Đập tan luận điệu xuyên tạc, sai trái lèo lái dư luận về 2 vụ đại án (1): Toan tính gì khi tìm cách xuyên tạc các vụ án 'chuyến bay giải cứu', 'Việt Á'?
Không khó để nhận ra bộ mặt thật và tim đen của những thế lực thù địch, phản động chống phá, cơ hội chính trị lợi dụng việc các cơ quan tiến hành tố tụng trong nước khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án 'chuyến bay giải cứu' và 'Việt Á' để dùng đủ mọi chiêu trò nhằm tung ra luận điệu xuyên tạc, sai trái trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật
Vừa qua, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm vụ “chuyến bay giải cứu”. Theo đó, Hội đồng xét xử đã đưa ra các bản án nghiêm minh, đúng pháp luật đối với 54 bị cáo với nhiều tội danh như “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; trong đó có 4 bị cáo bị tuyên phạt mức án chung thân; 1 bị cáo nguyên là Thứ trưởng Ngoại giao bị tuyên án 16 năm tù, cao hơn mức đề nghị 12-13 năm tù.
Gần đây nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (Bộ Công an) cũng đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 38 bị can liên quan đến vụ “Việt Á” với nhiều tội danh: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”... Trong đó, cơ quan điều tra đề nghị truy tố cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cùng nhiều cựu quan chức cấp cao khác.
Đây là những vụ án được người dân cả nước quan tâm sâu sắc với sự bức xúc và phẫn nộ cao độ. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được khi các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng cùng xảy ra trong giai đoạn chống dịch Covid-19, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, khiến hàng triệu người nhiễm bệnh.
Tại phiên tòa sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”, các bị cáo đã phải nhận án phạt thích đáng và nghiêm minh của pháp luật, là hệ quả của những hành vi sai trái mà họ đã gây ra. Phiên tòa cho thấy, dù các bị cáo là ai, từng giữ cương vị gì thì đều bị cơ quan tố tụng điều tra, luận tội và đưa ra xét xử và tuyên án một cách công khai, minh bạch, “không hề “có vùng cấm”. Sai phạm của các bị cáo đã lợi dụng dịch Covid-19 để trục lợi và bị dư luận lên án nghiêm khắc, gay gắt là “ăn” trên xương máu của đồng bào. Song, pháp luật Việt Nam rất công minh, sai đến đâu thì xử lý đến đó, “đúng người đúng tội” và các cơ quan tố tụng khi đưa ra phán quyết không hề chịu sức ép của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Có thể thấy rõ, bản án dành cho các bị cáo vụ “chuyến bay giải cứu” đã thể hiện sự nghiêm minh, công tâm, thấu tình đạt lý của các cơ quan tố tụng.
Với vụ án “Việt Á”, cơ quan điều tra đã trải qua quá trình điều tra kỹ lưỡng, tuân thủ các quy định pháp luật để đưa ra các kết luận điều tra đúng với hành vi, tội danh và mức độ vi phạm của từng bị cáo. Trong suốt quá trình điều tra vụ án “Việt Á”, cơ quan điều tra nghiêm túc tuân thủ tinh thần thượng tôn pháp luật, không chịu bất kỳ sức ép nào để đảm bảo “không có vùng cấm”, “không ai đứng trên pháp luật”, đề nghị truy tố đúng mức độ vi phạm, tội danh của các bị cáo cho dù họ là ai và từng đảm đương cương vị gì.
Việc đưa ra xét xử công khai vụ án “chuyến bay giải cứu” với bản án nghiêm minh theo pháp luật cho các bị cáo được đông đảo người dân và dư luận quan tâm theo dõi sát sao, đồng tình và đánh giá cao. Trong khi đó, bản kết luận điều tra vụ án “Việt Á” được công bố, đăng tải công khai, đầy đủ trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng được ghi nhận, đánh giá cao và tin tưởng rồi đây các bị can trong vụ án này sẽ bị truy tố và đưa ra xét xử, tuyên án trong thời gian tới.
