Đất nối hai sông nơi cửa sóng

Tôi lang thang trên cánh đồng làng Cổ Am xanh ngút ngát trong vụ lúa xuân. Dòng sông Hóa dạt dào sóng nước mát rượi bên đôi bờ cỏ xanh nõn nà. Vùng đất Cổ Am ở cuối huyện Vĩnh Bảo - Hải Phòng được phù sa sông Hóa bồi đắp bao đời nay. Cầu sông Hóa được xây dựng trên đường 37 xuyên qua xã. Bên kia là đất Thái Bình và cách biển chỉ chừng 8 cây số. Do đó làng có phố nhộn nhịp tàu xe hướng về nơi cửa sông lộng gió.

Miền đất sinh quan

Người làng kể, xưa vùng đất sình lầy này (gọi là Úm Mạt) còn bị nước biển cuộn sóng tới đê sông Thái Bình. Những trang ấp đầu tiên hình thành chìm nổi trên vùng sình lầy rộng lớn. Thời vua Lý Cao Tông (1176-1210) lên ngôi đã cử Thái úy Tô Hiến Thành tới đây giúp dân đắp đê lấn biển. Đất đai khu vạn chài được mở rộng và kéo dài hàng chục dặm. Cuối thời nhà Trần có nhiều người tới đây lập nghiệp. Người đứng đầu họ Trần khi đó là tướng Trần Khắc Trang về đây dưỡng thương và ẩn dật.

Ông cùng bà con dòng họ cải tạo những khu rừng rú, sình lầy và dựng chùa Mét (1407). Cùng trong thời gian này không ít những trí thức nhà Trần cùng những sĩ phu bất đắc chí cũng về đây tìm kế sinh nhai. Do đó vùng đất Úm Mạt sớm có môi trường sách vở, năng động và chăm chỉ dựng nghiệp. Tới thời nhà Mạc, vùng đất rộng lớn này tách ra thành xã Cổ Am và thôn Trung Am (nay thuộc xã Lý Học - Vĩnh Bảo).

Lễ hội Trạng Trình ở thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Lễ hội Trạng Trình ở thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Đây cũng là nguồn cơn vì sao xã Cổ Am nổi tiếng với nghề “Đèn sách”. Kế sinh nhai người dân chủ yếu trồng lúa và cây thuốc lào nhưng gia đình nào cũng tập trung cho con cháu ăn học. Họ hình thành quan niệm “Một kho vàng không bằng nang chữ”. Không bao lâu Cổ Am nổi tiếng với hàng loạt hàng ngũ danh gia khoa bảng qua các kỳ thi và trở thành quan lớn trong các triều đình sau này. Khởi đầu họ Trần, phải kể đến Trần Lương Bật đầu tiên đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thân (1664) và làm tới chức Hữu thị lang bộ binh. Từ đó người họ Trần cùng với dòng dõi họ Đào ở Cổ Am thay nhau chiếm bảng vàng trong các cuộc thi.

Theo con số thống kê gần đây (tính từ 1954), Cổ Am hiện có 24 viện sĩ, giáo sư và phó giáo sư cùng với 62 tiến sĩ và hàng trăm thạc sĩ các lĩnh vực khoa học và xã hội khác nhau. Đất vùng thuốc lào này nức tiếng với khoa cử đã được tôn vinh “Đông Cổ Am-Nam Hành Thiện”. Đâu đâu cũng truyền tai nhau: “Phù sa Úm Mạt thơm hương lúa/ Người Cổ Am chăm chỉ học hành/ Đất nối hai sông miền sóng gió/ Hiền tài như sao sáng trời xanh”.

Khi chúng tôi về tới chùa Mét mới hay đây là nơi đèn sách đầu tiên của tuổi thơ Trình Quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Người dạy chữ đầu tiên cho Nguyễn Bỉnh Khiêm chính là nhà sư Trần Ôn Sóc. Chúng tôi bồi hồi đứng trước bức tượng chân dung tổ sư Trần Ôn Sóc, đời thứ hai trụ trì chùa Mét. Người quản chùa nói, quê nội của Nguyễn Bỉnh Khiêm ở bên Cổ Am sau gia đình chuyển về Trung Am sinh sống.

Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng nguyên năm 1535, làm quan thời nhà Mạc khoảng 8 năm rồi lui về ẩn dật. Ông được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi Trình Quốc Công. Sau khi cáo quan, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm quay lại chùa Mét mở lớp dạy học. Trong số đệ tử của Trạng Trình, không ít người thành tài và nổi danh sau này như tiến sĩ Phùng Khắc Khoan (Trạng Bùng), Thượng thư bộ lễ Lương Hữu Khánh, hoặc Nguyễn Dữ tác giả “Truyền kỳ mạn lục” và là tri huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc)…

Ngôi nhà văn nghệ sĩ

Chúng tôi được đoàn dẫn về ngôi nhà cổ tại xóm 4, một trong hàng chục ngôi nhà có tuổi đời hơn 100 năm tại xã Cổ Am. Đây là ngôi nhà của ông Tuần phủ Trần Mỹ, thân sinh hai nhà văn Khái Hưng (1896-1947) và Trần Tiêu (1900-1954) trong nhóm “Tự lực văn đoàn” (1933-1943). Nếu nhà văn Khái Hưng (Trần Khánh Giư) được coi là “lực sĩ” tiểu thuyết của nhóm với 12 tác phẩm và 8 tập truyện ngắn; thì nhà văn Trần Tiêu, em ruột ông lại chỉ vỏn vẹn có 2 tiểu thuyết và 3 tập truyện ngắn. Phòng văn của hai người được xây thành một ngọn núi (đắp đá giả sơn) rất kỳ thú.

Chúng tôi vào thăm phòng văn độc đáo này và hình dung về những trang viết của hai nhà văn. Nào là “Hồn bướm mơ tiên”, “Nửa chừng xuân”, “Tiêu sơn tráng sĩ” của Khái Hưng; hay đó là những tác phẩm của Trần Tiêu với “Con trâu” và “Làng Cầm đổi mới”. Riêng cuốn “Làng Cầm đổi mới”, nhà văn Trần Tiêu viết những chuyện gắn với sự đổi mới của chính làng quê Cổ Am. Ông sớm tham gia kháng chiến, đã từng là Ủy viên Hội đồng nhân dân xã Cổ Am và luôn hướng con cháu theo cách mạng.

Ngôi nhà vườn tại Cổ Am của gia đình nhà văn Trần Tiêu, NSND Trần Bảng và NSND Trần Lực.

Ngôi nhà vườn tại Cổ Am của gia đình nhà văn Trần Tiêu, NSND Trần Bảng và NSND Trần Lực.

Đặc biệt nhà văn Trần Tiêu có con trai là đạo diễn, NSND chèo nổi tiếng Trần Bảng (1926-2023). Theo gương cha, nghệ sĩ Trần Bảng sớm hoạt động cách mạng từ 1945. Ông lên chiến khu Việt Bắc (1950) và sau đó cùng một số nghệ sĩ thành lập Đoàn Văn công Trung ương. Kịch bản chèo đầu tiên “Chị Trầm” do ông sáng tác và dàn dựng đã được Bác Hồ cùng lãnh đạo nhiệt liệt hoan nghênh. Nghệ sĩ Trần Bảng gắn với bộ môn chèo từ đó và tiếp tục viết hàng loạt kịch bản mới cho các nghệ sĩ trình diễn phục vụ kháng chiến. Ông còn có công biên soạn và dàn dựng lại nhiều tích chèo cổ nổi tiếng như “Quan Âm thị Kính”, “Xúy Vân giả dại”, “Lưu Bình Dương Lễ, “Lọ nước thần”…

Học trò của ông trong hàng chục năm sau nổi lên có nhiều gương mặt xuất sắc. Có thể kể đến các NSND Diễm Lộc, Kiều Bạch Tuyết, Chu Văn Thức, Bùi Trọng Đang, Thúy Ngần, Thúy Mùi, Quốc Anh… NSND giáo sư, đạo diễn Trần Bảng đã kinh qua các chức vụ: Giám đốc Nhà hát Chèo Trung ương; Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); và Phó Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khóa 1 (1957).

