'Đạo văn' - sự thách thức liêm chính học thuật

L.T.S: Sau ba bài viết liên quan đến liêm chính khoa học đăng trên các số báo phát hành từ ngày 08 đến 10/11 vừa qua, Chuyên đề Công an TPHCM xin khép lại những ý kiến với cách nhìn đa chiều lần này bằng bài viết của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công về 'đạo văn'.

Theo các nguyên tắc của đạo đức khoa học, sự trung thực là điều cơ bản nhất, thể hiện ở toàn bộ các bước của một công trình nghiên cứu và nội dung quan trọng khác là tính chính trực, đặc biệt là cấm các hành vi "đạo văn". Tại Việt Nam, "đạo văn" đã trở thành vấn nạn trong môi trường học thuật, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vấn đề này hiện đang được xã hội quan tâm...

Chữ Hán (đạo), cổ văn vẽ hình người đang nhỏ nước dãi, cúi nhìn cái liễn đựng thức ăn vẻ thèm muốn, nghĩa gốc là "trộm cắp"(*). Theo Thuyết văn giải tự: (đạo - tư lợi vật dã) (đạo có nghĩa là lấy vật làm lợi riêng). Hán - Việt từ điển của Đào Duy Anh giải nghĩa: "Đạo (): Lấy trộm của người. Lấy cái vật mình không đáng được lấy". Hán - Việt tự điển của Thiều Chửu giải thích: "Đạo (): Ăn trộm ăn cắp, cái gì không phải của mình mà mình lấy đều gọi là đạo cả”...

Vậy "đạo văn" hiểu đúng theo nghĩa đối dịch là "ăn cắp văn của người khác".

Có thể nói "đạo văn" là "ngón nghề" xuất hiện khá muộn ở Việt Nam. Xưa kia, các cụ làm sách lưu truyền hậu thế chủ yếu bằng chép tay hay khắc in ở các cơ sở tư nhân, không ai chứng nhận tác quyền. Thế mà chẳng ai sao chép, trộm cắp của ai. Ngược lại, lịch sử văn học Việt Nam để lại khá nhiều tác phẩm khuyết danh (vô danh thị). Một số tác phẩm giá trị gây tranh cãi về tác giả, nhưng đều do nguyên nhân khách quan. Mấy ngàn năm chế độ phong kiến cho tới gần trọn thế kỷ XX, khái niệm "đạo văn" dường như hãy còn "xa lạ, hãn hữu" với môi trường văn chương, học thuật dựa trên nền tảng tài năng, ý thức sáng tạo và lòng tự trọng của người cầm bút (xin chớ lầm sự vay mượn, vận dụng điển cố, điển tích tài tình, có sáng tạo của người xưa với nghĩa của hành vi "đạo văn" tràn lan hiện nay).

Từ điển thường đi sau thực tế ngôn ngữ đời sống một bước. Nhưng những gì các nhà biên soạn thu thập và giải nghĩa chính là con dấu xác nhận cho vấn đề nào đó từng tồn tại, diễn ra trong xã hội đương thời. Các cuốn từ điển tiếng Việt tên tuổi xuất bản ở Việt Nam trước năm 1945 (như Từ điển Việt - Bồ - La (A.D.Rhodes), Đại Nam quấc âm tự vị (Hùinh Tịnh Paulus Của), Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến Đức), Hán - Việt từ điển (Đào Duy Anh...) thu thập rất nhiều loại "đạo": thâu đạo, án (ăn) tlộm (trộm) (người ăn trộm), đạo chích (kẻ trộm), đạo tặc (trộm cắp, giặc giã), đạo kiếp (trộm và cướp), đạo đồ (bạn trộm cắp), đạo táng (chôn trộm, chôn giấu vào chỗ đất cấm), đạo danh (ăn cắp tên người làm tên của mình)... Chủ yếu là "đạo" của cải vật chất và không thấy có từ "đạo văn".

Trường thi Nam Định năm 1897 (ảnh: manhhai)

Trường thi Nam Định năm 1897 (ảnh: manhhai)

Riêng Hán - Việt từ điển (Đào Duy Anh, xuất bản lần đầu năm 1932) có từ "đạo thi" giảng theo nghĩa hẹp: "Dùng trộm câu thơ của kẻ khác". Sau Đào Duy Anh có Từ điển Việt Nam (Thanh Nghị - Vĩnh Bảo, Sài Gòn 1951): "Đạo văn (đt) đánh cắp văn"; Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức (cũng xuất bản ở Sài Gòn trước 1975): "Đạo văn (đt) Chép văn của người khác làm văn của mình". Tuy nhiên, ở miền Bắc, các cuốn từ điển ấn hành những năm 1968, 1995 đến 1998 - 2000 vẫn chưa thấy từ "đạo văn" xuất hiện.

