Đất 'kim cương', thương hiệu kem quốc dân và chuyện 'đổi đời' của OCH

Dù nắm trong tay nhiều lợi thế doanh nghiệp nào cũng khao khát, nhưng chủ sở hữu thương hiệu kem Tràng Tiền vẫn đang ôm khoản lỗ lũy kế 655 tỷ đồng.

Câu chuyện kem Tràng Tiền

"Phi thực kem Tràng Tiền, bất thành Người Hà Nội". Thăm quan phố đi bộ Hoàn Kiếm, ngắm hồ Gươm, thưởng thức một chiếc kem Tràng Tiền là những hoạt động quen thuộc của những du khách trong mỗi lần tới Hà Nội.

Tràng Tiền là một trong những con phố đẹp bậc nhất của Hà Nội với vị trí đắc địa ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm.

Với chiều dài chỉ vẻn vẹn hơn 700m, nhưng nơi đây lại tập trung nhiều thương hiệu nổi tiếng, như Tràng Tiền Plaza, kem Tràng Tiền, Hiệu sách Thăng Long…

Trên con phố này có một khu "đất kim cương" với diện tích lên tới 1.500m2 được định giá lên tới hàng tỷ đồng/m2, nếu tính giá 1 tỷ đồng/m2 thì khu đất này sẽ có tổng giá trị lên tới 1.500 tỷ đồng.

Khu đất này thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần kem Tràng Tiền - chủ sở hữu thương hiệu kem Tràng Tiền nổi đình đám trên đất Hà thành. Trên con phố "kim cương" ấy, hình ảnh người ăn kem đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi đứng chật cứng gần cả trăm mét vuông vỉa hè phố đi bộ, nói không ngoa có thể ghi vào kỷ lục Việt Nam.

Sau khi được cổ phần hóa, tới cuối năm 2013, CTCP One Capital Hospitality (HNX: OCH) đã hoàn tất thương vụ thâu tóm hãng kem này, qua đó gián tiếp sở hữu quỹ đất "kim cương" lên tới 1.500m2 tại địa chỉ số 35 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Kể từ đó, thương hiệu cũng như đất đai thuộc sở hữu của kem Tràng Tiền đều đã nằm trong quyền quyết định của OCH.

1.500m2 đất "kim cương" trên phố Tràng Tiền về tay OCH.

1.500m2 đất "kim cương" trên phố Tràng Tiền về tay OCH.

OCH là công ty con của CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, HoSE: OGC), đồng thời chính là chủ sở hữu thương hiệu bánh Givral nổi tiếng hơn 70 năm tuổi tại Tp.HCM.

Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản du lịch, kinh doanh quản lý khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ liên quan.

Công ty này một thời gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT công ty, đồng thời cũng là nguyên Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) và Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) trước khi ông này bị khởi tố.

Ngoài việc sở hữu loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các loại bánh và kem có tiếng, OCH còn là chủ của nhiều lô đất vàng tại vị trí đắc địa.

Cùng với chuỗi khách sạn Sunrise tại khu vực miền Trung cùng loạt resort, khách sạn lớn như Sunrise Nha Trang; Sunrise Premium Resort & Spa HoiAn; Star City Nha Trang...

Miệt mài kinh doanh xóa lỗ lũy kế

Nắm trong tay nhiều lợi thế lớn từ đất đai ở vị trí đắc địa với nhiều thương hiệu nổi danh quốc dân, tưởng chừng như kết quả kinh doanh của OCH sẽ luôn thẳng đà đi lên thế nhưng báo cáo tài chính của OCH lại cho thấy tình hình kinh doanh lên xuống khá thất thường chỉ bởi "vết đen" trong quá khứ.

Cụ thể, ngay vào năm đầu tiên sau khi hoàn tất "thâu tóm" kem Tràng Tiền, OCH ghi nhận lỗ sau thuế gần 867 tỷ đồng, đây cũng chính là năm mà Chủ tịch Hà Văn Thắm của công ty vướng vòng lao lý.

Nguyên do chủ yếu bởi công ty ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến lên gần 966 tỷ đồng bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong đó bao gồm dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 356 tỷ đồng và dự phòng phải thu dài hạn khó đòi 500 tỷ đồng.

Khoản lỗ sau thuế kỷ lục này đã trở thành một "vết đen" trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp, khiến đến nay công ty vẫn loay hoay tìm cách xóa đi khoản lỗ lũy kế hàng trăm tỷ đồng.

Sở hữu nhiều thương hiệu "quốc dân" nhưng OCH kinh doanh lên xuống khá thất thường.

Sở hữu nhiều thương hiệu "quốc dân" nhưng OCH kinh doanh lên xuống khá thất thường.

Năm 2020 có lẽ là năm kinh doanh thành công nhất kể từ sau khi OCH sở hữu thương hiệu kem quốc dân.

Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 ập đến và ảnh hưởng trực tiếp tới việc kinh doanh của các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là khách sạn, du lịch và thực phẩm - ngành kinh doanh cốt lõi của OCH.

Tuy nhiên, nhờ Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh trong nước, hoạt động kinh doanh của OCH đã dần khởi sắc trở lại vào nửa cuối năm 2020 và giúp công ty báo lãi đột biến lên tới hơn 271 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh năm 2020 cũng cho thấy tầm quan trọng của OCH đối với công ty mẹ khi tới 98% doanh thu thuần và lãi gộp năm 2020 của Ocean Group đến từ OCH.

Công ty cũng tiếp tục báo cáo tình hình kinh doanh khởi sắc trong năm 2022, 2023 với lãi sau thuế lần lượt đạt 72 tỷ đồng và 119 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo công ty chia sẻ do nền kinh tế, thị trường dần hồi phục sau đại dịch Covid-19 giúp cả mảng kinh doanh thực phẩm và khách sạn, nghỉ dưỡng đều đem về khoản thu lớn.