Đủ “chiêu trò” xuyên tạc nhằm dụng ý xấu
Có thể nói vụ án “chuyến bay giải cứu” và “Việt Á” là các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, thu hút sự quan tâm của các cơ quan truyền thông trong nước cũng như quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin chính xác, trung thực, khách quan, đúng nội dung, bản chất của vụ án, cũng có luồng thông tin khác lạ xuyên tạc, bóp méo, “lập lờ đánh lận con đen” hòng đánh tráo khái niệm, nội dung và bản chất của vụ án nhằm mục đích xấu.
Không ngạc nhiên khi những thông tin sai trái đó được “phát ra”, “đăng tải” từ những thế lực chống phá, phản động, bất mãn… cũng như những phương tiện truyền thông lâu nay thiếu thiện chí, có những cái nhìn, góc nhìn lệnh lạc về Việt Nam. Trong đó, một số trang tiếng Việt ở nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam như Đài châu Á tự do (RFA), Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), BBC... cùng với việc đưa tin về việc các vụ án “chuyến bay giải cứu” và “Việt Á” còn có những bài phân tích, bình luận xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta. Thậm chí một số bài viết còn mang tính kích động nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị.
Trên RFA, khi thông tin về phiên tòa xét xử đã “không quên” cài vào những bài viết mang tính hướng lái dư luận, xuyên tạc, bôi nhọ công tác phòng chống tham nhũng cũng như hoạt động tư pháp của Việt Nam như: “Vụ xử “Chuyến bay giải cứu”: Tòa đã “không đếm xỉa” quyền lợi của người dân, lại tỏ ra “yếu kém” về mặt chứng lý”; “Vụ “Chuyến bay giải cứu”: Tòa xử như “mua bán”, thua kém “nghiêm minh” so với thời phong kiến”; “Sơ thẩm vụ “chuyến bay giải cứu”: Hàng trăm ngàn nạn nhân thực sự bị “bỏ qua”...
Đi xa hơn, trên phương tiện truyền thông thiếu thiện chí, hằn học với Việt Nam này còn đưa ra những thông tin lệch lạc cùng những ngụy biện nhằm lèo lái tới việc quy chụp về tình hình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đồng thời xuyên tạc hoạt động tư pháp của Việt Nam. Họ thậm chí đóng luôn vai “quan tòa” khi “phán” rằng, “Phiên tòa xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” cho thấy tòa án của Việt Nam xét xử như “mua bán”, rằng “về độ nghiêm minh còn kém xa so với thời phong kiến”...
Dụng ý lợi dụng vụ án để thông tin sai trái về Việt Nam của RFA còn lộ liễu tới mức phỏng vấn hàng chục đối tượng bất mãn, phần tử phản động, cơ hội chính trị lâu nay nhằm “đánh bùn sang ao”. Họ trở thành cái loa để một phần tử bất mãn, tham gia nhiều hội nhóm chống phá Đảng và Nhà nước ta có cơ hội nói xấu, bôi nhọ đất nước. Đưa tin phiên tòa, nhưng cái đích sâu xa của họ là chống phá khi lèo lái để đưa ra kết luận rằng, “niềm tin của người dân đối với Đảng Cộng sản Việt Nam bị suy suyển nghiêm trọng sẽ dẫn đến hậu quả rất xấu với xã hội”...
Trong dàn “đồng ca” ấy, trên trang của VOA cũng đăng tải một loạt bài viết mang tính xuyên tạc như: “Chuyến bay giải cứu: Xử cán bộ tham nhũng, không thấy bồi thường cho dân”; “Vụ “chuyến bay giải cứu”: Tòa xử cán bộ tham nhũng, không có đền bù cho người dân”... Đáng chú ý, VOA đã đăng bài viết của Lê Quốc Quân, một phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, có nhiều hành vi chống phá, với những quy chụp vô căn cứ, sai trái như “cả hệ thống tòa án Việt Nam đang hành xử như một cái chợ”.
