ĐÁP SỐ CHO RÁC THẢI (*): Chuẩn hóa phương tiện, ưu tiên công nghệ
Công nghệ sẽ định hướng phân loại rác tại nguồn. Người dân phân loại tốt thì tái chế tốt và hạn chế gia tăng rác thải
TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, nhận xét nhiều năm qua dù thành phố đặt lộ trình chuyển đổi phương tiện cho xe thô sơ thu gom rác nhưng đến nay xe thô sơ vẫn còn hoạt động và gây mất mỹ quan đô thị.
Ứng xử với đặc thù hẻm nhỏ
Theo TS Phạm Viết Thuận, do đại đa số người thu gom rác có thu nhập trung bình nên một trong những khó khăn khi chuyển đổi phương tiện từ xe thô sơ sang ô tô chở rác là kinh phí. Vì vậy cần chính sách hỗ trợ để người thu gom có điều kiện chuyển đổi phương tiện.
Ngoài ra, ô tô chở rác khó xoay trở linh hoạt trong hẻm nhỏ khiến tác nghiệp của người thu gom khó khăn. Để thuận lợi hơn, thành phố nên cho phép lực lượng thu gom sử dụng phương tiện có trợ lực trong quá trình vận chuyển rác từ hộ dân ra điểm tập kết.
Thiết bị này, ngoài thùng chứa rác bằng nhựa sẽ có chỗ ngồi, tay lái điều khiển để di chuyển dễ dàng trong các hẻm nhỏ, tốc độ thấp, không ảnh hưởng an toàn giao thông mà vẫn bảo đảm hạn chế việc dùng sức người.
Khi thiết bị thu gom đầy rác, người thu gom sẽ mang ra đầu hẻm, nơi xe ép lớn tiếp nhận. "Việc bố trí xe ép như thế nào là câu chuyện mà Sở TN-MT và địa phương cần phối hợp. Trong đó, có thể quy định giờ giấc cho xe ép thu gom tránh gây ảnh hưởng giao thông" - TS Thuận nêu ý kiến. Ông đồng thời khẳng định phương tiện cơi nới hiện nay gây mất vệ sinh, ảnh hưởng mỹ quan đô thị nên khi sử dụng thiết bị thu gom đạt chuẩn sẽ tránh hình ảnh nhếch nhác như vậy.
Ứng dụng công nghệ
Theo tìm hiểu, ngoài khối lượng chất thải rắn có khả năng tái chế thông qua cơ chế thị trường, mỗi ngày TP HCM phát sinh khoảng 9.700 tấn chất thải rắn sinh hoạt và đều được thu gom, vận chuyển về các nhà máy xử lý tập trung của thành phố.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP HCM, thông tin trong số gần 10.000 tấn trên, 33% được xử lý bằng công nghệ đốt, sản xuất phân compost… còn lại 67% được chôn lấp hợp vệ sinh. Thành phố đang thực hiện thủ tục triển khai đầu tư nhiều nhà máy đốt rác phát điện.
Vừa qua Công ty Tâm Sinh Nghĩa đã khởi công lại dự án đốt rác phát điện công suất xử lý 2.000 tấn/ngày. Một dự án đốt rác phát điện khác cũng đang hoàn thành những thủ tục cuối cùng để khởi công với công suất 2.000 tấn rác/ngày.
Ngoài ra, thành phố còn nhiều dự án chuyển đổi công nghệ sang đốt rác phát điện. Công tác kêu gọi đầu tư dự án đốt rác phát điện theo hình thức PPP cũng được song song tiến hành.
Để những công tác trên thuận lợi, theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, TP HCM đã kiến nghị Bộ TN-MT hỗ trợ, có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về việc ưu tiên tăng quy mô nguồn điện rác của TP HCM từ 123 MW hiện nay lên tối thiểu 240 MW nhằm phù hợp với hiện trạng triển khai các dự án nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt phát điện của thành phố.
Một đề xuất nữa là Bộ TN-MT phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, tham mưu cấp thẩm quyền ban hành quy định mẫu cho phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt chuẩn, bao gồm phương tiện phù hợp với các hẻm, ngõ sâu, dài.
Chấn chỉnh nhiều đầu việc
Trong trước mắt, nhằm khắc phục tình trạng tồn đọng rác thải sinh hoạt tại một số điểm, tuyến đường, trạm trung chuyển, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan.
Theo đó, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện được giao đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi đổ rác sai quy định trên địa bàn. Đồng thời rà soát giải quyết dứt điểm những điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải trên đường phố, kênh rạch và nơi công cộng.
Những đơn vị trên cũng có nhiệm vụ đánh giá năng lực vận chuyển của phía cung ứng dịch vụ vận chuyển theo hợp đồng hiện tại so với tình hình thực tế phát sinh chất thải trên địa bàn để có phương án phù hợp.
Trên cơ sở rà soát tình hình thực tế phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương, điều chỉnh khối lượng (tăng/giảm) đối với hợp đồng cung ứng dịch vụ liên quan.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM giao Sở TN-MT chủ trì phối hợp UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra giám sát vệ sinh môi trường tại trạm trung chuyển, điểm tập kết chất thải nhằm ngăn chặn cũng như giải quyết kịp thời tình trạng chất thải chưa được thu gom vận chuyển; phương tiện tập kết chưa được đậy kín, rơi vãi nước rỉ rác.
Rà soát quy định, nghiên cứu cơ chế, hỗ trợ linh động cho các phương tiện vận chuyển rác thải sinh hoạt trong các giờ cao điểm/thời điểm kẹt xe nhằm kịp thời di chuyển đến các nhà máy xử lý và trạm trung chuyển rác... là nội dung quan trọng nữa ông Bùi Xuân Cường yêu cầu.
Xóa con số 15%
Tại cuộc làm việc với TP HCM mới đây, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường - Bộ TN-MT, dẫn thông tin TP HCM phát sinh 15% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả nước và 100% đã được thu gom, vận chuyển, xử lý.
Ông Thức đánh giá thành phố chủ trương chuyển đổi công nghệ xử lý rác cách đây nhiều năm, qua đó định hướng người dân phân loại rác theo công nghệ đốt rác phát điện là đúng đắn.
Theo ông, phân loại tốt thì tái chế tốt, vì vậy thành phố cần quan tâm để hình thành doanh nghiệp tái chế mạnh. Khi tổ chức phân loại tốt thì không có chuyện hằng năm rác thải tăng lên 10%-15%.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-12