Đáp số cho bài toán lợi ích quốc gia
Chỉ trong 9 tháng, Việt Nam tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, cân bằng các quan hệ cạnh tranh địa chính trị mà ít quốc gia làm được.
Đó là nhận định của báo Anh Financial Times trong bài đăng vào tháng 6 vừa qua, sau khi ông chủ Điện Kremlin đến Hà Nội. GS Carlyle Thayer, công tác tại Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, cũng đánh giá rằng việc Việt Nam mời được lãnh đạo 3 cường quốc đến thăm trong khoảng thời gian ngắn như vậy là một thành công ngoại giao đặc biệt mà ít quốc gia nào có thể đạt được.
Nâng cao uy tín và vị thế quốc tế
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS Thayer đánh giá, những chuyến thăm đó phản ánh các lợi ích chiến lược của Mỹ, Trung Quốc và Nga ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, trong bối cảnh hệ thống quốc tế ngày càng trở nên phân cực. Các liên minh chiến lược mới hình thành trong những năm gần đây và đối đầu gia tăng, nhất là hai cuộc xung đột lớn diễn ra dai dẳng ở Ukraine và Dải Gaza.
Nga và Trung Quốc hợp tác trên phạm vi trên toàn thế giới sau khi tuyên bố thiết lập “quan hệ đối tác không giới hạn”. Điều này khiến NATO cho rằng Trung Quốc hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine. Bắc Kinh và Mátxcơva định kỳ tổ chức các cuộc tập trận hải quân và không quân chung ở Đông Bắc Á. Triều Tiên và Nga gần đây cũng nâng cấp khuôn khổ hợp tác song phương, còn Mỹ và các đồng minh cáo buộc Bình Nhưỡng cung cấp cho Mátxcơva tên lửa đạn đạo và các loại vũ khí khác để sử dụng ở chiến trường Ukraine, đổi lại việc Nga hỗ trợ Triều Tiên về công nghệ. Ở châu Á-Thái Bình Dương, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand liên kết tạo nên nhóm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương 4 (IP4). Trong ba năm qua, IP4 đã tham dự 3 hội nghị thượng đỉnh NATO.
GS Carlyle Thayer cho rằng thành công về đối ngoại của Việt Nam không chỉ thể hiện ở việc đón tiếp lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và Nga, mà cả việc nâng tầm quan hệ với Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Cần đặt thành tựu này trong bối cảnh rộng hơn là chính sách đối ngoại lâu dài của Việt Nam về đa dạng hóa và đa phương hóa, trở thành đối tác đáng tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Sự phân cực trong quan hệ quốc tế khiến các cường quốc cạnh tranh ảnh hưởng ở Đông Nam Á. GS Thayer cho rằng chuyến thăm của lãnh đạo các cường quốc đến Việt Nam cũng nằm trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng và Việt Nam đã tận dụng để tái khẳng định chính sách đối ngoại độc lập và tự chủ chiến lược cũng như chính sách quốc phòng “4 không” của mình. “Mỗi cường quốc đều muốn đảm bảo rằng Việt Nam sẽ không đứng về phe nào trong sự cạnh tranh hoặc tranh chấp của họ và Việt Nam có thể tiếp tục hợp tác vì lợi ích chung miễn là lợi ích quốc gia của mình không bị tổn hại”, GS Thayer nói.
Ông Thayer nhận định, với việc tạo nên những sự kiện mang tính cột mốc đó chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Việt Nam đã nâng cao uy tín và vị thế quốc tế của mình. “Điều này báo hiệu với các quốc gia khác như Nhật Bản, Úc và Liên minh châu Âu rằng Việt Nam là một thành viên độc lập và đóng vai trò xây dựng trong cộng đồng quốc tế, vì thế việc hỗ trợ Việt Nam phát triển cũng có lợi cho họ”, ông nói.
Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn nói rằng, từ sau Đại hội Đảng lần thứ 13, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta đang mang lại những thành quả rõ nét. Những thành quả về hội nhập cho thấy tính đúng đắn về đường lối đối ngoại mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết thành “ngoại giao cây tre Việt Nam”. Trường phái ngoại giao cây tre với “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” giúp Việt Nam ứng phó với các thách thức và duy trì môi trường đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước. Ông Sơn cho rằng một trong những điều thành công nhất của Việt Nam là hội nhập thành công với thế giới nhưng không phai màu chính trị.
Lợi ích kinh tế
Theo GS Thayer, Mỹ, Trung Quốc và Nga đều có lợi ích đáng kể ở Việt Nam. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Nga là quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và là đối tác quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng và dầu khí.
GS Thayer cho rằng Việt Nam đã tận dụng các chuyến thăm để nâng cấp hoặc mở rộng khuôn khổ hiện có để thúc đẩy hợp tác song phương. Việt Nam đã nâng quan hệ với Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden nhất trí tăng cường thương mại và đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, năng lượng, y tế công cộng, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Mỹ và Việt Nam nhất trí phát triển các chuỗi cung ứng có sức chống chịu tốt.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác thực chất trong thương mại và đầu tư, cơ sở hạ tầng, tài chính, tiền tệ, an ninh lương thực, phát triển xanh, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, y tế…
“Chúng ta vẫn giữ ổn định chính trị, an ninh kinh tế-xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Chúng ta có đường lối đúng đắn, sự trong sáng, quyết tâm và đoàn kết. Vì thế đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta được thế giới khâm phục, kính nể. Dù có thể có những quốc gia không thích mô hình chính trị của ta nhưng họ phải chấp nhận”. Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn
Nhân chuyến thăm của Tổng thống Putin, Việt Nam và Nga nhất trí củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện thông qua cân bằng thương mại, đầu tư vào thăm dò và chế biến khoáng sản, công nghiệp, nông nghiệp, chế tạo máy móc và năng lượng; hợp tác trong các dự án dầu khí mới; thúc đẩy hợp tác trong công nghiệp khai khoáng, vận tải, đóng tàu, chế tạo máy móc, hiện đại hóa đường sắt…
Vấn đề trên biển
Vấn đề tranh chấp trên Biển Đông được nêu ra trong cả ba cuộc gặp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin.
Theo GS Thayer, dù là những đối thủ cạnh tranh gay gắt, Mỹ và Nga đều chia sẻ những lợi ích chung trong việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực về an ninh hàng hải và thực thi pháp luật trên biển. Nga muốn bảo vệ lợi ích của họ trong liên doanh dầu khí Vietsovpetro.
Biển Đông nằm trên tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thương mại hàng hải toàn cầu, với lượng hàng hóa thương mại trị giá khoảng 5.300 tỷ USD được vận chuyển qua mỗi năm.
Lãnh đạo các nước khi đến Hà Nội đều nhất trí với lập trường nguyên tắc của Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Việt Nam và Trung Quốc nhất trí tiếp tục tuân thủ nhận thức chung quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, tăng cường cơ chế đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ; tích cực tìm kiếm các biện pháp giải quyết cơ bản, lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dap-so-cho-bai-toan-loi-ich-quoc-gia-post1666563.tpo