Đất nước là quê hương
Trong thời đại hội nhập và biến động không ngừng, cần nhận thức sâu sắc quê hương không chỉ là nơi chúng ta sinh ra mà còn là Tổ quốc thiêng liêng - nơi gắn bó bằng tâm hồn và trí tuệ. Câu nói 'Đất nước là quê hương' của Tổng Bí thư Tô Lâm đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về lòng yêu nước, nhấn mạnh tình yêu đối với đất nước không chỉ là cảm xúc cá nhân mà còn là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân đối với sự phát triển và tương lai của dân tộc. Lời kêu gọi yêu nước ấy khơi dậy niềm tự hào và truyền cảm hứng cho mỗi người hành động thiết thực vì Tổ quốc thân yêu.
Hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 Âm lịch), chúng ta càng thêm ý thức về truyền thống hy sinh của các thế hệ, cảm nhận sâu sắc giá trị của lịch sử hào hùng; lòng yêu nước trào dâng, thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết. Non sông Việt Nam liền một dải, mỗi mảnh đất, mỗi dòng sông đều in đậm dấu ấn chiến công và khát vọng tự chủ, góp phần nuôi dưỡng tinh thần “thần tốc, táo bạo, quyết chiến, quyết thắng” trong công cuộc đổi mới đất nước.
Thiêng liêng hai tiếng “Quê hương”
Quê hương - hai tiếng chứa đựng niềm tự hào, tình yêu sâu sắc và sự gắn bó bền chặt với mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người Việt. Đó là nơi mỗi người sinh ra và lớn lên, chứng kiến những đổi thay của cuộc sống, chia sẻ những kỷ niệm buồn vui. Hình ảnh quê hương không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn mà còn là biểu tượng của truyền thống và văn hóa dân tộc, nơi lưu giữ những giá trị tinh thần vô giá. Khi nhìn nhận sâu xa, yêu thương quê hương không chỉ dừng lại ở những lời ca ngợi, mà còn là sự thấu hiểu và trân trọng những hy sinh của cha ông, là động lực để mỗi người nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi tấc đất, ngọn cây, dòng sông đều thấm đẫm mồ hôi và máu của biết bao thế hệ, tạo nên một phần không thể tách rời của bản sắc dân tộc. Đó là sứ mệnh cao cả mà mỗi công dân cần ý thức và thực hiện, góp phần đưa Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập mạnh mẽ trên trường quốc tế.

Cảng Quốc tế Long An có vai trò chiến lược quan trọng không chỉ của Long An mà còn đối với toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Ảnh: Q. Việt
Quê hương cũng là nơi mỗi người tìm thấy sự bình yên và sức mạnh tinh thần, là điểm tựa vững chắc trong những lúc khó khăn. Tình yêu quê hương được thể hiện qua những hành động cụ thể, từ việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đến tham gia vào các hoạt động xây dựng và phát triển cộng đồng. Đó không chỉ là tình yêu đối với xóm làng, nơi chôn nhau cắt rốn, mà còn là tình yêu đối với Tổ quốc, đối với non sông gấm vóc mà cha ông đã dày công vun đắp và bảo vệ. Tình yêu ấy không chỉ là một cảm xúc xuất phát từ trái tim, mà là một nguồn sức mạnh nội tại, thúc đẩy mỗi người hành động vì những điều tốt đẹp hơn cho quê hương, cho đất nước. Tình yêu quê hương, đất nước là tình yêu dành cho cả một dân tộc, một quốc gia, với tất cả những gì thiêng liêng và cao quý nhất.
Lợi ích quốc gia, dân tộc phải được đặt lên hàng đầu
Trong bối cảnh cải cách hành chính toàn diện, khi các địa phương đang phải đối mặt với không ít thách thức từ việc sáp nhập các đơn vị hành chính, sắp xếp lại bộ máy nhà nước, lòng yêu nước càng được thử thách và khẳng định. Những thay đổi dù gây ra không ít khó khăn, mất mát về mặt tâm lý và quyền lợi của một số địa phương nhưng là bước đi cần thiết để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý và đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của đất nước. Trong quá trình này, vai trò của cán bộ, công chức và từng người dân được đặt lên hàng đầu; họ không chỉ cần chấp hành tốt các chính sách cải cách mà còn phải nâng cao cảnh giác với những thông tin sai lệch, xuyên tạc từ các thế lực thù địch.
