Đào tạo sinh viên sư phạm ra trường phải tiếp cận ngay được Chương trình mới
Chiều 9/3, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm, làm việc với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.
Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Bộ trưởng và đoàn công tác đã đi thăm cơ sở vật chất của nhà trường, thư viện, khu giảng đường, nhà thí nghiệm - thực hành, viện nghiên cứu... và trò chuyện với giảng viên, sinh viên về tình hình giảng dạy, học tập.
Truyền thống 55 năm đào tạo sư phạm
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 là đơn vị có truyền thống đào tạo giáo viên sư phạm - 1 trong 16 trường đại học có tên sư phạm, giáo dục của cả nước; 1 trong 7 trường chủ chốt được ưu tiên đầu tư, tham gia các dự án liên quan đến đào tạo sư phạm và các dự án nâng cao năng lực đội ngũ, cơ sở vật chất khác.
Với 13 khoa/viện đào tạo, 1 bộ môn trực thuộc, 2 viện nghiên cứu, 3 trung tâm, 10 phòng ban chức năng, đơn vị phục đào tạo, hiện Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đã triển khai đào tạo tất cả các trình độ từ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ. Cùng với đó, nhà trường đã chủ động thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để triển khai Chương trình GDPT 2018 theo kế hoạch và các chương trình dự án của Bộ GD&ĐT.
Đội ngũ giảng viên của nhà trường có 53,16% là tiến sĩ, cao hơn khá nhiều so với tỷ lệ trung bình trong hệ thống nói chung và 15 trường có tên sư phạm nói riêng (tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ của Trường cao thứ 2 trong số tổng số 15 trường có tên sư phạm).
PGS.TS Nguyễn Quang Huy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đang đào tạo 19 ngành trình độ ĐH (3 chương trình đào tạo thí điểm dạy học chuyên ngành bằng tiếng Anh); 18 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ; 5 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ (trong đó chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Toán giải tích được tham gia đào tạo theo Đề án 89 của Bộ GD&ĐT).
Trong suốt 55 năm qua, nhà trường đã đào tạo trên 40 nghìn cử nhân hệ chính quy; gần 5.000 thạc sĩ; gần 50 tiến sĩ đã cấp bằng, trong đó đào tạo tiến sĩ cho giảng viên một số trường ĐH lớn như Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Huế, Trường ĐH công nghiệp Hà Nội,…
Đồng hành cùng Bộ GD&ĐT trong thực hiện Nghị quyết 29 và triển khai Chương trình GDPT 2018, nhà trường đã bồi dưỡng cho khoảng 3.000 giáo viên phổ thông cốt cán và gần 1.000 tổ trưởng chuyên môn của 6 tỉnh Tây Bắc và 9 tỉnh Tây Nam Bộ; bồi dưỡng, hỗ trợ bồi dưỡng thường xuyên cho gần 80.000 giáo viên trên các tỉnh thành của cả nước.
Đối với các môn học tích hợp như Tin học - Công nghệ (tiểu học), Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lí (THCS), nhà trường đã xây dựng các bộ tài liệu, bài giảng từ chương trình khung của Bộ và tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên một số tỉnh như Lai Châu, Hải Dương, Thái Nguyên…
Mỗi năm, hàng trăm lượt lượt giảng viên của nhà trường đã đồng hành cùng Bộ GD&ĐT trong xây dựng tài liệu, thẩm định tài liệu, viết sách giáo khoa và tham gia làm báo cáo viên cho các chương trình bồi dưỡng liên quan đến Chương trình GDPT 2018.
Nhà trường đồng thời đã tổ chức các đợt tập huấn về thực hiện Chương trình GDPT 2018 cho giảng viên của các trường: ĐH Hồng Đức, ĐH Hùng Vương, CĐ Yên Bái, CĐ Lào Cai, CĐ Hà Giang…
Về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế, theo PGS.TS Nguyễn Quang Huy, trong những năm gần đây, số bài báo quốc tế trong danh mục ISI/SCOPUS của Trường tăng nhanh. Nhà trường bước đầu thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, đạt tiêu chuẩn HACCP. Kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục đã được áp dụng vào giảng dạy và phát triển chương trình đào tạo…
Về đảm bảo chất lượng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đã hoàn thành quy trình kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục chu kỳ 2. Tất cả các chương trình đào tạo cử nhân sư phạm của Trường được tự đánh giá và triển khai cải tiến chất lượng. 11/13 chương trình đào tạo cử nhân sư phạm được công nhận đạt chuẩn chất lượng; 2 chương trình đã được chứng nhận đối sánh UPM. Tuy nhiên, nhà trường chưa có chương trình đào tạo được đánh giá theo chuẩn quốc tế, văn hóa chất lượng mới từng bước được hình thành.
Ngoài các hoạt động trên, nhà trường cũng tích cực tổ chức các hoạt động phục vụ cộng đồng.
PGS.TS Nguyễn Quang Huy cho biết: Hiện nay Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã tổng kết việc thực hiện Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2017-2022, tầm nhìn đến năm 2030. Trường đang hoàn thiện Kế hoạch chiến lược về phát triển giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn 2045. Theo đó, nhà trường định hướng phát triển theo hướng đào tạo đa ngành, lấy các ngành đào tạo giáo viên làm nòng cốt.
Chia sẻ kiến nghị, đề xuất, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 mong muốn Bộ GD&ĐT ưu tiên giúp đỡ 3 vấn đề chính: Ủng hộ chủ trương Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 phát triển đa ngành, trong đó lấy các ngành đào tạo giáo viên làm nòng cốt; hỗ trợ nhà trường kết nối, đóng góp vào sự phát triển khu vực trung du và miền núi phía Bắc (đặc biệt là Cụm Trung - Bắc); hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất của nhà trường.