Xã hội phát triển, thời đại Internet, các loại sách báo, tạp chí, loại hình xuất bản bung ra, "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng". Nhiều tài năng sáng tạo xuất hiện, nhưng thành phần bất tài, lưu manh chữ nghĩa ăn theo cũng không ít.

Năm 2000, Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) tái bản, lần đầu tiên thu thập từ "đạo văn", nhưng kèm lời chú "ít dùng" và giảng theo nghĩa hẹp: "Đạo văn đg (id) Lấy hoặc căn bản lấy sáng tác văn học của người khác làm của mình".

Tuy nhiên, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, từ "đạo văn" được hầu hết các cuốn từ điển tiếng Việt ghi nhận. "Đạo văn" đã trở thành từ thông dụng xuất hiện trên báo chí, ngôn ngữ đời sống hàng ngày. Thậm chí "đạo văn" còn trở thành vấn đề nhức nhối của văn chương, học thuật.

Từ điển tiếng Việt xuất bản năm 2005 (Nguyễn Kim Thản - Nguyễn Đức Dương - Hồ Hải Thụy): "Đạo văn: Lấy cắp lời văn từ tác phẩm (đã công bố) của tác giả để đưa vào sáng tác của bản thân: Lên án gay gắt thói đạo văn". Ở đây, nhà biên soạn đã mạnh dạn dùng từ "lấy cắp" để chỉ thẳng bản chất vấn đề. Tuy nhiên "chép văn", "lấy sáng tác văn học" hay "lấy cắp lời văn" đều mới chỉ nghĩa hẹp của "đạo văn". Bởi thế, lần tái bản năm 2007, Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) đã lược bỏ giới hạn loại hình "văn học" để giảng nghĩa rộng hơn: "Đạo: Lấy hoặc căn bản lấy sáng tác của người khác làm thành của mình: đạo văn, đạo thơ, đạo nhạc". Thế nhưng, cố gắng cập nhật của các nhà biên soạn từ điển dường như vẫn không theo kịp tốc độ phát sinh của các loại "đạo" trong thời buổi loạn sách báo, các loại hình xuất bản.

"Đạo luận án" có thể xếp vào hàng "đại bợm", sẵn sàng bê nguyên xi hàng chục trang viết của người khác (đa số các công trình này đều "xếp kho" sau khi bảo vệ xong nên rất ít khi bị phát hiện). "Đạo nhạc" ưa hành nghề ở phương xa, "cuỗm đồ” của người ngoại quốc về "lắp ghép" (chỉ đến khi có người tình cờ nghe ca khúc ngoại quốc mới phát hiện ra). "Đạo thơ” có khi là ý tứ, cảm xúc, một vài từ, vài câu, cho đến cả khổ thơ, bài thơ rồi ung dung đem in báo, dự thi, thậm chí... đem tặng! "Đạo báo", xào xáo tin tức diễn ra thường ngày ở nhiều cấp độ. "Đạo ý tưởng" tinh vi và khó bề kiểm soát... Thời buổi Internet, báo mạng phát triển, trở thành mảnh đất lý tưởng cho "đạo văn" hành hoành. Chỉ cần vài cái "nhấp chuột", kẻ "đạo văn" đã biến sản phẩm trí tuệ của người khác thành của mình, không mất chút mồ hôi, công sức. Hai tiếng "đạo văn" trở thành nỗi ám ảnh của những người cầm bút sáng tạo.

Người xưa thật tài tình, tinh tế khi dùng hình ảnh một người nhỏ nước dãi thèm muốn vào cái liễn đựng thức ăn để làm nghĩa biểu đạt hành vi "đạo". Thực tế, hành vi trộm cắp dù là của cải vật chất hay sản phẩm trí tuệ đều có chung một điểm giống nhau: nhòm ngó, thèm thuồng và cuối cùng không cưỡng nổi ý đồ chiếm đoạt cái của người khác làm của mình. Bởi vậy, có thể nói trên đời có bao nhiêu loại trộm cắp thì trong văn chương, học thuật cũng có bấy nhiêu loại "đạo"!

Người "đạo" một cách kín đáo, kẻ lại cực kỳ manh động. Có "đạo" thuộc hàng "đại bợm" (bê nguyên văn), có loại chỉ "ăn cắp vặt" (lấy từng đoạn, từng ý). "Đạo" theo kiểu "Đói ăn vụng, túng làm càn" có; đạo để "làm giàu" danh vị, "mở mày mở mặt" với thiên hạ cũng không ít. Điều đáng nói, phần lớn các vụ "trọng án" lại chỉ được "lật tẩy" một cách tình cờ tựa như cách "phát lộ" một di chỉ khảo cổ vậy.