Thực tế cho thấy, quá trình sáp nhập địa phương, không thể tránh khỏi những khác biệt và tranh luận. Đó có thể là sự so sánh về tên gọi, về vị trí trung tâm hành chính, về các vấn đề lịch sử và văn hóa liên quan đến từng địa phương. Ví dụ, việc chọn tên gọi mới sau sáp nhập có thể vấp phải sự phản đối của người dân địa phương này nếu họ cảm thấy tên gọi đó không phản ánh được bản sắc và truyền thống của quê hương mình. Hoặc việc quyết định đặt trung tâm hành chính ở đâu cũng có thể gây ra những tranh cãi gay gắt, bởi nó liên quan đến vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội của cả vùng.
Giải quyết những khác biệt này, cần có sự thống nhất cao về nhận thức và hành động. Trong đó, lợi ích quốc gia, dân tộc cần được đặt lên trên hết, lấy mục tiêu phát triển chung làm trọng. Các cấp lãnh đạo và cán bộ, công chức cần có tầm nhìn chiến lược, sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Việc lựa chọn tên gọi, địa điểm trung tâm hành chính và các vấn đề khác nhất thiết dựa trên cơ sở khoa học, khách quan, có tính đến yếu tố lịch sử, văn hóa, kinh tế và xã hội của từng địa phương; đồng thời, hướng đến mục tiêu xây dựng một bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Chỉ có sự đồng lòng, tinh thần hy sinh và việc đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp Việt Nam vững vàng vượt qua mọi thử thách. Đây là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn, hiểu biết và trên hết là lòng yêu nước sâu sắc của mỗi người dân Việt Nam.
Trách nhiệm của mỗi người dân, đặc biệt là của các cán bộ, công chức, không chỉ thể hiện qua những hành động công tác mà còn qua việc thể hiện lòng tự hào và niềm tin vào chủ trương của Đảng, của Nhà nước. Yêu nước không chỉ là cảm xúc trong tim mà còn phải hiện hữu qua những hành động thiết thực: chấp hành tốt các chính sách, tham gia tích cực vào quá trình cải cách và đổi mới, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của Tổ quốc. Khi mỗi người hiểu và thực hiện được trách nhiệm của mình, sức mạnh tập thể của dân tộc sẽ được nhân lên bội phần, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Trên hành trình xây dựng và phát triển đất nước, việc ghi nhớ và tự hào về câu nói “Đất nước là quê hương” của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ là lời nhắc nhở về mối liên hệ bền chặt giữa mỗi người dân với Tổ quốc, mà còn là lời động viên, kêu gọi mỗi người hành động vì lợi ích chung của dân tộc. Tình yêu quê hương được thể hiện qua mỗi hành động cống hiến, dù nhỏ bé, khi được lan tỏa khắp nơi sẽ tạo nên sức mạnh nội sinh vô hình đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ. Đó là niềm tự hào dân tộc, là khát vọng không ngừng nghỉ của mỗi người Việt Nam, hướng tới một tương lai tươi sáng và một Việt Nam thịnh vượng, hiện đại.
Trong không khí hân hoan những ngày tháng Tư lịch sử hào hùng, tinh thần đoàn kết càng thăng hoa, mỗi hành động vì lợi ích chung được thực hiện với quyết tâm cao nhất. Niềm tự hào về lịch sử hào hùng từ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương cho đến chiến công vang dội ngày 30.4.1975 luôn là ngọn lửa soi đường, khích lệ mỗi người, từ cán bộ đến Nhân dân, chung tay vì tương lai tươi sáng của Tổ quốc. Tinh thần “Thần tốc, táo bạo, quyết chiến, quyết thắng” được lan tỏa mạnh mẽ, khẳng định sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết dân tộc thời đại Hồ Chí Minh. Mỗi con người, mỗi hành động vì đất nước là minh chứng sống động cho niềm tin và khát vọng xây dựng một Việt Nam hiện đại, thống nhất và phồn vinh.
Trong quá trình này, khi mỗi người dân nhận thức rõ rằng lợi ích cá nhân phải hài hòa với lợi ích của cộng đồng, của quốc gia; khi mỗi cán bộ, công chức tiên phong, gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực sự gần dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân… công cuộc cải cách hành chính mới thực sự thành công, đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dat-nuoc-la-que-huong-post409464.html