Đập tan 'cánh cửa thép' Xuân Lộc
Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, nắm bắt thế bố trí của địch và địa hình, Bộ Tư lệnh quyết định tấn công Xuân Lộc để cô lập, tiêu diệt quân địch phòng ngự ở phía Đông Sài Gòn, tạo thế trận cho quân dân ta hoàn thành Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Xe tăng Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng tỉnh Long Khánh sáng 21/4/1975
Đến cuối tháng 3/1975, cục diện chiến trường miền Nam của quân dân ta với tinh thần chiến đấu “1 ngày bằng 20 năm”. Sau gần 1 tháng liên tục tấn công, nổi dậy, Quân đoàn 2 chủ lực cùng quân dân ta tiêu diệt, làm tan rã toàn bộ lực lượng 2 trên tổng số 4 quân khu, quân đoàn của địch; chiếm giữ khối lượng lớn vật chất, phương tiện chiến tranh; giải phóng hơn nửa đất đai và gần nửa số dân toàn miền Nam. Chịu thất bại nặng nề về mọi mặt, quân địch lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, tinh thần chiến đấu suy sụp, buộc phải lùi về phòng thủ từ TX. Phan Rang (Ninh Thuận) trở vào miền Nam, đồng thời kêu gọi Mỹ viện trợ khẩn cấp.
Ngày 25/3/1975, Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu: “Thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam… Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí, kỹ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mưa”. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn được Bộ Chính trị quyết định mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. TX. Xuân Lộc (tỉnh Long Khánh cũ, nay tỉnh Đồng Nai) được xem là “cánh cửa” quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, là trận địa mở đầu của chiến dịch. Nằm cách Sài Gòn khoảng 80km về phía Đông, Xuân Lộc án ngữ các trục giao thông quan trọng.
Với địch, đây là “mắt xích trọng yếu”, “cánh cửa thép” ngăn chặn quân giải phóng, nên chúng bố trí Sư đoàn 18 bộ binh, trung đoàn thiết giáp, 2 tiểu đoàn pháo binh, 9 tiểu đoàn bảo an, tiểu đoàn biệt động quân, 3 đại đội biệt lập, 4 trung đoàn pháo binh và lực lượng dân vệ, cảnh sát dã chiến; bố trí phòng ngự 3 tuyến. Quân địch lớn tiếng tuyên bố “đây là cánh cửa thép”, sẽ “tử thủ” bằng mọi giá. Nhưng báo chí nhiều nước phương Tây lúc đó bình luận: “Xuân Lộc là ốc xoáy cuối cùng, quyết định số phận của chế độ Sài Gòn”. Khi lên TX. Xuân Lộc thị sát tình hình, cách bố trí phòng ngự, đại tướng Frederick C. Weyand (Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ) nhấn mạnh: “Xuân Lộc là yết hầu lửa, phải giữ cho bằng được, để mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”.
Mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh, từ ngày 9 đến 14/4, ta tập trung lực lượng, sử dụng bộ binh, xe tăng, pháo binh tấn công trực diện nhiều lần vào Xuân Lộc, nhưng không dứt điểm được mục tiêu. Trong thế đường cùng, quân địch chống trả mạnh mẽ, tình hình chiến sự diễn ra vô cùng quyết liệt. Trước áp lực tấn công của quân ta, địch tăng cường viện binh, đưa tổng số lực lượng phòng thủ Xuân Lộc tương đương một quân đoàn - hơn 30.000 quân. Ngoài ra, lực lượng không quân địch hoạt động mạnh mẽ, sử dụng nhiều loại bom có sức hủy diệt lớn đánh vào đội hình tấn công, gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất.
Từ ngày 15 - 20/4/1975, ta không tấn công trực diện vào thị xã (nơi tập trung đông quân địch, phòng ngự kiên cố), mà tiêu diệt các đơn vị địch đến phản kích ở vòng ngoài; đồng thời, đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, chặn cắt Quốc lộ 1 và các tuyến giao thông hướng về Xuân Lộc. Lực lượng pháo binh, đặc công Miền liên tục bắn phá vào sân bay Biên Hòa để hạn chế hoạt động của không quân địch. Từ đó, cùng với các mũi tấn công, Xuân Lộc hoàn toàn bị bao vây, cô lập. Trận này, ta làm thiệt hại nặng Sư đoàn 18 và nhiều lữ đoàn, trung đoàn, loại khỏi vòng chiến đấu gần 5.000 tên địch, thu giữ, phá hủy trên 1.500 súng các loại, cùng nhiều phương tiện khác.
Ngày 21/4, quân ta giải phóng tỉnh Long Khánh, mở toang “cánh cửa thép” phía Đông của địch, tiến quân về Sài Gòn. Cũng ngày, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức, ông Trần Văn Hương lên thay. Nghe tin ông Thiệu chạy ra nước ngoài, khắp Sài Gòn hoảng loạn và chiến dịch di tản của người Mỹ khẩn trương xúc tiến. Ngày 22/4, Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh phê duyệt kế hoạch tấn công giải phóng Sài Gòn - Gia Ðịnh. Ngày 23/4, Tổng thống Mỹ Gerold Ford tuyên bố: Cuộc chiến ở Việt Nam đã chấm dứt đối với người Mỹ. Đêm 26/4/1975, với khí thế hừng hực, 5 cánh quân của ta từ các hướng tấn công Trảng Bom, đánh chiếm sân bay Biên Hòa, qua sông Đồng Nai, vượt qua các tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, tiến vào Sài Gòn.
Ngày 28/4, các trận địa pháo của ta đồng loạt nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Chiều hôm đó, phi công ta dùng 5 máy bay chiến đấu phản lực A37 (thu được của địch) mở đợt tập kích vào khu vực chứa máy bay của chúng. Đặc biệt, cũng trong ngày này, Quốc hội Mỹ công bố về con số thương vong của quân Mỹ: 56.245 người chết, 303.640 người bị thương, 1.350 người mất tích, 15% quân số nghiện ma túy, 30.000 lính đào ngũ chạy ra nước ngoài... Đêm 28 rạng ngày 29/4, tất cả cánh quân của ta đồng loạt tổng công kích vào trung tâm thành phố, đánh chiếm cơ quan đầu não của địch.
Đến 9 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh (vừa nhậm chức ngày 28/4) kêu gọi “ngừng bắn để điều đình giao chính quyền”, nhằm cứu quân ngụy khỏi sụp đổ. Đến 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng của ta tiến thẳng vào Dinh Độc lập. Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc lập, báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dap-tan-canh-cua-thep-xuan-loc-a419317.html