Đất long mạch nhà Nguyễn - 'kế ngàn năm'
Mảnh đất Huế (Thừa Thiên - Huế) - nơi kinh thành Phú Xuân xưa, là một thời triều đại nhà Nguyễn trị vì với nhiều thăng trầm, biến động trong lịch sử. Nơi đây cũng nổi tiếng với hàng loạt các di chỉ, kiến trúc của kinh thành Huế cùng các lăng tẩm rải rác xung quanh thành. Mỗi lăng tẩm lại chọn một vị trí riêng ứng với long mạch của vị vua tạ thế. Việc tìm long mạch được các vị vua nhà Nguyễn rất chú trọng, có khi phải cho người tìm kiếm cả hàng tháng trời…
Theo góc độ phong thủy, long mạch ý chỉ là những dòng khí mạch chạy trong núi (giống với mạch máu trong cơ thể) nhấp nhô, uốn lượn như rồng. Điểm khởi đầu của mạch núi là nơi sinh khí bắt đầu phát sinh, điểm kết thúc của mạch núi là nơi sinh khí ngưng tụ. Tại nơi tập kết khí mạch của núi mà xây huyệt mộ sẽ mang lại nhiều điều tốt lành.
Vua Nguyễn đi tìm long mạch
Câu chuyện tìm long mạch được các vị vua của triều đại nhà Nguyễn đặc biệt chú trọng. Trong 13 vị vua của vương triều này, có tới 7 vị vua có lăng tẩm riêng, mỗi lăng tẩm lại có vị thế, kiến trúc đặc biệt, ứng với phong cách và con người của vị vua đó.
Nhưng điểm chung của các lăng tẩm này đều sở hữu địa thế vô cùng đắc lợi, nằm nơi núi non trùng điệp và không gian vừa hoang sơ, vừa thiêng liêng, hai trong số đó là Thiên Thọ Lăng (lăng tẩm của Vua Gia Long) và Hiếu Lăng (lăng tẩm của Vua Minh Mạng).
Địa bàn xã Hương Thọ ở bờ bắc thượng nguồn sông Hương, ranh giới được phân định từ núi Ngọc Trản, nơi có điện Hòn Chén, lên tới làng Định Môn chính là nơi có lăng tẩm của Vua Gia Long. Vùng đất này nằm ngay nơi ngã ba hai nhánh sông Tả Trạch và Hữu Trạch của sông Hương hội tụ, tạo nên vùng sơn thủy hữu tình và xưa kia cũng được Vua Gia Long xác định là vùng long mạch.
Theo ghi chép của triều Nguyễn, năm 1814, sau khi Thừa Thiên Cao hoàng hậu mất, Vua Gia Long đã sai người đi tìm vùng đất có long mạch để làm lăng tẩm cho vợ và cũng là nơi yên nghỉ của mình sau này. Vua sai đại thần Lê Duy Thanh, người rất am hiểu và tinh thông địa lý, phụ trách việc tầm long điểm huyệt.
Sau khi Lê Duy Thanh tìm được vị trí đất đẹp, Vua Gia Long địch thân cưỡi voi đến xem. Vua sau lại chọn một vùng đất khác, cách đó không xa, tự mình xem xét, gieo quẻ, rồi trách đại thần rằng: “Xét về long mạch và cuộc đất cát tường thuận theo cung mệnh đế vương thì nơi đây mới hợp, lẽ nào khanh không biết mà lại lại chọn cho trẫm một nơi không thuận hợp như trước kia. Hay là khanh đã biết mà muốn dành để cải táng hài cốt cha ông mình vào đó”?
Đó chính là vùng đất tại xã Hương Thọ ngày nay. Theo nhiều nhà phong thủy, thế đất này rất đẹp, có Long nhập thủ từ phương Cấn đến, tả có Thanh Long, hữu có Bạch Hổ bao bọc, trước mặt có một hồ nước lớn làm minh đường với phương thủy tụ là Khôn sơn. Phía bên kia hồ lại có ngọn núi Thiên Thọ làm tiền án, nước chảy tới minh đường rồi uốn lượn mà chảy tiêu ở thủy khẩu Tuất phương.