Phải lấy tư duy phát triển của ngành làm tư duy phát triển cho mình
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đã chia sẻ, làm rõ hơn những nỗ lực, kết quả, điểm khác biệt của nhà trường; cùng với đó là nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất. Trao đổi lại, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, đại diện các cục, vụ của Bộ GD&ĐT đều có những nhận định tích cực về kết quả Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đã đạt được; đồng thời trao đổi, nhấn mạnh một số vấn đề mong muốn nhà trường cần lưu ý, quan tâm hơn trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận những đóng góp lớn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 trong sự phát triển chung của ngành, đặc biệt trong triển khai đổi mới giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng đánh giá, nhà trường đã khẳng định được vị trí khá quan trọng trong hệ thống các trường ĐH sư phạm trên cả nước, thuộc nhóm 5-7 trường sư phạm hàng đầu. Kết quả nghiên cứu khoa học được áp dụng, số bài báo quốc tế tăng nhanh cũng là điều đáng ghi nhận.
“Tuy nhiên, từ phía mong muốn của Bộ và đòi hỏi của nền giáo dục nước nhà, yêu cầu nhà trường cần phải làm nhiều hơn thế” - chia sẻ điều này, Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò, vị trí hết sức quan trọng của các trường sư phạm trong đổi mới giáo dục, đặc biệt là đổi mới giáo dục phổ thông.
Giáo dục phổ thông đang đổi mới từng ngày và quyết định đến sự đổi mới này, một phần rất quan trọng nằm ở các trường sư phạm. Tuy nhiên, sự tham gia của các trường sư phạm vào việc này vẫn còn rất “vừa phải” và trên thực tế, tốc độ đổi mới GDPT đang diễn ra nhanh hơn sự chuẩn bị và sẵn sàng của các trường sư phạm.
“Toàn ngành đang triển khai đổi mới căn bản, toàn diện. Trong đó, giải pháp của mọi giải pháp, trọng tâm của mọi trọng tâm, nền tảng của mọi nền tảng là xây dựng, phát triển lực lượng nhà giáo đủ về số lượng, bảo đảm cơ cấu và chất lượng ngày càng được nâng cao. Lấy việc đổi mới đội ngũ làm điểm xuất phát, làm căn cứ, điều kiện cho các đổi mới khác trong giáo dục. Các trường sư phạm tham gia vào xây dựng lực lượng này, do đó có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển ngành, trong triển khai đổi mới giáo dục” - nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng cho rằng, trong tư duy phát triển, các trường ĐH nói chung phải nhìn rộng nhất ra tầm thế giới, nhân loại, lấy nhu cầu phát triển đất nước, xã hội, con người làm định vị và nhận đường trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy.
Nhưng, trường sư phạm ngoài tầm nhìn ấy còn phải lấy tư duy phát triển của ngành làm tư duy phát triển cho mình; lấy nhịp đổi mới giáo dục làm nhịp đổi mới cho mình; lấy cơ hội, thách thức đổi mới của giáo dục làm cơ hội, thách thức cho mình.
Bên cạnh vấn đề chung với các trường sư phạm, tại buổi làm việc, Bộ trưởng đồng thời đưa ra những chỉ đạo, định hướng cốt lõi mà Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cần lưu ý, phát triển trong thời gian tới. Ví dụ như trong khẩu hiệu cần nhấn mạnh vào tính mẫu mực, tính “sư” và tính “phạm”. Về sứ mạng, bằng hoạt động nghiên cứu, đào tạo phải góp phần và tham gia vào việc đổi mới giáo dục của Việt Nam…
Đưa ra gợi ý về mô hình đào tạo giáo viên, Bộ trưởng yêu cầu nhà trường tiếp tục nghiên cứu, suy nghĩ để lựa chọn mô hình phù hợp - việc này sẽ quyết định mô hình của nhà trường trong tương lai. Cùng với đó, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cần rà soát, điều chỉnh chiến lược phát triển, lựa chọn mô hình phát triển cho chính mình. Nếu hợp lý, Bộ GD&ĐT hoàn toàn ủng hộ để trường có được sự phát triển bền vững. Trong chiến lược phải có nhiệm vụ phát triển đội ngũ và phải đặt thành vấn đề trọng tâm trong phát triển trường thời gian tới.
“Làm sao đào tạo sinh viên sư phạm ra trường phải tiếp cận ngay được với Chương trình GDPT 2018; phải trang bị cho sinh viên năng lực sư phạm để truyền tải được chương trình mới, không được để sinh viên sư phạm ra trường nhưng vẫn theo cách tiếp cận cũ, vẫn phải tập huấn lại”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài điều chỉnh chiến lược, Trường cần quy hoạch lại cơ sở vật chất, trường lớp; rà soát lại các quy chế, quy định nội bộ, trong đó có cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân lực…
Một số công việc cụ thể cũng được Bộ trưởng đặt hàng với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2. Trong đó có tăng cường tập huấn giáo viên triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, tập huấn phải hàng năm, thường xuyên, lan tỏa. Đồng thời, tham gia khảo sát hiệu quả thực tế của nhóm giáo viên cốt cán không do trường tập huấn. Tham gia khảo sát, đánh giá để bắt nhịp diễn biến triển khai chương trình mới, từ đó có thể điều chỉnh chính sách phù hợp…