Tuy nhiên tại báo cáo mới nhất mà OCH công bố, công ty lại báo lỗ bán niên năm 2024 sau soát xét hơn 70 tỷ đồng.

Nguyên do chủ yếu bởi trong kỳ kế toán này chi phí tài chính của công ty tăng đột biến lên hơn 53 tỷ đồng, cao gấp 5,5 lần so với cùng kỳ đã "xóa sổ" lợi nhuận của doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay chiếm 53 tỷ đồng.

Qua đó, nâng lỗ lũy kế của doanh nghiệp lên gần 655 tỷ đồng tại ngày 30/6/2024.

Do lợi nhuận là số âm nên cổ phiếu OCH vừa nhận về thông báo bị cắt margin kể từ ngày 12/9/2024 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Trước đó, mã này cũng đang phải nằm trong diện cảnh cáo do công ty có khoản lỗ lũy kế hàng trăm tỷ đồng.

Trong một diễn biến liên quan, từ năm 2014, 115 triệu cổ phiếu OCH, tương đương với 57,5% cổ phần đã bị các tổ chức tín dụng phong tỏa cho các nghĩa vụ trả nợ.

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến hết năm 2024, Ocean Group đã phải thực hiện hàng loạt các biện pháp cơ cấu, thanh toán các khoản nợ và hoàn tất một số nghĩa vụ với các đối tác.

Với những nỗ lực bỏ ra, công ty đã tiến hành giải tỏa được khoảng 96 triệu cổ phiếu OCH trên tổng số 115 triệu cổ phiếu bị phong tỏa.

IDS Equity Holdings

Dù thực phẩm là mảng đóng góp phần lớn kết quả kinh doanh của OCH nhưng công ty vẫn đặt ra tham vọng lớn cũng như hướng mục tiêu trọng tâm là "kiếm lời" từ bất động sản.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào ngày 15/5/2024, ban lãnh đạo OCH chia sẻ tham vọng quy mô doanh thu của công ty trong 5 năm tới dự kiến đạt khoảng 4.000 tỷ đồng, với lợi nhuận khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

Theo đó lãnh đạo công ty nhận định các mảng kinh doanh hiện tại nếu giữ nguyên sẽ khó ghi nhận kết quả kinh doanh đột phá, do đó công ty sẽ tiến hành xây dựng và M&A để tăng danh mục khách sạn lên 10 khách sạn tại các thành phố lớn của Việt Nam.

Thực tế không phải tới khi đại hội thường niên năm 2024 diễn ra, công ty mới chuẩn bị cho kế hoạch này mà ngay từ cuối năm 2023, OCH đã nhen nhóm ý định qua những động thái đầu tiên.

OCH đề ra mục tiêu trọng tâm chính trong thời gian tới là phát triển các dự án bất động sản.

OCH đề ra mục tiêu trọng tâm chính trong thời gian tới là phát triển các dự án bất động sản.

Theo báo cáo tài chính năm 2023, cuối năm này OCH ghi nhận phát sinh một khoản vay trị giá 1.400 tỷ đồng đối với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), tương đương 84% tổng dư nợ tài chính của công ty.

Đây là khoản vay dài hạn của CTCP Bánh Givral – công ty con của OCH để mua lại phần vốn của Công ty TNHH Sản xuất Bình Hưng, lãi suất vay là 7%/năm.

Thời hạn vay đến ngày 16/12/2030, khoản vay được đảm bảo bằng toàn bộ cổ phần và các quyền liên quan đến cổ phần của Công ty TNHH Sản xuất Bình Hưng tại CTCP IDS Equity Holdings, các hợp đồng tiền gửi của CTCP One Capital Hospitality và một thửa đất tại Nha Trang của Công ty TNHH MTV Sao hôm Nha Trang.

Công ty TNHH Sản xuất Bình Hưng là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Đáng chú ý, công ty này có mối liên hệ mật thiết với IDS Equity Holdings - nhóm cổ đông lớn đang nắm quyền điều hành tại Ocean Group.

Người đại diện pháp luật của Sản xuất Bình Hưng là ông Lê Minh Thành - nguời cũng đồng thời là đại diện pháp luật cho loạt doanh nghiệp bất động sản như CTCP IDS Equity Holdings, CTCP Bất động sản Việt Bắc, CTCP Leadvisors Ib, CTCP A B Phú Quốc, CTCP Nha Trang Eden Bay...

Chia sẻ về khoản vay lớn trên tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, lãnh đạo OCH cho biết cơ hội đã đến với OCH vào năm 2023.

Tuy nhiên do HĐQT chủ trương không muốn phát hành trái phiếu để huy động vốn vì sợ cổ đông hiện hữu bị pha loãng, do đó công ty quyết định đi vay để từng bước hiện thực hóa việc sáp nhập một công ty có bất động sản du lịch khá lớn.

Bên cạnh 2 khách sạn lâu đời tại Nha Trang, tới nay OCH còn đang là cổ đông lớn nhất của các dự án bất động sản và tòa nhà hạng A tại trải dài khắp Việt Nam như Dusit Cung điện Từ Hoa Hanoi (dự kiến khai trương trong năm nay), Melia Ha Long Bay (giai đoạn xây dựng), MGallery Ninh Van Bay (giai đoạn thiết kế) và các tòa nhà văn phòng hạng A Leadvisors Tower và Leadvisors Place (đã hoạt động) - đây đều là những bất động sản thuộc sở hữu của IDS Equity Holdings.

Nguyễn Hồng Nhung

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dat-kim-cuong-thuong-hieu-kem-quoc-dan-va-chuyen-doi-doi-cua-och-204240911163918418.htm