều cao, cân nặng của từng học viên mà dụng cụ học tập phải được làm riêng, phù hợp với mỗi học viên. Khát khao sau 68 năm thành lập chúng tôi muốn xây dựng đề án thành lập trường Cao đẳng nhưng căn cứ vào quy chuẩn vào diện tích như quy định thì không bao giờ có thể làm được. Nếu không đặc thù như thế này thì rất khó cho nhà trường".
Lĩnh vực năng khiếu nghệ thuật cũng có hình thức đào tạo đặc thù, khác với lĩnh vực đào tạo đại trà. Đối với các ngành, lĩnh vực khác, một thầy lên lớp có thể dạy hàng trăm trò, còn đào tạo nghệ thuật cần phải chia thành những lớp nhỏ lẻ, cả buổi học 1 thầy, thậm chí 2-3 thầy dạy 1 trò. Ví dụ trong đào tạo thanh nhạc, 1 thầy dạy chuyên môn, 1 thầy đệm đàn, 1 thầy dạy các môn kiến thức đại cương và cơ sở ngành…
Ông Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh HN chia sẻ: "Cần cân nhắc sửa đổi Luật giáo dục nghề nghiệp trong đó coi trọng tính đặc thù của đào tạo VHNT, TDTT. Ví dụ về thời gian đào tạo. Với từng bộ môn, chúng tôi có những thời gian đào tạo khác nhau, không phải quy đinh cứng 3 năm trung cấp, 4 năm Đại học… Ví dụ, diễn viên Cải lương có thể học 3 năm nhưng với Tuồng lại không thể đào tạo 3 năm được".
Ông Nguyễn Đình Thi chia sẻ thêm: "Bản thân các chuyên ngành đã khác nhau rồi. Chúng tôi mong muốn trong những văn bản hướng dẫn quy định, nên để các trường tự xác định thời gian, không nên áp quy định cứng".
Bên cạnh đó, việc đòi hỏi giáo viên phải có bằng cấp trong môi trường đào tạo VHNT cũng khó khăn. Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, không thể đòi hỏi người dạy phải có học hàm, học vị đối với các giảng viên là NSND, NSƯT. Nếu thực hiện theo quy định cứng là không cho đào tạo sơ cấp, trung cấp thì chẳng khác nào "giết chết" nghệ thuật. Việc quy định chi tiết đào tạo năng khiếu nghệ thuật, thể thao... phải do Bộ VHTTDL đề ra.
Trong cuộc làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc xây dựng chính sách pháp luật giáo dục nghề nghiệp đối với lĩnh vực đặc thù, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông khẳng định: Nếu không có cơ chế đặc thù đối với đào tạo ngành năng khiếu nghệ thuật thì sẽ không vực dậy được lĩnh vực này. Kéo theo đó là nguy cơ mất nguồn nhân lực và không bảo tồn, phát huy được nghệ thuật truyền thống dân tộc./.