Dấu ấn 38 năm nắm quyền và cuộc chuyển giao quyền lực ở Campuchia
Quá trình chuyển giao quyền lực ở Campuchia đã chính thức diễn ra với việc Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố sẽ từ nhiệm, kết thúc quá trình hơn 38 năm nắm quyền Thủ tướng tại 'đất nước chùa tháp'.
Một trong những Thủ tướng tại vị lâu nhất thế giới
Là một trong những nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất thế giới, ông Hun Sen đưa ra tuyên bố trên chỉ vài ngày sau khi Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền giành đa số tuyệt đối trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua. Phát biểu trên truyền hình toàn quốc, Thủ tướng Hun Sen cho biết: “Tôi đã yết kiến Quốc vương và xin không tiếp tục giữ chức vụ Thủ tướng nữa. Tôi phải hy sinh và thôi nắm giữ quyền lực”.
Cách đây hơn 38 năm, ngày 14-1-1985, ở tuổi 33, khi đang là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Hun Sen được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tương đương Thủ tướng ngày nay) của Cộng hòa nhân dân Campuchia. Thời điểm đó, ông được xem là người đứng đầu Chính phủ trẻ tuổi nhất thế giới. Ông Hun Sen sinh năm 1952 tại xã Peam Koh Sna, huyện Stoeung Trang, tỉnh Kong Pong Cham, Campuchia. Trình độ học vấn: Cử nhân chính trị tại Đại học Campuchia; Tiến sĩ về khoa học chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hà Nội, Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu danh tiếng trên thế giới về các lĩnh vực khoa học chính trị, luật, quan hệ quốc tế, giáo dục…
Năm 1970, ông tham gia phong trào đấu tranh, giải phóng đất nước vào ngày 17-4-1975. Năm 1977, ông là lãnh đạo phong trào nổi dậy nhằm giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng. Năm 1978, ông là thành viên sáng lập Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia (UFNSK). Năm 1979, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Campuchia. Từ năm 1981 - 1985, ông làm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và từ 1985 - 1991 làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Năm 1993, sau khi thua Đảng Bảo hoàng Funcinpec trong cuộc bầu cử quốc gia, ông Hun Sen làm “Thủ tướng thứ hai” chia sẻ quyền lực với Hoàng thân Norodom Ranariddh, người giữ chức “Thủ tướng thứ nhất”. Sau cuộc bầu cử vào tháng 7-1998 với thắng lợi thuộc về Đảng CPP, ông trở thành Thủ tướng duy nhất của Vương quốc Campuchia.
Hơn 38 năm dưới sự dẫn dắt của ông Hun Sen, dù có lúc thăng trầm nhưng đất nước Campuchia ngày càng phát triển. Campuchia đã đạt được nhiều thành tích quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước trên các lĩnh vực thực hiện “Chiến lược tam giác phát triển” và “Chiến lược tứ giác phát triển”, không ngừng nâng cao vị thế đối ngoại của Campuchia ở khu vực và quốc tế. Trong đó có việc Campuchia gia nhập ASEAN vào năm 1999, trở thành quốc gia cuối cùng ở Đông Nam Á lục địa tham gia tiến trình hội nhập khu vực.
Năm 1991, Liên hợp quốc xếp Campuchia vào danh sách các nước kém phát triển do tình trạng kinh tế - xã hội phát triển kém, chịu tác động nghiêm trọng từ các vấn đề bên ngoài, đặc biệt là khủng hoảng kinh tế và các vấn đề môi trường, nguồn nhân lực hạn chế. Từ năm 1993, Campuchia chuyển sang nền kinh tế thị trường. Với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và đầu tư nước ngoài, nền kinh tế Campuchia từng bước phát triển, vượt qua tình trạng quốc gia có thu nhập thấp để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Trong năm 2022, nền kinh tế Campuchia tiếp tục phục hồi sau đại dịch và hưởng lợi từ các hiệp định thương mại khu vực mới, qua đó giúp thu hút thêm đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Dựa trên ước tính từ các mô hình vĩ mô toàn cầu của Trading Economics và kỳ vọng của các chuyên gia phân tích, năm 2023 nền kinh tế Campuchia sẽ đạt mức tăng trưởng 5,6%, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có khả năng đạt 28,58 tỷ USD, thu nhập bình quân tính theo đầu người dự kiến đạt 1.924 USD, cao hơn so với năm 2022 là 1.785 USD. Campuchia đang tích cực triển khai chiến lược tứ giác phát triển” giai đoạn 4, tập trung cải cách toàn diện kinh tế - xã hội, tăng cường hội nhập, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2050. Về dài hạn, GDP của Campuchia được dự báo sẽ đạt khoảng 30,24 tỷ USD vào năm 2024 và 38,39 tỷ USD vào năm 2025.