Trong khi đó, họ lại cố tình lờ đi những quan tâm lớn lao của Đảng, Nhà nước cùng sự vào cuộc quyết liệt trên tinh thần “đặt người dân lên trên hết, trước hết” của cả hệ thống chính trị để đạt được những kết quả chống đại dịch Covid-19 được cả cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia chống đại dịch Covid-19 hiệu quả nhất, đưa mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, đời sống của người dân trở lại bình thường sớm nhất ở khu vực và thế giới.
Những luận điệu xuyên tạc, bóp méo, quy chụp đưa ra trong các vụ án “chuyến bay giải cứu”, “Việt Á” vì thế chỉ thêm một lần nữa cho thấy rõ bộ mặt thật xấu xa của những thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị. Họ lợi dụng các vụ án này để nhằm tới mục đích xuyên suốt lâu nay là chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ở Việt Nam; gây bất ổn, phá hoại cuộc sống bình yên của người dân chúng ta.
Đại tá Đỗ Ngọc Sơn, Hội Cựu chiến binh phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội
Ngay từ những ngày đầu tiến hành xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, người dân bất bình bởi mức độ nghiêm trọng của những con số hàng triệu đô la qua hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Cũng trong thời gian vừa qua, kết quả điều tra “đại án Việt Á” đã lột trần vụ tham nhũng tiêu cực có hệ thống quy mô từ cơ quan bộ, ngành, Trung ương và có liên quan đến các địa phương, trong đó có 8 người là lãnh đạo quan chức Bộ Y tế, Bộ Khoa học - Công nghệ, điển hình là Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế; Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ; Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ…
Xét toàn diện các vấn đề liên quan thì hai vụ án trên xảy ra đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều bị cáo, trong đó có các bị cáo đã từng giữ chức vụ cao, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương với số tiền đưa, nhận hối lộ đặc biệt lớn. Nghiêm trọng hơn, các vụ án diễn ra trong bối cảnh đại dịch
Covid-19 đang hoành hành phức tạp, căng thẳng. Các bị cáo đã lợi dụng chủ trương nhân văn của Nhà nước, lợi dụng tình cảnh cả thế giới trong cơn hoạn nạn để trục lợi, tạo thêm gánh nặng cho người dân, đi ngược lại những nỗ lực, cố gắng của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong “cuộc chiến” phòng chống đại dịch, ảnh hưởng xấu đến uy tín Nhà nước, gây sự bức xúc trong dư luận xã hội… Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo xét xử, điều tra 2 vụ đại án rất nghiêm minh, đúng người, đúng tội, thể hiện tính nhân văn, chính nghĩa, công bằng, nhân đạo của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, các thế lực thù địch như tổ chức khủng bố Việt Tân, Đài VOA, Đài RFA đã triệt để lợi dụng 2 vụ án này để xuyên tạc, nói xấu chế độ ta. Chúng bới lông tìm vết, lu loa: “chạy án giữa phiên tòa”, “tiền của dân sao Tòa xử nộp cho Nhà nước”, “tiền phạm pháp nộp lại chẳng khác gì chạy án”. Trang RFA còn bi hài bình luận cho cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng: “Có nằm mơ cũng không ngờ rằng một điều tra viên kỳ cựu của Cơ quan An ninh điều tra lại là nạn nhân của tình trạng buộc tội không có chứng cứ, chứng cứ mơ hồ…”. Trắng trợn hơn, Việt Tân đã nêu, “qua vụ “chuyến bay giải cứu”, “đại án Việt Á” có thể thấy rằng, tham nhũng ở Việt Nam đã thành hệ thống”, “đây là hành động đấu đá nội bộ, thanh trừng phe cánh”, “muốn xóa bỏ tham nhũng ở Việt Nam, phải thay đổi cơ chế, xóa bỏ chế độ” (!). Tất cả những luận điệu trên chỉ là sự xuyên tạc nhảm nhí, che đậy hành vi chống phá của các thế lực thù địch, đi ngược lại lợi ích của nhân dân.