Đến đời Vua Minh Mạng, vị vua được mệnh danh là người có nhiều phi tần và con cháu nhất trong triều đại nhà Nguyễn, công cuộc tìm long mạch để xây lăng tẩm cũng được ông dành hàng năm trời để tìm hiểu. Bảy năm sau khi lên ngôi, tức năm 1826, Vua đã lập tức cho người tìm vùng đất đẹp, làm nơi kết phát để làm lăng mộ cho chính mình sau này.
Vua Minh Mạng dụ cho văn võ đình thần đi tìm hai ngôi đất là “Vạn niên đại cát địa” và “Vạn niên cát địa”, trong chỉ dụ, Vua viết: “Các thánh đế minh vương đời xưa muốn cầu nhiều phước đều có dự định đất tốt vạn niên để mong trời cho cơ đồ dài lâu. Kể từ đức Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta khôi phục miếu xã, xây dựng các lăng, lại dự kế cất để nghìn muôn năm, năm Gia Long đã từng hạ sắc cho bầy tôi tìm kiếm ngôi Vạn niên cát địa.
Nay trẫm kính lo đường kế thuật, may gặp buổi thái bình, việc phần mộ không thể không dự tính trước. Vậy hạ lệnh cho đình thần cùng với Khâm thiên giám đi đến miền núi thuộc các xã Kim Ngọc, Định Môn, lựa trước ngôi “Vạn niên đại cát địa” và ngôi “Vạn niên cát địa”, cho được gần chốn khí thiêng mà để lại phước ấm về sau. Các khanh đều nên hết lòng nhận kỹ, cốt cho thỏa hợp, rồi vẽ địa đồ dâng trình, đợi trẫm thân đến lựa chọn”.
Hành trình tìm đất long mạch của nhà vua cũng mất tận 14 năm bao gồm cả việc tìm kiếm, cân nhắc nhiều ý kiến và nhiều sự lựa chọn. Sau, Vua cũng quyết định lựa chọn núi Cẩm Kê, thuộc xã An Bằng để dựng lăng tẩm, làm đất phát nghiệp ngàn năm.
Theo “Đại Nam thực lục”, khi đến xem đất Vua bảo rằng: “Núi này thực phong thủy tốt, nơi này chưa ai xem ra, nay xem được chỗ đất tốt, thật đáng vui mừng”. Khu vực này gần với nơi hợp lưu của hai con sông Tả Trạch và Hữu Trạch, cách kinh thành Huế 12km, là vị trí đặc địa để xây dựng lăng tẩm, điều này khá tương đồng với việc chọn đất của Vua Gia Long.
Công trình lăng tẩm trong quá trình xây dựng có lúc bị gián đoạn do không đúng ý Vua, sau Vua Minh Mạng lại qua đời khi đang xây dựng dang dở, công trình này tiếp tục được hoàn thành ở đời Vua Thiệu Trị. Ngày nay, nhiều người đánh giá lăng Minh Mạng là một công trình kiến trúc đẹp, cân bằng đối xứng trên diện tích 18 ha, một trong những điểm du lịch rất thu hút du khách trong quần thể kiến trúc cung đình, lăng tẩm xứ Huế.
Và “Đất kế ngàn năm”
Trước triều Nguyễn, trong dân gian cũng tương truyền nhiều giả thuyết liên quan đến việc tìm long mạch và ý nghĩa của long mạch đối với việc hưng thịnh quốc gia. Theo cuốn “Ðại Nam thiền uyển truyền đăng tập lục” - tài liệu lịch sử cổ nhất của Phật giáo Việt Nam, vào thế kỷ thứ 9, Việt Nam bị xâm lược bởi nhà Đường (Trung Quốc).
Vua Đường cử Cao Biền – một vị tướng giỏi địa lý, am hiểu thuật phong thủy sang cai trị nước ta, đồng thời cũng sai cho tìm kiếm những nơi đất tốt, có long mạch lớn để trấn yểm nhằm làm nhân tài, anh kiệt của nước ta. Cao Biền sử dụng đến 8 vạn cái tháp bằng đất nung để trấn yểm tại núi Tản Viên (Ba Vì), đặt bùa trấn yểm dọc sông Tô Lịch,…
Tuy nhiên, công cuộc trấn yểm thất bại, Cao Biền than thở: “Linh khí ở phương Nam không thể lường được”. Câu chuyện này vốn khiến nhiều người hoài nghi về độ chân thực nhưng việc long mạch quyết định sự phát triển của quốc gia được nhiều chuyên gia phong thủy khẳng định là có cơ sở.
