Dấu ấn của Shell trong lịch sử dầu khí Nigeria

Ngày 17/1, Shell tuyên bố sẽ rút khỏi lĩnh vực dầu khí trên đất liền của Nigeria sau khi đồng ý bán tài sản trên đất liền của mình tại quốc gia thành viên của OPEC. Sau 88 năm hiện diện tại Nigeria, Shell có rất nhiều dấu ấn trong lịch sử ngành dầu khí Nigeria.

Công nhân Shell tại Nigeria. Ảnh Reuters

Công nhân Shell tại Nigeria. Ảnh Reuters

Shell đã đạt được thỏa thuận bán công ty con trên đất liền ở Nigeria, The Shell Petroleum Development Company of Nigeria Limited (SPDC), cho Renaissance, một tập đoàn gồm 5 công ty - bốn công ty thăm dò và sản xuất có trụ sở tại Nigeria và một tập đoàn năng lượng quốc tế - với giá 1,3 tỷ USD.

Trong một tuyên bố, người mua cũng sẽ thanh toán thêm bằng tiền mặt cho Shell lên tới 1,1 tỷ USD, chủ yếu liên quan đến các khoản phải thu trước đó và số dư tiền mặt trong doanh nghiệp, với phần lớn dự kiến sẽ được thanh toán khi hoàn tất thỏa thuận.

Việc hoàn tất giao dịch phải được chính phủ liên bang Nigeria chấp thuận và các điều kiện khác.

Đi tiên phong trong ngành dầu khí của Nigeria, Shell vẫn là nhà đầu tư lớn ở quốc gia Tây Phi này ngay cả khi rút khỏi các hoạt động trên đất liền. Nhưng nhiều thập kỷ qua, công ty của Anh đã bị chỉ trích sau vụ tràn dầu ở khu vực đồng bằng, đồng thời phải đối mặt với nạn trộm cắp dầu, tham nhũng và bạo lực.

Dưới đây là một số điểm nổi bật trong lịch sử của Shell ở Nigeria:

1936 - Tập đoàn Royal Dutch Shell thành lập một công ty ở Nigeria với tiền thân là BP Plc. Chuyến hàng dầu đầu tiên từ Nigeria diễn ra vào năm 1958.

Tháng 4/1973 – Chính phủ Nigeria nắm giữ cổ phần trong công ty. Trong vài năm tiếp theo, chính phủ đã tăng cổ phần và BP đã rút lui.

1979 - Thành lập Công ty Phát triển Dầu khí Shell của Nigeria (SPDC), công ty tiếp quản tài sản của tập đoàn Shell-BP trước đây. Theo thời gian, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Nigeria nắm giữ 55%, Shell 30%, Total của Pháp 10% và Eni của Ý 5%.

1990 - Phong trào vì sự sống còn của người dân Ogoni (MOSOP), do nhà hoạt động môi trường Ken Saro-Wiwa lãnh đạo, bắt đầu diễn ra nhằm mục đích yêu cầu sự công bằng trong việc chia sẻnguồn tài nguyên dầu mỏ và bồi thường thiệt hại về môi trường cho người dân Ogoni sống trên các mỏ dầu.

Tháng 1/1993 - MOSOP tổ chức các cuộc biểu tình gồm khoảng 300.000 người Ogoni nhằm chống lại Shell và vấn đề ô nhiễm dầu mỏ. Chính phủ quân sự Nigeria chiếm đóng khu vực.

Tháng 4/1993 - Shell thành lập Công ty TNHH Thăm dò và Sản xuất Shell Nigeria (SNEPCo), ký kết các hợp đồng chia sẻ sản phẩm để phát triển các lợi ích dầu khí ngoài khơi.

1993 - Shell ngừng sản xuất ở Ogoniland.

Tháng 11/1995 - Saro-Wiwa và tám thủ lĩnh MOSOP khác bị chính quyền quân sự Sani Abacha xử tử vì tội giết người, gây ra nỗi kinh hoàng trên toàn thế giới. Nigeria bị loại khỏi Khối thịnh vượng chung.

Cuối những năm 1990 - Shell tập trung vào hoạt động thăm dò ngoài khơi, nơi công ty có khoản lợi nhuận tốt và ít bị đe dọa tấn công từ các chiến binh.

Tháng 3/2001 - Shell ký thỏa thuận mua 40% cổ phần trong Giấy phép Sản xuất Dầu (OPL) 245, một mỏ dầu ngoài khơi thuộc công ty địa phương Malabu.

