Đập phá tan hoang công viên nước 200 tỷ: Chủ tịch Chung chỉ đạo gì?
Công viên nước Thanh Hà trị giá hàng trăm tỷ đồng đã bị cưỡng chế phá dỡ và nhanh chóng trở thành đống gạch vụn.
Sau 6 tháng hoạt động, vì lý do xây dựng không phép, Công viên nước Thanh Hà trị giá hàng trăm tỷ đồng đã bị cưỡng chế phá dỡ và nhanh chóng trở thành đống gạch vụn. Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đã giao Thanh tra TP vào cuộc làm rõ việc đúng, sai.
Công trình trăm tỷ tan hoang trong 1 ngày
Ngày 18/2, PV Báo Giao thông có mặt tại công viên nước Thanh Hà (phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội), ngỡ ngàng chứng kiến công viên đẹp, hiện đại nhất Thủ đô ngày nào giờ đây chỉ còn là một đống ngổn ngang những mảng bê tông đổ sập, vỡ nát chất đống quanh sắt, thép, nhựa, vốn trước đây là những hạng mục vui chơi giải trí hoành tráng, đắt tiền.
Một nhân viên bảo vệ tại công viên nước cho biết: “Máy xúc, máy ủi tới, trong 1 ngày ủi sập tất cả, giờ cả công viên như một đống rác khổng lồ”.
Trước đó, ngày 15-16/1, phường Phú Lương, quận Hà Đông tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm tại công viên nước Thanh Hà. Theo lý giải của ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch UBND quận Hà Đông, công viên nước này thuộc dự án Thanh Hà Cienco 5, chủ đầu tư đã xây dựng không phép nên cần phải cưỡng chế theo đúng quy định.
Trước câu hỏi: “UBND quận Hà Đông tháo dỡ hay phá dỡ công trình vi phạm? Tại sao các cơ quan chức năng không thực hiện biện pháp mềm dẻo hơn là cho phép tháo dỡ để bảo toàn những tài sản mà doanh nghiệp có thể sử dụng được để tới mức nhiều tài sản sau buổi cưỡng chế trở thành đống gạch, sắt vụn?”, ông Nguyễn Quang Ngọc cho rằng: “Chúng tôi đã để thời hạn rất dài để doanh nghiệp tự giác tháo dỡ, nhưng họ không chấp hành, không thực hiện. Vì vậy, vì sự nghiêm minh của pháp luật, quận phải ban hành các quyết định xử lý. Các bước này chúng tôi cũng rất thận trọng, đảm bảo đúng quy định của pháp luật”.
Tháo dỡ hay phá dỡ?
Phản bác lại ý kiến này, ông Trương Xuân Danh, Phó tổng giám đốc Cienco 5 Land (chủ đầu tư công viên nước Thanh Hà) cho biết: Ngày 27/11/2019, UBND quận Hà Đông có quyết định về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc công ty phải khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng “tổ chức thi công công trình không có giấy phép xây dựng”.
Theo quyết định, công ty phải tháo dỡ 14 hạng mục xây dựng của Công viên nước Thanh Hà trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Do khối lượng công việc nhiều và các hạng mục có kết cấu kỹ thuật phức tạp, thời điểm tháo dỡ lại cận kề Tết Nguyên đán 2020 nên nhân công và các thiết bị tháo dỡ không thể đáp ứng được, cần thực hiện theo quy trình kỹ thuật nên Cienco 5 Land gửi báo cáo đến UBND quận Hà Đông đề nghị gia hạn việc thực hiện tháo dỡ đến hết quý I/2020.
Tuy nhiên, ngày 15/1/2020 (tức ngày 21 tháng Chạp Âm lịch) toàn bộ 19 hạng mục công trình, trong đó có 5 công trình không có trong quyết định cưỡng chế như đường nội bộ, cây xanh... của khu công viên nước trị giá khoảng 200 tỷ đồng đã bị lực lượng cưỡng chế vào đập phá, cây xanh được trồng đang phát triển tốt cũng bị máy cuốc, máy xúc cày xới gãy gục.
“Sau khi công trình Công viên nước Thanh Hà bị phá dỡ, công ty đã có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng về việc UBND quận Hà Đông cưỡng chế sai quy định. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng xác định thiệt hại vật chất do việc cưỡng chế không đúng quy định của UBND quận Hà Đông gây ra và thực hiện việc bồi thường cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”, đại diện Cienco 5 Land cho biết.
Theo luật sư Nguyễn Văn Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), trong lĩnh vực trật tự xây dựng, việc xử lý vi phạm, tháo dỡ công trình vi phạm và việc bảo vệ tài sản của chủ thể vi phạm được quy định rất rõ, gồm 3 chủ thể: Người vi phạm, người ra quyết định cưỡng chế và thứ 3 là quy định theo luật pháp.
Luật sư phân tích, bảo vệ tài sản là quy định chung, chắc chắn người vi phạm cũng có ý thức bảo vệ. Mỗi tài sản của cá nhân hay doanh nghiệp cũng là của quốc gia, doanh nghiệp và đều quý giá. Trách nhiệm này được quy định rất rõ trong Nghị định 166/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định tháo dỡ công trình, trước hết phải bảo vệ nguyên giá trị, thứ hai là bảo vệ nguyên công năng sử dụng.
“Trình tự là người vi phạm tự bảo vệ trước. Nhà nước cưỡng chế thì phải thu về, bảo quản giữ gìn nó, trong một khoảng thời gian nhất định, nếu đối tượng vi phạm không đến lấy, nhận về thì Nhà nước mới xem xét sung công.
Việc thực hiện quyết định cưỡng chế của UBND quận Hà Đông trong trường hợp này theo tôi chưa thỏa đáng. Việc phá dỡ phải đi kèm với việc kiểm kê. Kiểm kê để cho thấy những vật nào có thể tháo thì phải để tháo, chỉ không thể tháo mới có quyền phá”, luật sư nêu quan điểm.
Theo quan điểm của luật sư Tú, việc quận Hà Đông ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng tại Công viên nước Thanh Hà là đúng. Tuy nhiên, việc phá dỡ toàn bộ công trình, làm hư hại cả những công trình, thiết bị lẽ ra còn công năng sử dụng, có dấu hiệu của hành vi hủy hoại tài sản. Tất nhiên, việc này cần quá trình điều tra cẩn trọng.
“Tôi được biết phía chủ đầu tư đã mời luật sư lập vi bằng sự việc. Đây là bước đi cần thiết để xác định thiệt hại sau quá trình cưỡng chế để thực hiện các bước tiếp theo”, luật sư nói.
Thanh tra trách nhiệm quận, phường
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, liên quan đến vụ việc này, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Thanh tra TP Hà Nội lập đoàn kiểm tra, làm rõ. “Hiện, Thanh tra TP Hà Nội đang tiến hành các bước theo quy trình, nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Chung khẳng định.
Được biết, hiện Thanh tra TP Hà Nội đã lập Đoàn thanh tra gồm 5 thành viên, do ông Nguyễn Trọng Hòa, Phó trưởng Phòng Thanh tra 2 làm trưởng đoàn. Đoàn có nhiệm vụ thanh tra trách nhiệm của UBND phường Phú Lương, UBND quận Hà Đông để xảy ra việc xây dựng trái phép tại Công viên nước Thanh Hà; quy trình, thủ tục thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Thời gian thanh tra từ ngày 19 - 29/2.