Thời gian qua, nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã được Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị tập trung, ngày càng kiên trì, bài bản, có kinh nghiệm, hiệu quả cao hơn, theo đúng phương châm kiên quyết nhưng rất nhân văn, nhân ái, chân tình”. Điều này đã đập tan luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, giữ trọn lòng tin với Đảng.
Đại tá Nguyễn Viết Chuẩn, nguyên Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ - CATP Hà Nội: Chắc tay và hết sức bài bản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử
Những ngày vừa qua, dư luận quần chúng nhân dân đặc biệt quan tâm đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử 2 trong nhiều vụ “đại án” mà các bị can, bị cáo đều từng đảm nhiệm những chức vụ, trọng trách cao trong Chính phủ, một số bộ, ngành, địa phương.
Đến thời điểm này, vụ án “chuyến bay giải cứu” đã được đưa ra xét xử và vụ “Kit test Việt Á” đã hoàn tất điều tra. Cá nhân tôi thời gian qua, qua các phương tiện thông tin đại chúng chính thống, luôn hết sức quan tâm và cập nhật quá trình tố tụng các vụ án này. Với đánh giá, cảm nhận của người có 40 năm gắn bó với ngành Công an, tôi cho rằng ở 2 vụ “đại án” nêu trên, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án đã hết sức chắc tay, bài bản trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Như “đại án” Việt Á với 38 bị can bị đề nghị truy tố tội danh, trong đó có nhiều bị can từng đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ tịch thành phố; một trong những “mắt xích” quan trọng, hay “đột phá khẩu” đầu tiên, là đối tượng nguyên Giám đốc CDC Hải Dương. Cựu giám đốc CDC này có mối quan hệ thông gia với một chủ hiệu vàng ở Hải Dương và quá trình áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan điều tra đã xác định được dòng tiền chuyển dịch giữa nguyên Giám đốc CDC Hải Dương với chủ hiệu vàng; rồi đặc biệt là thủ đoạn đối phó hết sức tinh vi của Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Việt Á - khi lập gần 40 công ty để ký hợp đồng, xuất hóa đơn mua bán lòng vòng nhằm tạo dòng tiền ảo, nâng khống giá trị hàng hóa, nguyên vật liệu, vật tư y tế đầu vào phục vụ sản xuất kit xét nghiệm Covid-19 trước khi bán cho các cơ sở y tế công.
Với tư cách từng là người lính, cán bộ thuộc Công an Hà Nội, tôi có thể tự hào để khẳng định: thời điểm xảy ra vụ án là lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng có nhiều thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội, nên nếu cơ quan điều tra không chắc tay, không bản lĩnh và quyết liệt, chắc chắn, việc lôi tội phạm ra ánh sáng và xử lý triệt để sẽ vô cùng khó khăn.
Hay trong vụ án “chuyến bay giải cứu” với trên 50 bị cáo bị đưa ra xét xử mới đây, cáo trạng truy tố cùng lời khai thành khẩn của đại đa số bị cáo đã cho thấy sự nhạy cảm, nhạy bén, thận trọng và cũng hết sức quyết tâm, quyết liệt của các cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Tính chất vụ án đúng như Người phát ngôn Bộ Công an từng chia sẻ: “Các đối tượng đối phó rất quyết liệt, khiến cơ quan điều tra tốn nhiều thời gian trong xác minh vụ việc”.
Bắt đầu từ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Cơ quan điều tra lật mở từng manh mối và điều tra sự liên quan của các bị can đang công tác tại nhiều bộ, ngành… từ đó làm rõ một chủ trương nhân đạo của Đảng, Chính phủ, “chuyến bay giải cứu” đã bị các cán bộ biến chất lợi dụng chức vụ để trục lợi. Thủ đoạn phạm tội tinh vi, nhiều bị can, bị cáo từng giữ chức vụ cao thì càng chứng tỏ bản lĩnh và quyết tâm của lực lượng công an trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”,“Xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; xử lý một người để cứu muôn người”.
(Còn tiếp)