Tháng 10/2003 - SPDC bơm hơn một triệu thùng dầu mỗi ngày.

2005 - Shell bắt đầu sản xuất tại mỏ ngoài khơi Bonga khổng lồ.

2006 - Nhóm chiến binh MEND (Phong trào giải phóng đồng bằng Niger) nổi lên và bắt đầu tấn công các cơ sở của Shell. Giống như MOSOP, họ tìm cách đảm bảo phần lớn nguồn tài nguyên dầu mỏ cho người dân vùng đồng bằng và giải quyết các vụ tràn dầu. Các trạm và giàn bơm SPDC ở đồng bằng Niger bị tấn công khiến sản lượng sụt giảm.

2008 - Hai vụ tràn dầu lớn do trục trặc trong quá trình vận hành đã làm ảnh hưởng đến cộng đồng Bodo ở Ogoniland, đồng bằng sông Niger. Hàng chục nghìn thùng dầu bị tràn ra môi trường.

Tháng 1/2010 - SPDC bán một số mỏ trên đất liền và cho biết họ không còn phụ thuộc vào Nigeria để phát triển nữa.

Tháng 4/2011 - Shell và Eni của Ý mua OPL 245 ở Malabu với giá 1,1 tỷ USD.

Tháng 8/2011 - Một báo cáo của Liên Hợp Quốc cáo buộc Shell và chính phủ Nigeria đã góp phần gây ra tình trạng ô nhiễm kéo dài 50 năm ở Ogoniland, báo cáo cho biết đây là hoạt động làm sạch dầu lớn nhất thế giới, với chi phí ban đầu là 1 tỷ USD và kéo dài 30 năm.

Tháng 3/2012 - Một nhóm 11.000 người Nigeria từ Bodo, Ogoniland, dã kiện Shell lên Tòa án tối cao ở London, đòi bồi thường hàng chục triệu đô la cho vụ tràn dầu năm 2008.

Tháng 1/2013 - Tòa án Hà Lan phát hiện Shell có thể phải chịu trách nhiệm một phần về tình trạng ô nhiễm ở Đồng bằng Niger, phán quyết rằng công ty lẽ ra phải sớm ngăn chặn hành vi phá hoại tại một trong các cơ sở của mình. Bốn người Nigeria và nhóm Những người bạn của Trái đất đã đệ đơn kiện vào năm 2008 tại Hà Lan.

Tháng 1/2015 - Shell thừa nhận trách nhiệm về vụ tràn dầu Bodo, đồng ý trả 55 triệu bảng Anh (83 triệu USD vào thời điểm đó) cho dân làng Bodo và làm sạch khu vực đất liền cũng như đường thủy.

Tháng 5/2018 - Phiên tòa xét xử Shell và Eni liên quan đến việc mua lại OPL 245 vào năm 2011 bắt đầu tại Milan. Chín giám đốc điều hành và doanh nhân trước đây và hiện tại, bao gồm cả Claudio Descalzi, giám đốc điều hành của ENI, bị các công tố viên Ý cáo buộc đã hối lộ 1,3 tỷ USD để có được giấy phép.

Tháng 7/2020 – Các công tố viên Ý yêu cầu tòa án Milan phạt mỗi người 900.000 euro (1,1 triệu USD) và bắt giam một số giám đốc điều hành, bao gồm cả Claudio Descalzi. Họ cũng yêu cầu tịch thu 1,092 tỷ USD, tương đương với số tiền hối lộ bị cáo buộc, cho tất cả các bị cáo.

Tháng 3/2021 – Tòa án Milan tuyên trắng án cho tất cả bị cáo trong phiên tòa ở Ý.

Tháng 8/2021 - Shell đồng ý trả 45,9 tỷ naira (111,68 triệu USD) để giải quyết vụ tràn dầu với cộng đồng Ejama-Ebubu ở Ogoniland, Nigeria.

Tháng 5/2023 - Tòa án Tối cao Vương quốc Anh ra phán quyết rằng đã quá muộn để các nguyên đơn Nigeria kiện hai công ty con của Shell về vụ tràn dầu năm 2011.

Tháng 1/2024 - Shell đồng ý bán công ty con về dầu khí trên đất liền ở Nigeria cho một tập đoàn gồm 5 công ty địa phương với giá lên tới 2,4 tỷ USD.

Anh Thư

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/dau-an-cua-shell-trong-lich-su-dau-khi-nigeria-704222.html