Long mạch có sự liên hệ trực tiếp tới sự thịnh suy của vương triều và sự ổn định của giang sơn, xã tắc. Bởi vậy, các bậc đế vương xưa rất coi trọng phong thủy, long mạch và ghi chép sử sách cũng lưu truyền rất nhiều những câu chuyện khác về chuyện tìm long mạch. Trong “Tuyết tâm phú chính giải” có viết: “Long mạch biểu thị hướng đi, độ nhấp nhô, sự chuyển hướng, biến hóa của mạch núi, từ đó suy luận bố cục tốt xấu của một vị trí địa lý nào đó”.
Trong văn hóa Trung Hoa cổ xưa, cho rằng, vạn sự vạn vật trong vũ trụ sinh ra đều có sự đối ứng, long mạch trên mặt đất đối ứng với nhân mạch trên nhân gian và thiên mạch trên Trời. Thiên mạch chính là “Thiên ý”, quyết định sự biến đổi của thiên tượng. Còn long mạch chính là mạch của địa tượng, quyết định sự biến hóa của địa tượng.
Tìm thế đất có long mạch, cũng chính là tìm nơi để an phát quốc gia, xây dựng nghiệp ngàn năm. Nhìn về lịch sử, năm 1397, Hồ Quý Ly trước khi lên ngôi đã chọn vùng đất thuộc Thanh Hóa làm nơi xây dựng kinh đô, nhưng lại cho xây thành Tây Đô kiên cố trên vùng đất có long mạch là con sông Mã.
Tuy nhiên, ngoài việc nhà Hồ không được lòng dân, nhiều nhà phong thủy cho rằng thế đất của thành Tây Đô không thực sự tốt, chỉ là “long xà ẩm thủy” hoặc “đầu non cuối nước” mà thôi, bởi vậy, nhà Hồ chỉ tồn tại được 7 năm dù có nhiều cải cách vượt trội.
Thuận theo hiện tại, có thể lấy ví dụ rằng, sở dĩ Hà Nội được sử sách ghi chép lại là đất “long chầu, hổ phục” bởi vị trí đất ở đây được bao bọc bởi hai mạch núi lớn như long, như hổ hai bên (mạch núi Sóc Sơn -Đông Anh có con sông Hồng chạy dọc hộ về và mạch núi Ba Vì). Hơn nữa, vùng đất này còn là nơi quy tụ của một loạt núi hình cánh cung phía Đông – Nam, kèm theo là các con sông cũng quy tụ về đây, đúng là nơi “Thiên sơn vạn thủy triều lai/ Can chi bát quái trong ngoài tôn nghinh”.
Tìm đất long mạch để tạo thế đất tốt làm nơi “phát” nghiệp là có cơ sở, tuy nhiên, không phải thế đất tốt thì con cháu đời sau sẽ vượng. Sử thần Ngô Sĩ Liên thời Lê đã bình luận rằng: “Từ khi có trời đất này, thì đã có núi sông này, mà khí trời chuyển vận, thánh nhân ra đời, đều có số cả. Khí trời từ Bắc chuyển xuống Nam, hết Nam rồi lại quay về Bắc.
Thánh nhân trăm năm mới sinh, đủ số lại trở lại từ đầu. Thời vận có lúc chậm lúc chóng, có khi thưa khi mau mà không đều, đại lược là thế, có can gì đến núi sông? Nếu bảo núi sông có thể lấy pháp thuật mà trấn áp, thì khí trời chuyển vận, thánh nhân ra đời có pháp thuật gì trấn áp được không?”.
Bởi vậy, nhiều người cho rằng vượng khí đất trời đôi khi khó có thể thắng được bánh xe lịch sử. Song, không thể phủ nhận, việc tìm đất long mạch, nơi có phong thủy tốt để xây dựng lăng tẩm của vua chúa Nguyễn có vai trò lớn trong việc hình thành không gian quần thể kiến trúc lăng tẩm, cùng với kinh thành Huế trở thành dấu tích lịch sử của chế độ phong kiến cuối cùng ở nước ta còn lưu giữ được đến ngày nay.