'Đắt hàng' bí đỏ Nhật trồng tại Kon Tum
Thăm vườn bí đỏ Nhật của anh Trần Đình Sỹ (thôn Trung Nghĩa Tây, xã Kroong, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) trái ngon to bự, giàu vitamin K, cứ zcắt bán là hết sạch
Nghe nói về nông dân ở thôn Trung Nghĩa Tây, xã Kroong trồng bí đỏ Nhật xuất khẩu, tôi liền đến nơi tìm hiểu. Ông Huỳnh Quốc Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Kroong (Tp Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đưa tôi đến vùng đất trồng bí đỏ Nhật ở bãi bồi thuộc thôn Trung Nghĩa Tây đang vào mùa thu hoạch quả.
Quan sát vườn bí, tôi thấy bí đỏ Nhật không khác bí ta và khá giống bí đỏ của đồng bào DTTS thường trồng trên rẫy. Quả bí nhỏ, tròn và đang chuyển từ màu xanh sang vàng xám, bình quân mỗi quả bí khoảng 3 kg.
Anh Trần Đình Sỹ, chủ vườn bí đỏ Nhật chia sẻ, không phải bây giờ anh mới trồng vụ đầu tiên mà đây là vụ thứ hai. Giống bí đỏ Nhật không khác bí đồng bào DTTS ở địa phương là mấy. Việc tham gia trồng bí đỏ Nhật là thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng của xã và có sự liên kết với Công ty TNHH Đông Phương (Quảng Nam) để có đầu ra cho sản phẩm.
Theo đó, trong thỏa thuận trồng bí, Công ty cung ứng hạt giống nhập từ Nhật Bản, chuyển giao kỹ thuật và cử kỹ sư nông nghiệp theo dõi, hướng dẫn việc trồng bí, còn nông dân cung ứng sản phẩm sau khi thu hoạch cho Công ty.
Quả bí đạt chuẩn có trọng lượng từ 1kg trở lên được Công ty thu mua với giá 10.500 đồng/kg và quả bí dưới chuẩn có giá thu mua bằng 50% so với bí đạt chuẩn.
“Trong vụ bí đỏ Nhật trồng từ tháng 2-5/2023, gia đình tôi trồng 2 thửa bí đỏ. Thửa thứ nhất có diện tích 6 sào, thu gần 10 tấn quả (trong đó có 4 tấn quả đạt chuẩn bán cho Công ty với giá quy định, còn lại là bán theo giá thị trường), trừ chi phí đầu tư, gia đình lãi hơn 50 triệu đồng.
Thửa đất thứ hai có diện tích 8 sào, thu gần 9 tấn quả (có 8 tấn quả đạt chuẩn), trừ chi phí đầu tư, gia đình lãi hơn 60 triệu đồng. Và vụ mới đây, gia đình trồng 8 sào, thu gần 7 tấn bí đỏ. Vụ này do nắng nóng, quả bí nám da, gia đình bán theo giá thị trường với giá 6.000 đồng/kg quả, thu trên 40 triệu đồng.
So với trồng mì, mía và một số cây trồng ngắn ngày khác, trồng bí đỏ Nhật có thu nhập cao hơn nhiều”- anh Trần Đình Sỹ khẳng định.
Theo anh Sỹ, trồng bí đỏ cũng không khó. Cũng như nhiều loại cây ngắn ngày khác, anh lên luống, bón phân, phủ bạt và gieo hạt bí đỏ. Nếu cây bí đỏ bị bệnh thì phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Đông Phương.
Đánh giá sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nông dân trồng bí đỏ Nhật, ông Nguyễn Đình Nhiên – Chủ tịch UBND xã Kroong cho biết, địa phương có lợi thế tiềm năng về đất đai, hệ thống sông, thủy lợi trong phát triển nông nghiệp.
Theo đó, UBND xã tham mưu cho Đảng ủy xã lãnh đạo việc thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng mới có giá trị kinh tế cao hơn và gắn với liên kết chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho người dân, xây dựng nông thôn mới mang tính bền vững.
Theo UBND xã Kroong, trên địa bàn có 4 hộ gia đình thực hiện mô hình bí đỏ Nhật, với diện tích 5ha. Bình quân 1ha bí đỏ Nhật thu 120 triệu đồng/vụ, trừ chi phí sản xuất, nông dân còn lãi 80 triệu đồng/ha/vụ.
So sánh với cây mì, lợi nhuận từ trồng bí đỏ Nhật cao gần gấp 2,5 lần, trong khi thời gian trồng bí đỏ ngắn ngày hơn (chỉ 3 tháng là thu hoạch, còn mì từ 1-2 năm mới thu hoạch).
Trồng bí đỏ Nhật để xuất khẩu sang Nhật là hướng đi mới của nông dân ở xã Kroong. Với hướng đi mới này, cây bí đỏ Nhật góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng ủy xã Kroong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế thấp, sang cây trồng có giá trị kinh tế cao và góp phần nâng cao đời sống cho một bộ phận nông dân ở địa phương.