Đất hồi sinh

55 năm sau chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh vào năm 1968, cùng với lợi thế tiềm năng về di tích lịch sử chiến tranh, năng lượng sạch; thương hiệu cà phê chè caktimor đang được gần 10.000 hộ đồng bào Pa Kô, Vân Kiều ở Hướng Hóa (Quảng Trị) canh tác, mỗi năm cho sản lượng khoảng 50.000 tấn quả tươi, giá trị kinh tế ước đạt trên 300 tỷ đồng/năm.

Tượng đài chiến thắng Khe Sanh. Ảnh: Thanh Tùng.

Tượng đài chiến thắng Khe Sanh. Ảnh: Thanh Tùng.

Cựu chiến binh Hồ Xang.

Cựu chiến binh Hồ Xang.

Một thời hoa lửa

Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) Trần Thị Hải Yến đưa chúng tôi đến nhà của cựu chiến binh Hồ Xang, 79 tuổi ở Khối 6. Đã 55 năm trôi qua, nhưng dư âm Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (được ví như trận Điện Biên Phủ thứ 2), còn vang vọng, đọng sâu trong ký ức của người lính Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia các trận đánh lẫy lừng suốt gần 200 ngày của năm 1968. Già Hồ Xang kể lại với chúng tôi nhiều kỷ niệm đẹp kể từ khi gia nhập bộ đội địa phương, làm liên lạc, dẫn đường, phục kích đánh tỉa dọc Đường 9 rồi đến các trận đánh đồn Cu Vơ, Làng Vây, Lao Bảo, Khe Sanh, sân bay Tà Cơn năm 1965, 1966. Kể từ tháng 1/1968, các chiến sĩ của huyện đội Nam Hướng Hóa do Đại đội trưởng Hồ Xang chỉ huy, sát cánh cùng bộ đội chủ lực đánh chiếm sân bay Tà Cơn, đồn bốt, cứ điểm quan trọng dọc Đường 9, giải phóng ấp chiến lược đưa dân về vùng tự do cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Về hưu với cấp bậc Đại úy năm 1985 nhưng trong cuộc gặp gỡ ấm cúng với tinh thần “cùng nhau gác lại quá khứ để hướng tới tương lai” vào mùa đông năm 2007, già Hồ Xang được những cựu binh Thủy quân lục chiến Mỹ nhắc đến với sự khâm phục bởi khi đồn trú ở Khe Sanh cũng như các cứ điểm dọc Đường 9, họ đã nghe tên ông. Hồ Xang luôn có mặt tại những trận tập kích táo bạo, bất ngờ của quân giải phóng vào các cứ điểm dọc Đường 9, trong đó có các cứ điểm được Thủy quân lục chiến Mỹ gọi bằng cái tên đầy ám ảnh như “Đồi thịt băm”, “Thung lũng thì thầm”…

Không chỉ được ví như “trận Điện Biên Phủ thứ 2”, thắng lợi hoàn toàn của Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh vào ngày 9/7/1968 được giới phân tích nhìn nhận: “Tổng cộng 2 giai đoạn kéo dài 170 ngày, kết thúc khi lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Khe Sanh, đánh dấu sự thất bại của hàng rào điện tử McNamara (Robert McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ). Khe Sanh đã trở thành nơi mà lần đầu tiên, quân đội Hoa Kỳ phải rút bỏ một căn cứ quân sự trọng yếu bởi áp lực của đối phương”.

Đường 9 qua thị trấn Khe Sanh ngày nay.

Đường 9 qua thị trấn Khe Sanh ngày nay.

Hồi sinh “vùng đất chết”

Đầu những năm 1990 khi lên cửa khẩu Lao Bảo đón đoàn du khách quốc tế lần đầu tiên đến Việt Nam bằng đường bộ, dừng chân ở thung lũng Khe Sanh hầm hập gió phơn tây nam, chúng tôi chỉ gặp rải rác những ngôi nhà sàn nhỏ bé của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều dọc Đường 9. Trong các bức ảnh của quân đội Mỹ, Đường 9 như sợi chỉ mỏng manh vắt qua núi đồi, bình nguyên trơ trụi. Có chứng kiến cái nghèo của Khe Sanh và gần 100 cây số Đường 9 nối Đông Hà với Lao Bảo cách đây vài thập kỷ mới cảm nhận đầy đủ sự hồi sinh của thung lũng có tổng diện tích khoảng 1.300 ha, từng được coi là “vùng đất chết” với đầy rẫy bom mìn còn sót lại.

