Đất chết 'hồi sinh'

Từng là 'vùng đất chết' vì nhiễm chất độc da cam, A So (xã Đông Sơn, huyện A Lưới) là một trong những tọa độ đau thương nhất của Trường Sơn năm xưa. Hơn 50 năm sau chiến tranh, vùng đất ấy đang từng bước hồi sinh.

 Phát triển thêm các tuyến du lịch trải nghiệm, kết hợp với tham quan di tích là hướng đi mới của xã Đông Sơn

Phát triển thêm các tuyến du lịch trải nghiệm, kết hợp với tham quan di tích là hướng đi mới của xã Đông Sơn

Sống lại trên vùng đất đau thương

Chiếc xe chở chúng tôi từ từ vượt qua những khúc cua uốn lượn, men theo triền núi, tiến về xã Đông Sơn, huyện A Lưới, nơi từng mang danh “vùng đất chết” vì nhiễm chất độc da cam nặng nề.

Ở cách khu vực sân bay A So không xa, chúng tôi ghé thăm hộ anh Hồ Văn Tiên, một trong những người tiên phong canh tác trên vùng đất từng bị bỏ hoang sau khi được xử lý. Với hệ thống chuồng trại hiện đại, đàn heo nhà anh có gần trăm con phát triển tốt. “Ngày trước không ai dám đến gần đây. Nhưng khi thấy cây keo, cây tràm trồng thử phát triển tốt, chính quyền về hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật, tôi bắt đầu nuôi heo, rồi đưa sản phẩm ra chợ. Ai dè được đón nhận, vui lắm”, anh Tiên xúc động.

Quá trình hồi sinh của A So còn được thúc đẩy nhờ những dòng vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Người dân có điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi, hỗ trợ con giống, cây trồng và được tập huấn kỹ thuật sản xuất. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng sau xử lý, từng bước nâng cao thu nhập.

Một mô hình khác là hộ chị Hồ Thị Sa, người đã phát triển đàn bò hữu cơ với quy mô 50 - 70 con. Trên nền đất đã được cải tạo, đàn bò phát triển tốt. Thức ăn được tận dụng từ cỏ trồng tại chỗ và phụ phẩm nông nghiệp. “Chính quyền xã còn đang xây dựng mô hình nuôi bò tập trung để nhiều hộ cùng tham gia, tạo sinh kế bền vững”, chị Sa vui mừng.

Theo ông Huỳnh Công Quảng, Bí thư Huyện ủy A Lưới, kết quả xử lý môi trường đã thay đổi chất lượng đất và hơn cả là thay đổi niềm tin của người dân. Trước đây, người dân bỏ đất, bỏ làng đi nơi khác làm thuê, nay đã quay trở về quê hương, sống và phát triển trên chính vùng đất từng bị bỏ hoang.

Xã Đông Sơn hiện có hơn 20 mô hình trồng trọt, chăn nuôi quy mô hộ gia đình và đang quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, gắn với tiêu chuẩn an toàn sinh học. Xã Đông Sơn ngày nay còn là hình mẫu sản xuất, phát triển kinh tế trên đất sau chiến tranh, góp phần xóa mặc cảm "đất độc" cho chính người dân nơi đây.

Từ “điểm đen” chiến tranh thành điểm đến lịch sử

Chúng tôi dừng chân tại khu vực sân bay A So cũ, giữa khoảng đất đã được cải tạo là tấm bia đá “Khu vực xử lý đất bị ô nhiễm chất độc dioxin – Sân bay A So”, một dấu tích của chiến tranh, đồng thời cũng là điểm khởi đầu cho câu chuyện phát triển du lịch nơi đây. Cách đó không xa là địa điểm chứng tích chiến tranh của quân đội Mỹ tại sân bay A So, nơi lưu giữ gần 100 hiện vật, hình ảnh về chiến tranh hóa học và trận đánh lịch sử năm 1966. Nhà trưng bày này đang trở thành “địa chỉ đỏ” cho các đoàn học sinh, cựu chiến binh và khách tham quan.

Nguyễn Hữu Tài, học sinh lớp 12 Trường THPT A Lưới chia sẻ: “Em từng học lịch sử chiến tranh ở trường, nhưng phải đến tận nơi mới thực sự cảm nhận được mất mát và sự tàn phá mà chiến tranh để lại. Nhà trưng bày này vừa là nơi để tham quan, vừa là nơi để thế hệ trẻ học làm người, xây dựng quê hương, tiếp bước cha ông”.

Ông Trương Toàn Thắng, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn nhìn nhận: “Một phần do vị trí địa lý xa trung tâm, phần nữa là sản phẩm du lịch chưa thực sự đặc sắc nên khách đến đây tham quan chưa nhiều. Chúng tôi đang đề xuất phát triển thêm các tuyến du lịch trải nghiệm kết hợp với tham quan di tích, vừa nghe kể chuyện chiến tranh, vừa tham gia sản xuất cùng người dân trên đất đã hồi sinh”.

Tận dụng địa hình còn giữ nhiều dấu tích chiến tranh, xã Đông Sơn đang phối hợp với huyện A Lưới xây dựng tuyến du lịch lịch sử A So, bao gồm: Nhà trưng bày, khu sân bay cũ, các hố bom được bảo tồn nguyên trạng và các mô hình sinh kế nông nghiệp.

“Khách đến sẽ vừa được nghe kể chuyện chiến tranh, vừa được tận mắt chứng kiến sự hồi sinh của mảnh đất này. Đây là dạng du lịch giáo dục trải nghiệm rất ý nghĩa, đặc biệt phù hợp với học sinh, sinh viên và các đoàn về nguồn”, ông Thắng chia sẻ.

Chính quyền địa phương đang đề xuất thành phố và huyện phân định rõ ranh giới giữa vùng canh tác nông nghiệp và vùng có thể phát triển du lịch, để cả hai hướng này cùng song hành. Riêng khu vực nhà trưng bày chiến tích, cần quan tâm đầu tư sửa sang, nâng cấp hạ tầng, bổ sung bảng thông tin, hướng dẫn, lối dẫn đường, tạo thành điểm đến thực sự thu hút khách.

Quy hoạch tương lai, xã Đông Sơn sẽ có hai khu chức năng: Một là, cụm du lịch lịch sử gắn với nhà trưng bày, khu tưởng niệm; hai là, vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Giữa hai vùng sẽ có đường dẫn kết nối, để khách đến có thể tận mắt thấy “vùng đất chết hồi sinh” không chỉ bằng lời kể mà qua từng nhành cây, từng đàn gia súc, từng tiếng cười của người dân đã trở lại trên mảnh đất quê hương.

Sân bay A So từng là một trong những “tọa độ da cam” lớn nhất cả nước. Được Mỹ xây dựng từ đầu thập niên 1960 để khống chế tuyến hành lang Trường Sơn, nơi đây đã hứng chịu lượng chất độc hóa học cực lớn, có thời điểm nồng độ dioxin cao gấp 70 lần mức cho phép. Đất bị ô nhiễm nặng, nhiều khu vực bị bỏ hoang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống người dân. Năm 2023, Bộ Quốc phòng mới hoàn tất xử lý hơn 9,3ha đất nhiễm độc tại đây, mở ra cơ hội hồi sinh cho vùng đất A So.

Bài, ảnh: Bạch Châu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/dat-chet-hoi-sinh-153162.html