Đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa dịp tết của nhân dân

Tết Nguyên đán đang đến gần, thời điểm này, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng các loại hàng hóa của nhân dân bắt đầu tăng cao. Các chợ, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn huyện Mường La đã chủ động nguồn cung, đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm dịp tết.

Nhân dân mua sắm hàng hóa tại cửa hàng ở thị trấn Ít Ong, huyện Mường La.

Nhân dân mua sắm hàng hóa tại cửa hàng ở thị trấn Ít Ong, huyện Mường La.

Trên địa bàn huyện Mường La hiện có 4 chợ và hơn 320 cơ sở bán hàng hóa thực phẩm chế biến, như muối, bột canh, mỳ chính, mỳ gói ăn liền, dầu ăn, nước mắm, đường, sữa, bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát... Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Mường La đã cam kết bảo đảm giá cả, chất lượng hàng hóa phục vụ tốt người tiêu dùng.

Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu của nhân dân tập trung chủ yếu vào các mặt hàng: Lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, hàng may mặc, giầy dép, đồ nội thất, thiết bị gia đình, các loại hoa tươi, cây cảnh, quả tươi và nhiên liệu để phục vụ nhu cầu đi lại. Đến các điểm bán hàng, các chợ truyền thống ngoài việc duy trì các mặt hàng thiết yếu hàng ngày, các chủ hộ kinh doanh đã tăng cường nhập các mặt hàng, số lượng nước ngọt, bia, bánh kẹo...

Bà Nguyễn Thị Hương, chủ cửa hàng tạp hóa Hương Thủy, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, cho biết: Rượu bia, nước giải khát là nhóm mặt hàng có lượng tiêu thụ tăng mạnh vào dịp cuối năm. Dự kiến sức mua tăng từ cuối tháng 12 dương lịch kéo dài đến hết tháng 1 âm lịch. Ngay từ đầu tháng 12/2023, cửa hàng đã kết nối với các nhà phân phối để nhập hàng hóa, từ hàng nội địa đến hàng nhập khẩu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo nhu cầu mua sắm của nhân dân trên địa bàn. Lượng hàng hóa mà chúng tôi dự trữ để cung ứng cho thị trường tết năm nay tăng khoảng 30% so với ngày thường.

Xã Mường Bú, huyện Mường La có gần 74 hộ kinh doanh dịch vụ, tại các cửa hàng kinh doanh tạp hóa trên địa bàn, lượng mua sắm của nhân dân tăng cao so với trong năm. Ông Nguyễn Hợp Thuận, chủ cửa hàng tạp hóa Thuận Hợp, bản Giàn, xã Mường Bú, nói: Dịp này, cửa hàng nhập đủ số lượng những mặt hàng bảo đảm nhu cầu của khách hàng.

Ông Trịnh Văn Chuẩn, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường La, cho biết: UBND huyện đã xây dựng kế hoạch đảm bảo hàng hóa phục vụ tết trên địa bàn huyện với khoảng hơn 101.560 người. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, bảo đảm kịp thời, minh bạch thông tin về giá.

Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giá, các biện pháp bình ổn giá và giá cả thị trường đến các tổ chức, nhân dân trên địa bàn để phối hợp, phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về giá, gian lận thương mại, không để xảy ra tình trạng mất cung - cầu dẫn đến tăng giá đột biến. Tăng cường kiểm tra về chất lượng hàng hóa, nhãn và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cố tình vi phạm, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.

Đối với các đơn vị sản xuất chủ động rà soát, đánh giá cung cầu theo giai đoạn, bảo đảm tiến độ sản xuất, thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông để cung ứng kịp thời nguồn hàng cho thị trường khi cần thiết. Có kế hoạch dự trữ hàng hóa, vật tư, nguyên, nhiên vật liệu hợp lý, ưu tiên sử dụng nguyên liệu của địa phương đã sản xuất được nhằm duy trì sản xuất ổn định để đảm bảo lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý, chất lượng tốt.

Với sự vào cuộc của các ngành chức năng trong việc thực hiện quyết liệt các giải pháp bình ổn cung - cầu, giá cả, cùng với việc chủ động dự trữ nguồn hàng của các cửa hàng, nhà phân phối không để xảy ra tình trạng thiếu hoặc sốt hàng hay giá cả tăng cao đột biến, thị trường hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2024 trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: Lam Giang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/thuong-mai-dich-vu/dap-ung-nhu-cau-mua-sam-hang-hoa-dip-tet-cua-nhan-dan-qaKkFRcIR.html