Đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cứu sống cụ ông 97 tuổi
Ngày 22/2, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, các y, bác sĩ vừa tiến hành đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, cứu sống bệnh nhân 97 tuổi.
Trước đó, ông T.T.N.A. (97 tuổi, trú TP Tam Kỳ, Quảng Nam) được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, thở yếu, nhịp tim rời rạc, chỉ 20 - 30 lần/phút (người bình thường dao động từ 60 - 100 lần/phút).
Các bác sĩ tiến hành đặt tạo nhịp tim tạm thời từ tĩnh mạch đùi đi vào buồng tim phải nhằm tạo ra dòng điện kích thích lên tim, điều trị rối loạn nhịp tim. Bệnh nhân không có dấu hiệu hồi phục, xảy ra tình trạng bị block nhị thất cấp 3 hoàn toàn.

TS.BS Hồ Anh Bình trực tiếp kiểm tra, thăm khám cho bệnh nhân sau khi được đặt máy tạo nhịp tim.
Qua hội chẩn, các bác sĩ quyết định xẻ vai phải bệnh nhân làm ổ đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, dùng điện cực qua đường tĩnh mạch vào buồng thất phải tim và đặt điện cực ở đó. Sau khi đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, sức khỏe bệnh nhân phục hồi tốt và đang được theo dõi tại Khoa Cấp cứu tim mạch can thiệp, Trung tâm tim mạch.
TS.BS Hồ Anh Bình, Giám đốc Trung tâm Tim mạch cho biết, người trên 85 tuổi thường e ngại việc can thiệp tim mạch. Với thể trạng người cao tuổi, nhiều bệnh lý tiềm ẩn, quá trình đặt máy tạo nhịp tim đối mặt nguy cơ về ngừng tim, rối loạn nhịp tim, thậm chí tử vong.
Theo TS.BS Hồ Anh Bình, bên cạnh việc có nhiều bệnh lý đồng mắc, người cao tuổi còn dễ bị rối loạn nhịp chậm do quá trình lão hóa hệ thống dẫn truyền tim. Một số đặc điểm quan trọng cần lưu ý gồm:
Tỷ lệ rối loạn nhịp chậm cao: Hội chứng nút xoang bệnh lý và block nhĩ thất xuất hiện ở khoảng 0,2 – 0,7% người trên 65 tuổi, tăng lên hơn 5% ở nhóm trên 80 tuổi.
Rung nhĩ gia tăng: Ở người trên 65 tuổi, tỷ lệ rung nhĩ khoảng 5 – 10%, làm tăng nguy cơ đột quỵ và suy tim.
Giám đốc Trung tâm Tim mạch chia sẻ, rối loạn nhịp tim ở người cao tuổi không chỉ làm suy giảm khả năng vận động mà còn làm tăng nguy cơ nhập viện, biến chứng tim mạch và tử vong.
Trong đó, rối loạn nhịp chậm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây giảm tưới máu hệ thống, đặc biệt ảnh hưởng đến não và tim.
Nhịp tim chậm dưới 40 lần/phút có thể gây giảm cung lượng tim nghiêm trọng, dẫn đến hoa mắt, choáng váng, ngất, thậm chí đột tử nếu không được can thiệp kịp thời.
Suy giảm lưu lượng máu lên não khiến người bệnh dễ rơi vào tình trạng lú lẫn, té ngã, tăng nguy cơ đột quỵ. Khó thở, đau tức ngực xảy ra khi nhịp tim không đủ duy trì huyết động, làm trầm trọng hơn bệnh lý nền như suy tim, bệnh mạch vành
"Theo hướng dẫn của Hội Tim mạch Châu Âu ESC 2019, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn được khuyến cáo trong các trường hợp rối loạn nhịp chậm có triệu chứng hoặc nguy cơ cao như block nhĩ thất hoàn toàn và/hoặc hội chứng nút xoang bệnh lý", TS.BS Hồ Anh Bình nói.