Bước chuẩn bị cho sự ổn định và phát triển của đất nước
Đề cập đến quyết định từ chức của mình, ông Hun Sen cho biết, đây là bước chuẩn bị cho sự ổn định lâu dài, là nền tảng của sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, ông Hun Sen thừa nhận việc từ chức là một sự hy sinh lớn nhằm đảm bảo hòa bình cho đất nước. Ông ví trường hợp của bản thân giống việc cựu vương Norodom Sihanouk từng thoái vị để phục vụ việc chuyển giao quyền lực.
Người sẽ kế nhiệm ông Hun Sen là Đại tướng Hun Manet, con cả trong số 5 người con của Hun Sen. Ông Hun Manet lớn lên ở Phnom Penh và gia nhập quân đội Campuchia năm 1995. Ông tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point ở Mỹ năm 1999, lấy bằng Thạc sĩ kinh tế tại Đại học New York năm 2002 và bằng Tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bristol (Anh) năm 2008. Hiện ông Hun Manet là Phó tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang của Campuchia, Tư lệnh Lục quân Quân đội Hoàng gia Campuchia.
Theo ông Hun Sen, việc đưa ông Hun Manet lên làm Thủ tướng đảm bảo đúng quy trình. Ông Hun Sen khẳng định: “Con trai tôi sẽ không kế thừa vị trí này mà không thông qua quy trình hợp pháp. Hun Manet đã tham gia cuộc bầu cử với tư cách ứng viên nghị sĩ và đây là một bước thiết yếu trong hệ thống dân chủ của chúng tôi”. Theo ông Hun Sen, có 4 yếu tố chính để ông Hun Manet trở thành Thủ tướng, gồm sự nhất trí trong nội bộ Đảng CPP, trúng cử nghị sĩ Quốc hội, được Quốc vương sắc phong và được Quốc hội thông qua. Đến thời điểm này, ông Hun Manet đã được Đảng CPP đề cử và đã trúng cử Nghị sĩ Quốc hội dù chưa có hiệu lực do chưa công bố kết quả chính thức, trong khi Quốc vương Campuchia cũng đã đồng thuận với phương án nhân sự này.
Khẳng định sự cần thiết của việc tổ chức một nội các mới với thế hệ lãnh đạo trẻ kế tục hoạt động lãnh đạo Chính phủ Hoàng gia, ông Hun Sen tuyên bố sẽ không nắm giữ cương vị Thủ tướng trong nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục tham gia lãnh đạo đất nước Campuchia trên cương vị Chủ tịch CPP, sắp tới là Chủ tịch Hội đồng Tối cao của Quốc vương, tham gia ứng cử Thượng nghị sĩ và trở thành Chủ tịch Thượng viện Campuchia vào tháng 2-2024 thay Chủ tịch Thượng viện đương nhiệm Samdech Say Chhum, người có nguyện vọng nghỉ vì lý do sức khỏe.
Theo Báo Khmer Times, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã gửi gắm ông Hun Manet điều ông cho là ý nghĩa nhất trong sự nghiệp chính trị kéo dài hơn 40 năm. Ông Hun Sen đăng trên Twitter: “Khi con là Thủ tướng Campuchia, con phải bảo vệ hòa bình để đảm bảo sự phát triển của đất nước và sự bình yên cho dân tộc”. Đáp lời cha, ông Hun Manet viết trên cả Facebook và Telegram: “Tôi sẽ luôn ghi nhớ lời dặn của cha và sẽ quyết tâm tuân theo những lời dặn này trong mọi trường hợp”.
Về thời điểm bổ nhiệm Thủ tướng và thành phần nội các Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ mới, điều này tùy thuộc vào lịch trình công bố kết quả bầu cử chính thức của Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC), dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 5 hoặc 7-8 tới. Quốc hội Campuchia khóa VII dự kiến sẽ nhóm họp phiên đầu tiên vào ngày 21-8 và các Nghị sĩ sẽ tuyên thệ vào tối cùng ngày. Trong ngày 22-8, bộ máy Quốc hội khóa mới chính thức được thành lập, tân Thủ tướng và thành phần nội các mới sẽ đi vào hoạt động.