Đạo và Đời

Lễ Vu Lan (ngày rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, xuất phát từ sự tích Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, tinh thần hiếu đạo của Phật giáo đã gặp đạo đức hiếu kính cha mẹ của người Việt.

Lễ Vu lan có sức cộng hưởng và lan tỏa, trở thành ngày lễ hằng năm của cả đạo và đời, nhằm tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên, nhắc nhở mỗi người biết thể hiện tình yêu và lòng biết ơn. Trước những biến động của cuộc sống và sự thay đổi tâm lý của một bộ phận giới trẻ, bài học về lòng biết ơn, sự tri ân, và giá trị tín ngưỡng của ngày lễ Vu Lan đã được nhắc tới nhiều hơn.

Trong không gian vừa trang nghiêm vừa gần gũi, khoảng cách của Phật giáo và đời sống dường như ngắn lại…

Hoa hồng là biểu tượng của tình yêu và sự cao quý. Nghi thức bông hồng cài áo là sự tri ân của những đứa con với đấng sinh thành đã khuất và là lời chúc may mắn gửi tới những ông bố, bà mẹ còn đang hiện hữu.

Lễ Vu Lan đã có mặt ở Việt Nam từ rất sớm. Sự tồn tại lâu dài và ngày càng nhân rộng cho thấy sức lan tỏa của ngày lễ Phật giáo quan trọng này. Trong tuần Vu Lan, người ta nghĩ đến cha mẹ nhiều hơn, nghĩ đến người đã khuất, những nhân vật khổ hạnh xung quanh mình và hối thúc con người làm việc thiện. Một tinh thần nhân văn được lan tỏa từ chính tư tưởng của Phật giáo.

Cuộc sống hôm nay gấp gáp, nhiều thay đổi, kéo theo những đổi thay trong nhận thức và tâm lý của giới trẻ. Sự vô cảm của một bộ phận không nhỏ người trẻ đã khiến nhiều người lo lắng. Đó là sự manh động, thờ ơ với công sinh thành của cha mẹ, công dưỡng dục của thầy cô giáo, thiếu trách nhiệm với gia đình và xã hội. Ngày lễ Vu Lan không chỉ nhắc nhớ giới trẻ về đức hiếu lễ và lòng biết ơn với cha mẹ, thầy cô mà còn giúp giới trẻ sống chậm lại, biết yêu thương con người nhiều hơn.

Tuy nhiên, một ngày Vu Lan, một tuần Vu Lan, thậm chí là một mùa Vu Lan dường như vẫn là chưa đủ, điều quan trọng là làm thế nào để một thực hành mang tính biểu trưng của Phật giáo trở thành một biểu tượng xã hội, một bài học được thực hành sống động ngay trong nhà trường và gia đình? Làm thế nào để hiếu lễ, tri ân không chỉ là một giá trị của tín ngưỡng cần được lưu giữ, mà trở thành một đạo đức xã hội phổ biến, một nề nếp văn hóa thường ngày của cộng đồng?

Sự hiếu lễ thực chất là sự thiện lương sẵn có của con người, chỉ có điều nó có được nuôi dưỡng thường xuyên, có môi trường để cho nó được phát triển hay không. Lễ Vu Lan là câu chuyện không chỉ dành để nói với người trẻ, đại lễ Vu Lan phải được hiểu với ý nghĩa rộng hơn, đó là sự chung tay để lan tỏa một ý thức xã hội, một tinh thần đền ơn đáp nghĩa: Tri ân cha mẹ sinh thành; thầy cô giáo dạy dỗ, tri ân các bậc tiền bối đã dựng xây đất nước, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập của dân tộc…

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Linh Thu - Minh Chiến

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/dao-va-doi-232835.htm