Điều kỳ thú ở ngôi nhà này còn nổi lên gương mặt nghệ sĩ mới lạ hiện đại ít ai ngờ. Đó chính là NSND Trần Lực (sinh năm 1963), con trai của NSND Trần Bảng. Gia đình anh là nôi nghệ thuật truyền thống bởi cha mẹ và các anh chị đều là nghệ sĩ. Về nghệ thuật diễn xuất, Trần Lực ảnh hưởng sự tinh tế của mẹ; còn công việc của một đạo diễn anh lại có màu sắc khúc chiết, thâm trầm của cha.

Trần Lực nổi lên từ một diễn viên điện ảnh xuất sắc với hàng chục vai chính và đoạt nhiều giải thưởng cao. Sau khi tốt nghiệp khoa đạo diễn ở nước ngoài về (1991), tài năng Trần Lực càng vượt trội khi anh chuyển sang làm đạo diễn phim và sân khấu kịch. Anh đã thành lập hãng phim Đông A và Sân khấu kịch “Lucteam”. Hai đơn vị này là nơi để anh phát huy những ý tưởng mới trong sáng tạo nghệ thuật. Gần đây nhất (2024), Trần Lực đóng vai ông họa sĩ trong bộ phim ăn khách “Đào, phở và piano”. Phải nói sức sáng tạo của Trần Lực thật đáng nể trọng.

Hùng anh một cõi

Người Cổ Am ngoài chăm chỉ đèn sách nhưng lại ẩn giấu một khí phách kiên trung cùng tình yêu đất nước. Chí khí hào kiệt Nguyễn Bỉnh Khiêm được nuôi dưỡng trong tinh thần của con người vùng đồng chiêm nước mặn này. Lòng quả cảm dám đứng dậy chống lại cường quyền luôn thức dậy ở nơi đây. Từ đầu năm 1930, các ông Trần Quang Diệu và Đào Văn Thê ở Cổ Am đã tổ chức khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Họ đã giết tri phủ và chiếm huyện lỵ. Đất Cổ Am ngày đó đã rung chuyển trong bom đạn của kẻ thù. Chúng ném tới 57 quả bom và đánh phá làng dữ dội nhưng vẫn không khuất phục được lòng người. Tới 1938, tại Cổ Am sớm ra đời chi bộ Đảng đầu tiên, đồng thời là tiền thân của Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo sau này.

Đặc biệt có trận đánh độc đáo, khi một tiểu đội du kích đóng giả đàn bà, con gái đi chợ Nam Am (bên quốc lộ) đã bất ngờ tấn công bọn lính Pháp bằng đòn gánh rồi cướp lấy vũ khí. Trong dân gian còn truyền tới nay: “Du kích Cổ Am giỏi lắm thay/ Giả làm phụ nữ giữa ban ngày/ Đòn gánh đánh Tây ngay tại chợ/ Giặc kia muốn sống phải cút ngay”.

Vào cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, người dân Cổ Am càng thể hiện gương chiến đấu và hy sinh anh dũng vì Tổ quốc thiêng liêng. Có những gia đình đã cho 3 tới 5 con đi chiến đấu. Toàn xã hiện có 21 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đồng thời Cổ Am cũng là xã đầu tiên trong huyện được đón nhận danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Vậy mới có câu: “Đất Cổ Am khí phách kiên trung/ Người Cổ Am đèn sách, anh hùng”.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/dat-noi-hai-song-noi-cua-song-i731489/