Đáp ứng tốt nhu cầu thị trường

Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, đến hết năm 2024, Hà Nội là địa phương đi đầu trong thực hiện chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) với 3.317 sản phẩm được chứng nhận trong tổng số gần 15.000 sản phẩm của cả nước (chiếm 22,1%).

Sản phẩm OCOP Hà Nội

Nhiều sản phẩm nghề lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín, Hà Nội) đạt chứng nhận OCOP. Ảnh: Mộc Miên

Nhiều sản phẩm nghề lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín, Hà Nội) đạt chứng nhận OCOP. Ảnh: Mộc Miên

Vừa qua, TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị công bố quyết định và trao bằng công nhận danh hiệu 4 làng nghề và 108 chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao năm 2024. Theo đó, huyện Thanh Oai có số lượng sản phẩm được phân hạng và cấp giấy chứng nhận nhiều nhất với 15 sản phẩm; tiếp đến huyện Mê Linh có 14 sản phẩm; các huyện Hoài Đức, Thanh Trì, mỗi địa phương có 12 sản phẩm; huyện Gia Lâm có 11 sản phẩm; huyện Ba Vì có 8 sản phẩm; huyện Chương Mỹ có 7 sản phẩm; quận Bắc Từ Liêm và huyện Ứng Hòa, mỗi địa phương có 6 sản phẩm; các huyện Thạch Thất, Sóc Sơn và quận Thanh Xuân, mỗi địa phương có 4 sản phẩm; các huyện Mỹ Đức, Đông Anh, mỗi địa phương có 2 sản phẩm; các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ và quận Hoàng Mai, mỗi địa phương có 1 sản phẩm. Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Minh Tiến đánh giá cao những thành tựu của

Hà Nội trong chương trình OCOP. Ông cho rằng, Hà Nội đã đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển các sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Tiến cũng đề xuất, trước những thay đổi về hành chính và tình hình kinh tế toàn cầu phức tạp, cùng với sự ảnh hưởng của khoa học công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, các địa phương cần thay đổi cách tiếp cận và chuyển hướng thị trường nhằm duy trì và phát triển hệ thống làng nghề đa dạng, phong phú.

Được biết trong năm 2024, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu UBND TP tổ chức họp Hội đồng thẩm định xét công nhận danh hiệu cho 14 làng nghề; đánh giá, phân hạng được 606 sản phẩm, đạt 166% so với kế hoạch năm 2024, vượt chỉ tiêu kế hoạch 206 sản phẩm. Đến nay TP đã đánh giá, phân hạng được 3.315 sản phẩm OCOP.

Trong năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu công nhận thêm ít nhất 30 sản phẩm OCOP 5 sao. Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, lũy kế từ năm 2019 đến nay, TP đã đánh giá, phân hạng được 3.317 sản phẩm OCOP. Trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao và 1.718 sản phẩm 3 sao. Số lượng này đã đưa Hà Nội trở thành địa phương có sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng nhiều nhất cả nước, đồng thời hoàn thành sớm trước một năm mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII giai đoạn 2021 - 2025 (phấn đấu công nhận được ít nhất 2.000 sản phẩm OCOP).

Nhiều sản phẩm nghề lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín, Hà Nội) đạt chứng nhận OCOP. Ảnh: Mộc Miên

Nhiều sản phẩm nghề lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín, Hà Nội) đạt chứng nhận OCOP. Ảnh: Mộc Miên

Theo đánh giá, hằng năm, TP đã quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển sản phẩm để tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP của Hà Nội. Mặc dù đã đạt được số lượng OCOP lớn với hơn 3.300 sản phẩm nhưng Hà Nội mới có 6 sản phẩm được chứng nhận đạt 5 sao. Vì vậy, trong năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu trình T.Ư đánh giá, công nhận thêm ít nhất 30 sản phẩm OCOP 5 sao.

Dự kiến năm 2025, công nhận thêm 5 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch; đưa tổng số trung tâm thiết kế sáng tạo được phát triển thành 21 trung tâm (vượt chỉ tiêu của chương trình đề ra đến năm 2025). Đồng thời phối hợp với Hội đồng Thủ công thế giới phê duyệt có thêm ít nhất 2 làng nghề của Hà Nội trở thành thành viên của mạng lưới các "Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới".

Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó có 337 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Bên cạnh các làng nghề, Hà Nội hiện có 1.336 HTX nông nghiệp đang hoạt động; có 1.574 trang trại; 172 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; với hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, trên 14.000 sản phẩm nông lâm thủy sản đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc (QRCode).

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dap-ung-tot-nhu-cau-thi-truong-415921.html