Đắp mặt nạ trái cây chưa hẳn đã 'lành tính' cần thận trọng
Nhiều chị em nghĩ rằng đắp mặt nạ trái cây rất tốt cho làn da tuy nhiên theo các chuyên gia thẩm mỹ, nên thận trọng khi sử dụng trái cây đắp mặt nạ.
Việc đắp mặt nạ, dưỡng da bằng trái cây được nhiều người ưa thích vì cách làm đẹp trở về với thiên nhiên này tránh được tác dụng phụ của hóa chất. Song, phẩm vật của thiên nhiên cũng không hoàn toàn lành tính như nhiều người nghĩ.
Da mặt mỗi người mỗi khác, có thể phân chia làm bốn loại: da khô, da nhờn, da hỗn hợp (bị nhờn vùng chữ T) và da nhạy cảm. Trái cây cũng có rất nhiều loại, nếu tạm phân loại chúng theo vị thì về cơ bản có ba loại: vị ngọt (chuối, dưa hấu, sữa chua có đường…), vị chua (cà chua, chanh, dâu tây, cam, bưởi…), trái cây không vị ( dưa leo, khoai tây, củ đậu…). Tuy nhiên thực tế để mỗi loại trái cây phù hợp với làn da của mỗi người lại không phải đơn giản.
Thông tin cụ thể về vấn đề này, BS Huỳnh Huy Hoàng BV Da liễu TP.HCM cho biết, các loại trái cây có vị ngọt không tốt cho da mà chỉ có lợi cho vi khuẩn. Đắp càng nhiều trái cây có vị ngọt càng giúp cho vi khuẩn phát triển. Nên tránh các loại quả ngọt và cả sữa chua có đường. Các loại trái cây chua có chứa acid trái cây có tính tẩy nhẹ nên có công dụng làm tróc lớp tế bào chết trên da. Vì vậy, chỉ nên dùng mỗi tuần một lần là tốt nhất. Không nên trộn nhiều loại trái cây để làm mặt nạ dưỡng da vì có thể làm mất tác dụng, thậm chí còn hại cho làn da nhiều hơn.
Loại trái cây được nhiều người sử dụng nhất là dưa leo. Thông thường dùng dưa leo rất đơn giản chỉ cần bào thật mỏng rồi đắp mặt. Tuy nhiên, ngay cả loại “hiền lành” này cũng đem lại phiền toái nếu sử dụng không đúng. Đã có không ít trường hợp da bị sẩn đỏ sau khi đắp dưa leo chỉ vì không cắt hai đầu dưa chà cho hết nhựa. Nhựa dưa leo gây dị ứng da khiến da trở nên sần đỏ. Đắp dưa leo còn bị ăn nắng nếu vừa dưỡng da xong lại ra ngoài trời.
Chưa kể, nếu loại trái cây chứa hóa chất độc hại thì càng gây tác hại không nhỏ cho làn da người dùng. Nhẹ là mẩn đỏ, ngứa rát nặng có thể bị viêm nhiễm, mưng mủ rất nguy hiểm.
Do đó, tùy vào từng loại da mà chị em nên chọn cho phù hợp. Người có làn da khô nên chọn trái cây chứa chất béo hoặc trộn thêm dầu ô liu, sữa để bổ sung chất béo và độ ẩm cho da, giúp da không bị hằn nếp nhăn, lão hóa sớm. Nếu da có nhiều tế bào chết, nên đắp mặt nạ bằng dầu ô liu có thêm vài giọt chanh hoặc khoai tây hấp chín nghiền nhuyễn trộn váng sữa hay dâu tây nghiền nhuyễn trộn sữa tươi nguyên chất không đường
Người có làn da nhờn nên dùng các loại trái cây có vị chua và không vị. Khi đắp dưa leo, cần chờ khi nước trong lát dưa leo ráo hẳn, sau đó bóc ngược từ dưới cằm lên (bóc từ trên xuống dễ gây sệ da, lão hóa sớm). Chất nhờn, chất cặn bã và tế bào chết sẽ bám vào lát dưa leo, nhờ vậy, da được tẩy sạch. Riêng các loại quả chua nên trộn thêm sữa không béo, không đường để da có thêm dưỡng chất mà không bị “ngập trong dầu".
Theo BS Lê Thái Vân Thanh - Đại học Y dược TP.HCM, những người có làn da bị nhờn vùng chữ T, các cùng da còn lại bình thường, nên chăm sóc như da nhờn. Như vậy, nên dùng các loại trái cây không vị, trộn với sữa là tốt nhất. Riêng những ai có làn da nhạy cảm nên thử phản ứng với trái cây trước khi đưa lên mặt.
Tốt nhất, nên dưỡng da sau khi ăn cơm chiều, đắp mặt nạ trong 15 phút sau đó rửa sạch mặt bằng nước ấm. Nên nhớ, rửa mặt cẩu thả, acid trái cây còn lại trên da sẽ tiếp tục “làm việc” khiến cho da dễ bị đỏ, tróc. Một tuần đắp mặt nạ một đến hai lần đủ, đắp nhiều quá, da sẽ bị “bội thực” dưỡng chất. Cuối cùng là khâu vệ sinh, cần rửa mặt thật sạch sau khi đắp mặt nạ.
Trái cây dùng làm mặt nạ cũng cần sơ chế sạch và dùng với những dụng cụ riêng (cối, chày, que dàn mặt nạ…) để đảm bảo vệ sinh và không lẫn các chất khác. Và một lưu ý cuối cùng chính là lựa chọn trái cây sạch ở những cửa hàng trái cây uy tín, nguồn gốc rõ ràng là cách tốt nhất để làm mặt nạ