Dấu ấn của giám sát và phản biện chính sách

Suốt chặng đường phát triển của ấn phẩm Bán nguyệt san (BNS) Kinh tế Việt Nam và Thế giới có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ các nhà kinh tế, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Các nhà kinh tế, chuyên gia vừa trực tiếp vừa gián tiếp đóng góp các ý kiến có giá trị cho các thông tin kinh tế trở nên đa chiều, chuyên sâu và sâu sắc hơn. Mỗi chuyên gia, nhà kinh tế như một mảnh ghép tạo nên sự thành công chung của bức tranh thông tin kinh tế của TTXVN trong thời gian qua.

Ấn phẩm Kinh tế Việt Nam và Thế giới.

Ấn phẩm Kinh tế Việt Nam và Thế giới.

Kinh tế Việt Nam và Thế giới trân trọng giới thiệu những nhận định, ý kiến của một số nhà kinh tế, chuyên gia có đóng góp tích cực trên chặng đường 1.000 số qua.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

* TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nâng cao tính phản biện góp phần điều hành kinh tế

Giữa rất nhiều các cơ quan báo chí truyền thông hiện nay, thông tin kinh tế của TTXVN nổi lên và đặc biệt được chú ý như là thông tin nhanh, chuẩn xác, và chính thống nhất. Thông tin của TTXVN phản ánh quan điểm của Đảng, Nhà nước nhưng cũng phản ánh quan điểm của người dân, doanh nghiệp cũng như địa phương về các vấn đề kinh tế - xã hội. Các thông tin ngắn gọn, đầy đủ, xúc tích và phản ánh đúng bản chất của các vấn đề kinh tế đặt ra.

Thông tin kinh tế của TTXVN ngày càng đa dạng về loại hình, chất lượng, đặc biệt đã có nhiều chuyên đề phân tích chuyên sâu; có những tuyến bài mang tính chất phản biện; bình luận về một số vấn đề lớn của nền kinh tế được đăng tải trên tờ BNS Kinh tế Việt Nam và Thế giới.

Những chuyên đề đó đã góp phần tham gia giám sát và phản biện việc ban hành và thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tham gia giám sát và phản biện về các vấn đề xã hội; giám sát và đấu tranh chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng... Có thể điểm qua một số chuyên đề tiêu biểu mà tôi đã từng đọc như: “Nhốt "quyền lực đen" trong “lồng" thể chế!”; “Phát triển kinh tế gắn với công bằng xã hội: Vững tin đường phía trước”; Tái cơ cấu kinh tế - Đột phá tư duy, tầm nhìn; "Kinh tế Việt Nam trên đường bứt tốc"...

Đặc biệt, các chuyên đề nói riêng cũng như thông tin kinh tế của TTXVN nói chung đã đóng góp rất lớn trong việc tư vấn và xây dựng chính sách; đóng góp ý kiến không nhỏ cho các nhà hoạch định chính sách, trong việc xây dựng các luật, nghị định vào cuộc sống…

Trong giai đoạn tới, thông tin kinh tế của TTXVN cần tiếp tục có nhiều các chuyên đề chuyên sâu hơn, có nhiều bài viết mang tính phản biện xã hội góp phần điều chỉnh các chính sách kinh tế làm cho các chính sách trở nên khoa học hơn và gần gũi với đời sống người dân. Bên cạnh đó, trong bối cảnh chuyển đổi số, thông tin kinh tế Việt Nam cũng cần ứng dụng đa dạng các nền tảng công nghệ để phổ biến rộng rãi hơn và đến được với nhiều đối tượng độc giả.

Với tư cách là một chuyên gia thường xuyên đóng góp cho các nội dung thông tin kinh tế của TTXVN nhất là BNS Kinh tế Việt Nam và Thế giới, tôi hy vọng sẽ tiếp tục được cộng tác nhiều hơn ở nhiều vai trò khác nhau.

TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Quốc Huy/BNEWS/TTXVN

TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Quốc Huy/BNEWS/TTXVN

* PGS. TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam: Thông tin kinh tế gắn liền với sự chuyển đổi của ngành nông nghiệp

Trong thời gian qua thông tin kinh tế của TTXVN đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; đặc biệt bám sát điều hành của Chính phủ đối với ngành nông nghiệp để truyền thông đến công chúng.

Nhìn chung nội dung các chuyên đề trên ấn phẩm của TTXVN có nội dung thông tin phong phú, phản ánh được các vấn đề nóng trong sản xuất và thương mại hóa của ngành nông nghiệp.

Ngành nông nghiệp đang chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp lấy hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững làm mục tiêu.

Chính vì vậy thông tin kinh tế cần tập trung hơn vào công tác truyền thông cho các chương trình lớn của ngành như: Chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045; Kế hoạch hành động Quốc gia Chuyển đổi Hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, có trách nhiệm và bền vững đến 2030... Ngành nông nghiệp cần sự phối hợp liên ngành và sự tham gia hợp tác của các tác nhân xã hội để thực hiện được các chính sách lớn này.

Sự hợp tác của cơ quan truyền thông hàng đầu như Thông tấn xã Việt Nam là hết sức quý báu nhằm góp phần thay đổi nhận thức xã hội đối với một số các chủ đề mới mà ngành nông nghiệp tập trung ưu tiên trong thập kỷ tới như: Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái; Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững; Chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn; Phát triển Hợp tác xã nông nghiệp, nông thôn; Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp… Tôi cho rằng thông tin kinh tế của TTXVN cũng cần thực hiện các chuyên đề chuyên sâu, dài kỳ và có tính phản biện với các nội dung trên từ đó đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách cũng như hỗ trợ cho quá trình điều hành trong lĩnh vực nông nghiệp.

TS. Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách Tài chính, Bộ Tài chính. Ảnh: BNEWS/TTXVN

TS. Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách Tài chính, Bộ Tài chính. Ảnh: BNEWS/TTXVN

*TS. Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính - Bộ Tài chính: Thỏa mãn nhu cầu thông tin kinh tế cho doanh nghiệp

Các sản phẩm chuyên biệt về kinh tế của TTXVN được đánh giá cao về tính cập nhật, giàu thông tin và có tính chắt lọc. Do đó, nhu cầu tìm kiếm thông tin kinh tế của doanh nghiệp và người dân hoàn toàn được thỏa mãn qua các sản phẩm của TTXVN.

Là một trong những chuyên gia đã đồng hành cùng nhiều chuyên đề kinh tế của TTXVN, tôi đánh giá cao cách thức và nội dung thể hiện của thông tin kinh tế nói chung và nhất là các loạt bài chuyên sâu về kinh tế của TTXVN mang tính chuyên nghiệp và hiện đại hơn so với một số kênh tin tức khác.

* TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Phản ánh thông tin đa chiều của các tổ chức tài chính quốc tế

Thông tin kinh tế của TTXVN có nội dung đa dạng về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt chuyên sâu về thông tin kinh tế, tài chính thế giới. Thông tin phản ánh nhanh, kịp thời, chất lượng là nguồn tin cho nhiều cơ quan truyền thông sử dụng.

Nhìn chung, đội ngũ phóng viên của TTXVN có tinh thần trách nhiệm, có năng lực chuyên môn về kinh tế sâu.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: Quốc Huy/BNEWS/TTXVN

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: Quốc Huy/BNEWS/TTXVN

Đặc biệt, tôi đánh giá cao thông tin về mảng kinh tế, tài chính thế giới; mảng thông tin này đã truyền tải thực tiễn tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; phản ánh kịp thời các nhận định, đánh giá đa chiều của các tổ chức tài chính quốc tế có uy tín và các nhà kinh tế hàng đầu thế giới.