Ở các nước phát triển, tội "đạo văn" (tiếng Anh: Plagiarism) có thể bị đuổi học, phạt tiền, truy tố, tiêu tan sự nghiệp. Có thể lấy ví dụ ở Mỹ: Với sinh viên "đạo văn": nhẹ thì bị trừ điểm, đánh trượt, tạm đình chỉ việc học; nặng sẽ bị buộc thôi học, ghi vào hồ sơ lý lịch, học bạ như một vi phạm nặng về đạo đức. Nếu đang làm việc sẽ bị giáng chức, nặng hơn là sa thải và khó có cơ hội tìm việc làm nơi khác. Tên tuổi người vi phạm sẽ bị thông báo rộng rãi trong giới học thuật, khiến cơ hội công bố các công trình nghiên cứu hầu như khép lại. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng và bị kiện (ăn cắp công nghệ, sáng tạo), người vi phạm có thể sẽ bị xử theo tội danh hình sự. Với một sản phẩm sáng tạo, điều trước tiên người ta phải nhờ đến hệ thống dịch vụ kiểm tra để phát hiện hoặc giúp người cầm bút chuyên nghiệp tránh xa hai chữ "đạo văn", dù vô tình hay cố ý.

Trông người lại ngẫm đến ta. Nạn "đạo văn" diễn ra tràn lan thời gian qua có nguyên nhân không nhỏ đó là luật pháp không nghiêm, thiếu quy định cụ thể. Những trường hợp bị thu hồi văn bằng, giải thưởng hoặc kỷ luật, đuổi việc ở Việt Nam rất hãn hữu. Phần lớn người "đạo văn" (hoặc cơ quan báo chí đăng bài) chọn giải pháp im lặng, bao che người vi phạm. Nếu làm gắt thì đưa ra lời xin lỗi. Những trường hợp xin "nộp" lại tiền thưởng, nhuận bút, kèm lời xin lỗi, tác giả coi như đã "lịch sự" lắm rồi! Trong tình hình nhộn nhạo, "khổ chủ” đành xem như "công lý” đã được "thực thi".

Dường như "đạo văn" thật dễ dàng và vô tội! Bởi thế, có kẻ học hàm, học vị tới giáo sư, tiến sĩ, viện trưởng một viện nghiên cứu nhiều lần "đạo văn" mà vẫn bình an vô sự! Trên báo chí thì có hẳn lực lượng cầm bút trẻ, chuyên "dạo chơi" trên mạng, sục sạo vào các trang báo địa phương, nhìn ngó các trang blog, Facebook cá nhân, thấy gì "ưng mắt" là "chôm" ngay tức khắc.

Có lẽ hành vi trộm cắp đầu tiên của con người đơn giản chỉ là miếng ăn, sau đó mới đến của cải vật chất; cuối cùng và "cao cấp" hơn cả là ăn cắp trí tuệ! Tuy nhiên, xét bản chất hành vi thì ăn cắp trí tuệ đáng phê phán và đáng hổ thẹn nhất. Bởi những người "đạo văn" đều có chữ, được học hành, giáo dục tử tế, đáng ra phải là lực lượng trí thức sáng tạo của đất nước, vậy mà họ lại trộm cắp trí tuệ, giết chết văn chương, học thuật sáng tạo - học theo cái nghề thượng cổ vốn là vụng trộm miếng ăn, miếng uống của kẻ "bần cùng sinh đạo tặc"!

Tục ngữ có câu "Gái đĩ già mồm, kẻ trộm lắm gan". Tuy mức độ manh động khác nhau, nhưng có thể nói "gan" kẻ "đạo văn" to hơn gan kẻ trộm nhiều. Bởi xưa nay, có đạo chích, đại bợm nào sau khi đột nhập lại dám để lại tên tuổi, địa chỉ đàng hoàng như kẻ "đạo văn"? Dường như kẻ "đạo văn" không tự thấy mình phạm tội ăn cắp và nhiều cơ quan báo chí cũng xem "trộm văn" là chuyện bình thường?

Nếu luật pháp và xã hội vẫn nương tay với thành phần lưu manh chữ nghĩa, chắc "thời" của hai chữ "đạo văn" vẫn sẽ còn dài dài..

-----------------------------------------

(*) "Tìm về cội nguồn chữ Hán" - Lý Lạc Nghị - Jim Waters - Nhà xuất bản Thế giới 1997.

Nhà nghiên cứu HOÀNG TUẤN CÔNG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/dao-van-su-thach-thuc-liem-chinh-hoc-thuat_155203.html