Dấu ấn công nghệ tại 'siêu dự án' cao tốc Bắc – Nam
Việc ứng dụng những công nghệ khoa học kỹ thuật mới nhất trong thiết kế, thi công không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ trên công trường mà còn giúp 'siêu dự án' cao tốc Bắc – Nam trở thành một công trình hiện đại bậc nhất nước ta.
Cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Đây không chỉ là những dự án thành phần hoàn thành sớm nhất mà cũng là đoạn tuyến có địa hình phức tạp, thi công thuộc diện khó khăn nhất của cao tốc Bắc – Nam.
Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho biết, điều kiện địa hình dự án có nhiều chỗ hiểm trở khó khăn, thời tiết phức tạp. Do đó, quá trình bắt tay khảo sát, đơn vị đã chủ động tạo tính thống nhất trong quá trình khảo sát thiết kế thông qua việc xây dựng đơn vị tư vấn tổng thể và lập 12 nhóm chuyên môn (hỗ trợ công tác khảo sát thiết kế, tổ chức xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật thi công, nghiệp tu, bóc tách khối lượng...).
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đồng thời đảm bảo chất lượng công trình tốt nhất, TEDI đã chủ động ứng dụng những công nghệ khoa học kỹ thuật mới nhất trong khâu khảo sát địa hình, địa chất (công nghệ GNSS, Laser Scanner, UAV, LiDAR, trạm Base, trạm Cors), sử dụng phần mềm ứng dụng tiên tiến có bản quyền trong thiết kế đường cầu, hầm, xử lý nền đất yếu; phối hợp hiệu quả các bộ phận, các khâu, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo kinh tế kỹ thuật, thân thiện với môi trường.
Không chỉ ứng dụng công nghệ hiện đại trong thiết kế, thi công, cao tốc Bắc – Nam còn được đầu tư hệ thống giao thông thông minh (lntelligent Transport System - ITS). Đây chính là việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ bao gồm các thiết bị cảm biến, điều khiển, điện tử, tin học và viễn thông với cơ sở hạ tầng giao thông để điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông, giảm thời gian và chi phí đi lại, bảo vệ môi trường...
Hệ thống giao thông thông minh ra đời, với sự tối ưu của các thiết bị truyền thông, công nghệ thông tin và viễn thông làm cho vai trò của con người trong việc điều hành giao thông giảm đi đáng kể mà vẫn đảm bảo tính an toàn.
Việc xây dựng phương án quản lý, vận hành áp dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) đã được tính đến để đồng bộ, thống nhất trên toàn tuyến. Dự án sẽ áp dụng công nghệ thu phí không dừng, lắp đặt các thiết bị để đo lưu lượng giao thông, lắp camera giám sát, cảm biến quan trắc thời tiết… giúp cho nhân viên kỹ thuật có thể giám sát đường một cách thuận lợi hơn.
Công nghệ tạo ra sự đột phá
Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), quá trình triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Bộ luôn tham khảo chọn lọc những mô hình tiên tiến, hiện đại để áp dụng phù hợp vào thực tiễn. Điển hình là các dự án thành phần Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị rà soát toàn bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán hệ thống ITS và các tài liệu liên quan, kịp thời cập nhật, đề xuất điều chỉnh, bổ sung (nếu có) các nội dung liên quan về trình tự thủ tục đầu tư, công nghệ, thiết bị... phù hợp, tuân thủ quy định.
Từ hệ thống đường cao tốc và hệ thống ITS như hiện nay thì việc áp dụng mô hình nào để phù hợp như đường truyền, trung tâm điều hành, trang thiết bị thu thập thông tin và dữ liệu, đầu tư công nghệ cần phải rõ ràng ngay từ đầu. Việc đầu tư hệ thống ITS cần được minh bạch, đưa ra giải pháp tối ưu tạo cơ sở, hành lang pháp lý để các đơn vị thực hiện đúng chủ trương khi triển khai.
Đặc biệt, dự án thành phần Cam Lâm – Nha Trang được trang bị hệ thống giao thông thông minh bao gồm camera giám sát, cảm biến phát hiện xe, biển báo điện tử, hệ thống liên lạc vô tuyến và điện thoại cố định cùng hệ thống điện thoại SOS dọc tuyến. Đây chính là tuyến đầu tiên cả nước thực hiện thí điểm áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC) hoàn toàn.
Có tổng cộng 4 trạm thu phí được đặt ở Diên Khánh, Suối Dầu, Cam Lâm và thành phố Cam Ranh, với nhà điều hành chính nằm ở Suối Dầu. Tại mỗi trạm, có 4 làn thu phí, bao gồm hai làn cho mỗi hướng di chuyển. Trong số đó, mỗi chiều sẽ có một làn ETC không dừng đa làn tự do và một làn thu phí hỗn hợp. Làn ETC đa làn có thể xử lý các phương tiện di chuyển với tốc độ tối đa 120km/h, trong khi làn hỗn hợp có thể xử lý với tốc độ tối đa 40km/h.
Các chuyên gia nhận định, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giao thông là xu thế chung của thế giới, nên việc nghiên cứu phát triển thêm hệ thống giao thông thông minh là nhu cầu rất bức thiết. Tất cả chúng ta đều đang hi vọng dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam là tuyến đường có quy mô công nghệ hiện đại, đồng bộ đầu tiên, mở ra kỉ nguyên số cho phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông tại Việt Nam.
Việc áp dụng loại hình công nghệ cao như công nghệ radar trên các tuyến cao tốc sẽ làm tăng thêm cơ hội chia sẻ thông tin dữ liệu hiệu quả đáp ứng chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đồng thời tạo thêm dư địa cho sự đổi mới ở các ngành có mối quan hệ hữu cơ như điện tử, công nghệ thông tin… - ông Huỳnh Phước Nghĩa - Viện Đổi mới sáng tạo, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dau-an-cong-nghe-tai-sieu-du-an-cao-toc-bac-nam.html