Tuy vậy, hình thức trình bày bản tin còn đơn điệu, không ứng dụng công nghệ inforgraphic (phổ biến thông tin bằng biểu đồ, hình ảnh) như các cơ quan truyền thông khác trong nước hiện đang ứng dụng.

Khi khắc phục một số điểm tồn tại, BNS Kinh tế Việt Nam và Thế giới sẽ xứng tầm bản tin nguồn có chất lượng, uy tín của Hãng Thông tấn quốc gia với bề dày truyền thống gần 80 năm cây dựng và phát triển.

* Nhà báo Trần Quang Vũ, nguyên Trưởng Phòng Biên tập Chuyên đề (Ban biên tập Tin kinh tế): Kinh tế Việt Nam và Thế giới trung thành với những tiêu chí ban đầu

Là người gắn bó và xây dựng bán nguyệt san Kinh tế Việt Nam và Thế giới - trước kia là ấn phẩm ra hàng tuần từ những bước đầu tiên, rời ấn phẩm đã hơn 10 năm, chưa bao giờ tôi lơ là theo dõi ấn phẩm này và những người đang làm nên nó.

Có thể nói, bán nguyệt san trung thành với những tiêu chí ban đầu: chuyện thế nào, cứ như thế mà nói; thông tin nhanh nhất bản chất các sự kiện; dự báo đúng và sớm nhũng xu thế; không né tránh những vấn đề nhậy cảm; phản biện mang tính xây dựng những chủ trương, chính sách ngay từ giai đoạn đang được xây dựng.

Sau hơn 10 năm, những cảnh báo về đất đai, giải phóng mặt bằng, đất nhiều giá với những công năng khác nhau, những vấn đề về vai trò doanh nghiệp, lao động trong kinh tế vĩ mô, những vấn đề công nghệ nguồn, công nghiệp chế biến, công nghệ phụ trợ... vẫn còn là thời sự của ngày hôm nay.

Đặc biệt, khi thị trường chứng khoán ra đời, những cảnh báo về không dùng vốn vay ngân hàng để kinh doanh chứng khoán; sự cần thiết của việc kiểm soát các bản cáo bạch; các điều kiện cần và đủ để phát hành trái phiếu doanh nghiệp... chứng tỏ các tác giả của ấn phẩm có tầm nhìn xa.

Những cái đó, dù sao là những cái đã qua. Cái mà bán nguyệt san cần có định hướng trước mắt là chắt lọc những định hướng, chương trình kinh tế quốc gia trong bối cảnh phân công lao động quốc tế theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định Thương mại Việt Mỹ (BTA), Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA)... mà kiên trì các chuyên mục.

Thị trường sẽ thay đổi rất lớn, không thể để nông dân và doanh nghiệp bơi tự phát được nữa… Kinh tế Việt Nam và Thế giới cần cảnh báo và giúp các cơ quan chức năng định hướng những điều đó.

Nhưng điều không thể thiếu trong bán nguyệt san, đó là nó không phải của riêng chúng ta, những tác giả viết bài mà, nó là của cộng đồng doanh nghiệp, của các chuyên gia, của các nhà quản lý.

Ta bảo vệ họ. Họ được nói trên bán nguyệt san và thậm chí, họ được tranh luận với nhau trên ấn phẩm này. Tức là, họ không phải người đọc đơn thuần mà họ cùng với chúng ta làm báo.

Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Chiến lược Mekong-Trung Quốc (MCSS) thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Chiến lược Mekong-Trung Quốc (MCSS) thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

* TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS): Đa dạng hình thức lan tỏa thông tin

Bên cạnh những phân tích, bình luận chuyên sâu xoay quanh các vấn đề kinh tế - xã hội đang và đã diễn ra, TTXVN cần có thêm những bài viết, chuyên đề chuyên sâu mang tính định hướng, dẫn dắt quan điểm mới. Cùng với đó, cần hình thành đội ngũ chuyên gia đa dạng trong các lĩnh vực, kể cả các chuyên gia nước ngoài từ đó có thể đóng góp các ý kiến chuyên sâu và có chất lượng cho các chuyên đề.