Khe Sanh giờ đây không chỉ là thị trấn sầm uất trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, nơi trung chuyển hàng hóa giữa miền núi với đồng bằng mà còn là điểm dừng chân của nhiều đoàn du khách thăm lại chiến trường xưa, trải nghiệm thắng cảnh thiên nhiên độc đáo.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Khe Sanh Dương Văn Hải cho biết, thương mại - dịch vụ chiếm 65% trong tổng cơ cấu kinh tế của địa phương này. Nhờ đó thu nhập bình quân của khoảng 14.000 nhân khẩu ở Khe Sanh tăng đều đặn hàng năm, ngay cả trong đại dịch Covid-19. Năm 2020 thu nhập bình quân là 38 triệu đồng/người/năm thì năm 2022 con số này đã nâng lên 41,5 triệu đồng/người/năm. Thu nhập bình quân đầu người ở Khe Sanh tăng đều đặn từ 8 đến 10 triệu đồng/năm, kể từ năm 2018.

Tỷ lệ hộ nghèo của Khe Sanh giảm đều từ 1 đến 2%/năm, nhưng theo ông Hải thì con số hộ nghèo chưa phản ánh sát thực tế ở địa phương do đại bộ phận đồng bào Pa Kô, Vân Kiều chưa chú trọng sắm sửa tiện nghi sinh hoạt gia đình. Trong 7 Khối của thị trấn thì Khối 6 (có đông đồng bào Pa Kô, Vân Kiều sinh sống), tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, lên đến 50% tuy nhiên phần lớn các hộ đều có đàn trâu bò hàng chục con và rẫy chuối, rẫy cà phê trong rừng.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Khe Sanh Trần Thị Hải Yến cho biết, quý I/2023, Mặt trận phối hợp với chính quyền và các tổ chức, đoàn thể đã chăm lo chu đáo cho các hộ nghèo. Ngoài việc hoàn thành xây nhà Đại Đoàn Kết trị giá gần 100 triệu đồng cho 1 hộ đồng bào ở khối phố 3B; Mặt trận đã thăm hỏi, tặng 421 suất quà Tết Quý Mão 2023 (tổng trị giá gần 160 triệu đồng) cho gia đình chính sách, người nghèo, người khuyết tật, người già neo đơn. 23.685 kg gạo Tết Quý Mão của Chính phủ cũng được Mặt trận trao tận tay cho 391 hộ nghèo, cận nghèo.

55 năm sau chiến thắng Đường 9, “tử địa” Khe Sanh - Hướng Hóa ngày nào đã là một trong những địa chỉ nhiều hấp lực đối với các nhà đầu tư. Cùng với lợi thế về thương hiệu cà phê chè caktimor đang được gần 10.000 hộ đồng bào Pa Kô, Vân Kiều canh tác (mỗi năm cho sản lượng khoảng 50.000 tấn quả tươi, giá trị kinh tế ước đạt trên 300 tỷ đồng/năm) và di tích lịch sử chiến tranh; thị trấn Khe Sanh là một trong những địa chỉ đầy hấp lực đối với các nhà đầu tư năng lượng sạch. Nhiều ngọn núi bao quanh thung lũng Khe Sanh rộng gần 13.000ha đều có các tua bin điện gió được đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Khe Sanh cho biết, địa phương này đang gọi vốn đầu tư khoảng 150 triệu USD cho 54ha hồ thủy điện Khe Sanh. Hồ chứa nước của huyện (hồ huyện) có diện tích khoảng 20ha cũng đang được một doanh nghiệp khảo sát để hình thành quần thể nghỉ dưỡng, giải trí, du lịch gồm sân golf, khách sạn 5 sao, thăm chiến trường xưa.

Thắng lợi hoàn toàn của Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh vào ngày 9/7/1968 không chỉ làm tê liệt hoàn toàn hệ thống “phòng thủ” McNamara rộng 20 km dài gần 100 km từ Nam vĩ tuyến 17 đến Đường 9 mà còn thay đổi cục diện chiến trường, mở rộng tuyến vận tải quân sự (Đường Hồ Chí Minh về phía Đông), tạo đà cho chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

THANH TÙNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dat-hoi-sinh-5716512.html