'Đất Nước' vào đề Ngữ văn kỳ kiểm tra khảo sát học sinh lớp 12 ở Hà Nội
Cấu trúc đề Ngữ văn kỳ kiểm tra khảo sát học sinh lớp 12 ở Hà Nội tương tự đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cấu trúc đề quen thuộc
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa tổ chức kỳ kiểm tra khảo sát học sinh lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có môn Ngữ văn.
Theo đó, phần Đọc hiểu, ngữ liệu cho một đoạn văn xuôi, trích trong "Trí tuệ cảm xúc" của Daniel Goleman và yêu cầu học sinh trả lời 4 câu hỏi như sau:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2. Theo đoạn trích, về mặt trí tuệ xúc cảm, hy vọng có nghĩa là gì?
Câu 3. Nhận xét mọi thứ đều có thể có hy vọng gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?
Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với ý kiến chia một nhiệm vụ khó khăn thành những nhiệm vụ nhỏ dễ thực hiện hơn. Vì sao?
Phần Làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh bàn về tầm quan trọng của sự tự tin trong cuộc sống. Còn câu nghị luận văn học yêu cầu thí sinh phân tích một đoạn thơ trong "Đất Nước" của Nguyễn Khoa Điềm, từ đó, nhận xét về quan niệm Đất Nước được thể hiện trong đoạn thơ.
Hướng dẫn Đọc hiểu, nghị luận xã hội
Câu 1. Phương thức biểu đạt nghị luận.
Câu 2. Về mặt trí tuệ cảm xúc, hi vọng nghĩa là không lùi bước trước lo lắng, không buông tay hoặc chán nản khi đương đầu với khó khăn hay thất vọng.
Câu 3. "Mọi thứ có thể hi vọng nghĩa là", khi gặp những khó khăn, thử thách, bất trắc trong cuộc sống, ta không được lùi bước, nản chí, buông xuôi, mà bằng sự nỗ lực, niềm tin, hi vọng, sự lạc quan… thì ta có thể vượt qua tất cả.
Câu 4. Học sinh có thể đồng tình với ý kiến "chia một nhiệm vụ khó khăn thành những nhiệm vụ nhỏ dễ thực hiện hơn" giúp ta không bị choáng ngợp trước nhiệm vụ đó, từ đó ta tìm cách giải quyết từng phần của nhiệm vụ thì sẽ dễ dàng hơn.
Nghị luận xã hội - tầm quan trọng của sự tự tin trong cuộc sống: Tự tin chính là tin vào bản thân mình một cách mạnh mẽ, không ngại gian khó. Nếu không có sự tự tin, chúng ta sẽ không thể giữ được bình tĩnh trước mọi tình huống để phán đoán và tìm ra hướng giải quyết. Tất cả mọi việc sẽ trở nên rối loạn rồi nhanh chóng làm chúng ta gục ngã. Niềm tin vào bản thân chính là sức mạnh để chúng ta vượt qua mọi giông bão của cuộc đời.
Nghị luận văn học
* Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận .
* Cảm nhận đoạn thơ:
Sự phát hiện độc đáo, mới mẻ của tác giả về nguồn gốc sự hình thành của Đất Nước: Đất Nước có từ rất xa xưa, trường tồn theo thời gian và lịch sử, gắn kết bao thế hệ. Đất Nước không chung chung trừu tượng mà hết sức gần gũi, thân thiết với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, mỗi gia đình.
Đất Nước trong câu chuyện cổ tích mẹ thường hay kể, trong phong tục ăn trầu của bà, trong hạt gạo ta ăn hàng ngày, trong cái kèo, cái cột ngôi nhà ta ở. Đất Nước là tình mẹ, nghĩa cha.
Những cảm nhận của tác giả đem đến một ý niệm về Đất Nước hết sức gần gũi, bình dị mà cũng hết sức sâu xa, thiêng liêng (Trong những cái bình dị có cả chiều sâu văn hóa, lịch sử gắn với nền văn minh lúa nước...)
Nghệ thuật: Thể thơ tự do; giọng thơ trữ tình chính luận, vừa tha thiết ngọt ngào vừa suy tư, sâu lắng. Sử dụng chất liệu văn hóa dân gian linh hoạt, sáng tạo. Viết hoa từ Đất Nước để thể hiện thái độ trân trọng, tự hào.
* Quan niệm của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước: Đất Nước được cảm nhận ở nhiều phương diện: từ văn hóa – lịch sử, địa lí – thời gian đến không gian của đất nước. Cái nhìn mới mẻ về đất nước với tư tưởng cốt lõi là đất nước của Nhân dân. Đất nước là sự hội tụ, kết tinh bao công sức và khát vọng của Nhân dân. Nhân dân chính là người đã làm ra đất nước.
* Nhận xét vẻ đẹp chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn trích:
- Đoạn trích sử dụng rộng rãi, đa dạng chất liệu dân gian (Văn hóa dân gian, văn học dân gian) tạo nên không gian nghệ thuật riêng của đoạn trích: bình dị, gần gũi, hiện thực, lại bay bổng, mơ mộng.
- Chất liệu văn hóa dân gian được sử dụng một cách sáng tạo và linh hoạt tạo nên dấu ấn riêng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (Thường chỉ gợi ra bằng một vài chữ của câu ca dao, một hình ảnh, một chi tiết trong truyền thuyết, truyện cổ tích )
Hướng dẫn chấm:
- Học sinh trình bày được 2 ý: 0,5 điểm.
- Học sinh trình bày được 1 ý: 0,25 điểm.