Ngoài ra, để tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên lớn như hiện nay, TTXVN cũng cần tính tới các cách thức để lan tỏa thông tin rộng rãi hơn trên các mạng xã hội, phù hợp với xu hướng tiếp cận thông tin của độc giả trong bối cảnh công nghệ đang phát triển.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW. Ảnh: SBLAW

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW. Ảnh: SBLAW

* Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW: Vai trò cầu nối doanh nghiệp với Chính phủ

Thời gian qua, thông tin kinh tế của TTXVN đã có nhiều nội dung thiết thực đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, khẳng định mối quan hệ hai chiều, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau và cũng khẳng định vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ.

Với nhu cầu doanh nghiệp cần có báo chí, truyền thông để có thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh và để thông tin, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của mình nên thông tin kinh tế cần bám sát vào quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Thông tin kinh tế của TTXVN cần liên kết thêm với các doanh nghiệp để góp phần hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh từ đó đem lại lợi nhuận và sự phát triển toàn diện cho nền kinh tế.

Với vai trò cầu nối, thông tin kinh tế của TTXVN vừa tuyên truyền phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân, doanh nghiệp vừa phát hiện, biểu dương những doanh nghiệp có những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt, những doanh nhân nỗ lực vượt qua khó khăn để cống hiến cho cộng đồng, cho đất nước... Đồng thời, đấu tranh phê phán những hoạt động sản xuất kinh doanh không lành mạnh, vi phạm pháp luật, hủy hoại môi trường... Bên cạnh đó, TTXVN cũng cần chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp, phản biện những chính sách, những cách làm của chính các doanh nghiệp vì sự phát triển và lợi ích chung của đất nước…

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam. Ảnh: Quốc Huy/BNEWS/TTXVN

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam. Ảnh: Quốc Huy/BNEWS/TTXVN

*TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam: Thông tin tin cậy của doanh nghiệp

Giữa bối cảnh thông tin đa dạng, nhiều nguồn và nhiều cách thức đưa tin như hiện nay, doanh nghiệp và người dân rất cần những nguồn thông tin mang tính độc lập, khách quan, không bị ảnh hưởng bởi các tác động khác nhau, phản ảnh được xu thế chung của nền kinh tế và thị trường. Bạn đọc sẽ tìm được những điều này ở nguồn tin của TTXVN.

Thêm nữa, nhiều trang tin, tạp chí điện tử thường chỉ đưa tin ở một hiện tượng, sự việc, thiếu kiểm chứng, không phản ánh được đa chiều. Trong khi đó, thông tin nói chung và đặc biệt là thông tin kinh tế của TTXVN được xác minh thận trọng, phản ánh bức tranh lớn, đa chiều, có giá trị sử dụng tham khảo dài hạn. Chính yếu tố này mang lại độ tin cậy cao và sự khác biệt cho thông tin kinh tế của TTXVN.

Trong thời gian tới, giới chuyên gia cũng như cộng đồng doanh nghiệp, người dân mong muốn TTXVN tiếp tục đẩy mạnh những bài phân tích chuyên sâu về một số vấn đề kinh tế - xã hội, đưa ra được những phân tích sát thực với cuộc sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp.

Để từ những phân tích đó, doanh nghiệp và người dân hiểu rõ về hiện tượng, sự việc đang diễn ra có ý nghĩa ra sao đối với hoạt động của họ.

Ví dụ: Đối với tin bài về tỷ giá ngoại tệ, từ những phân tích về chính sách, dự báo xu hướng trong các bài viết kinh tế chuyên sâu của TTXVN, doanh nghiệp sẽ nắm bắt được vấn đề, hiểu được mình cần chuẩn bị gì trước những thay đổi như vậy.../.

BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dau-an-cua-giam-sat-va-phan-bien-chinh-sach/262148.html