Đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế

LÊ HỒNG HẠNH - Phó trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại hội trường Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV không chỉ thu hút đông đảo ý kiến thảo luận, tranh luận của đại biểu mà còn là mối quan tâm lớn của đa số cử tri cả nước. Phân tích nguyên nhân các hạn chế, bất cập trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 để tìm ra giải pháp cho kế hoạch năm 2024 được thảo luận, tranh luận sôi nổi. Nhất là việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công, phân tích làm rõ nguyên nhân, giải pháp đối với các chỉ tiêu chưa hoàn thành; chú trọng phát triển, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế trong chiến lược phát triển lâu bền của đất nước.

Tháo điểm “nghẽn” về năng suất lao động

Đối với kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến năm 2024, cơ bản các ý kiến tại phiên thảo luận đều đánh giá cao những kết quả đạt được với 10/15 chỉ tiêu hoàn thành. Trong đó, sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, lãnh đạo của Đảng, đồng hành và phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, ủng hộ đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đã giúp cho nền kinh tế Việt Nam tiếp tục là "điểm sáng" trong "bức tranh" không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, vướng mắc chậm được tháo gỡ, trở thành “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội năm này qua năm khác. Tại phiên họp, nhiều đại biểu đã phân tích sâu về chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội - một trong năm chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch. Và đây cũng là chỉ tiêu 3 năm liên tục nước ta không hoàn thành. Đi sâu lý giải vấn đề này, có thể thấy có nhiều nguyên nhân khiến mức năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, có thể kể đến như: quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực nhưng còn chậm;máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế; quá trình đô thị hóa, tích tụ công nghiệp diễn ra chậm; khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng NSLĐ; những rào cản từ “thể chế”...

Đây là những vấn đề đã được chỉ ra tại nhiều phiên họp, diễn đàn nhưng để khắc phục không dễ dàng. Có thể phân tích về yếu tố chất lượng nguồn nhân lựcthể hiện rõ ở tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn. Năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo của nước ta ước đạt khoảng 67%. Thế nhưng, chất lượng nguồn lao động lại là vấn đề đáng bàn. Một vướng mắc ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lao động là chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý. Hiện nay, nước ta đang thiếu công nhân có kỹ năng lao động cao, thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực, nhưng thừa lao động thủ công, không qua đào tạo. Đây là những vấn đề ĐBQH đưa ra đã có những ý kiến thảo luận, làm rõ và cử tri cũng hết sức quan tâm.

Cử tri Nguyễn Văn Giáp, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh phân tích: Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, thời kỳ dân số vàng sẽ kéo dài trong khoảng 34 năm và kết thúc vào năm 2041. Trải qua hơn 10 năm trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nhưng thực tế cho thấy giá trị thặng dư, hiệu suất kinh tế chưa tương xứng với số lượng lao động hiện có của cả nước. Trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, việc nước ta cạnh tranh quốc tế bằng lao động phổ thông, nhân công giá rẻ sẽ không hiệu quả. Tôi mong Quốc hội sẽ có những bàn thảo cụ thể sâu sắc hơn về vấn đề năng suất lao động, trong đó bàn kỹ hơn về vấn đề đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, cân đối phù hợp giữa ngành lĩnh vực bởi để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đến năm 2045 nước ta trở thành nước công nghiệp thì sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao sẽ trở thành “điểm chết”.

Đúng như nội hàm về nguồn nhân lực chất lượng cao đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII là “nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt”, cần gắn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với “ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo”, cử tri nhấn mạnh.

Phát triển văn hóa xứng tầm với vai trò, vị trí

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ Sáu, Chính phủ đã xác định 12 nhóm giải pháp thực hiện trong năm 2024 và các năm tới. Trong đó, nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận sâu vào nhóm giải pháp trên lĩnh vực văn hóa. Theo đó vấn đề chú trọng phát triển văn hóa, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế trong chiến lược phát triển lâu bền của đất nước lại được phân tích làm rõ trên Nghị trường Diên Hồng và thu hút sự quan tâm của dư luận.

Cử tri Lê Vân, thành phố Quy Nhơn, Bình Định tán thành với ý kiến củađại biểu Đỗ Chí Nghĩa, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên khi đại biểu khẳng định văn hóa là nguồn lực nội sinh để phát triển, do đó cần tránh tư duy văn hóa chỉ để giải trí mà phải đầu tư nhiều hơn cho sáng tạo, phát triển văn hóa. Hiểu cho sâu sắc về văn hóa thì nội hàm rất rộng. Chúng ta có thể thấy nhận thức xem văn hóa chỉ là giải trí, xem nhẹ vai trò của văn hóa trong phát triển khi đối trọng với kinh tế xuất hiện ở không ít tổ chức, cá nhân, ngay cả trong hệ thống chính trị. Từ đó dẫn đến bất bình đẳng trong phân bổ các nguồn lực cũng như ưu tiên phát triển lĩnh vực này.

Bên cạnh bảo tồn, phát huy các giá trị, xét đến cùng văn hóa cũng là kinh tế nếu biết khai thác tốt để làm công ngiệp văn hóa. Nhiều quốc gia làm công nghiệp văn hóa rất giỏi như Mỹ, Hàn Quốc, chúng ta có thể học hỏi để mà vận dụng. Đúng như đại biểu phân tích “Kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện vật chất, nguồn sống cho phát triển văn hóa nhưng phát triển kinh tế không thể thiếu sự nâng đỡ của văn hóa. Văn hóa phải đi cùng và đi ngang hàng với kinh tế trong quá trình phát triển”, cử tri bày tỏ.

Đại biểu bàn nhiều đến lĩnh vực văn hóa trong phát triển, đây là dấu hiệu đáng mừng. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: "văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Cũng như nhiều ý kiến của đại biểu phân tích, nói đến văn hóa suy cho cùng là vấn đề con người, là giá trị của con người. Một thực tế đáng buồn là hiện nay việc đầu tư cho thiết chế văn hóa ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Kỳ vọng kỳ họp sẽ bàn các giải pháp thỏa đáng để phát triển văn hóa xứng tầm với vai trò và vị trí như tư tưởng Hồ Chí Minh đã soi đường, đúng như quan điểm chỉ đạo của đại hội XIII và Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021: phát triển văn hóa là để “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc… và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam...”.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/dat-van-hoa-ngang-hang-voi-kinh-te-i348795/